Cam go cuộc chiến của những chiến sĩ quân hàm xanh đối đầu tổ chức ma túy xuyên biên giới

HỒ NAM

Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum là "điểm nóng" của tội phạm về ma túy. Vì sự nhẹ dạ cả tin, vì những khoản lợi nhuận "kếch xù" từ việc buôn "cái chết trắng", những người dân bản địa vốn dĩ thật thà, chất phác bỗng trở thành người vận chuyển tinh quái, ma mãnh, sẵn sàng dùng hàng "nóng" đáp trả khi bị lực lượng chức năng vây ráp.

Chuyên án xuyên biên giới

Khu vực biên giới xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, có vị trí địa lý thuận lợi nằm ở khu vực ngã ba Đông Dương tiếp giáp 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, gần khu vực “Tam giác vàng”, một trong những trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất toàn cầu . Trong thời gian vừa qua các ông trùm, tổ chức, đường dây tội phạm ma túy đã lợi dụng địa bàn khu vực biên giới Xã Pờ Y để hoạt động, biến khu vực này như một "điểm nóng" về loại hình tội phạm về ma túy. Sau những lần cõng hàng thành công qua biên giới, các đối tượng ngày càng tinh vi, sẵn sàng đọ súng với lực lượng chức năng mỗi khi bị vây ráp.

Với quyết tâm đẩy lùi tệ nạn, giữ bình yên nơi biên giới, những chiến sĩ mang quân hàm xanh đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y không quản ngại khó khăn "nằm gai nếm mật" trà trộn, thâm nhập triệt phá nhiều đường dây ma túy từ Lào vào tỉnh Kon Tum.

Trung tá Nguyễn Văn Thành, Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cho biết: "Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, lực lượng đồn phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập 3 chuyên án đấu tranh với hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. Chuyên án bắt giữ hàng chục đối tượng thu giữ hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp, ma túy đá cùng nhiều vũ khí nóng".

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, 1 trinh sát đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y vẫn nhớ như in những ngày tháng "nằm gai nếm mật" phối hợp với Công an nước bạn Lào thực hiện chuyên án 918 LV. Đồng chí trinh sát nhớ lại, ngày 14/3, qua công tác nắm tình hình ở địa bàn khu vực biên giới anh em phát hiện có một đường dây, tổ chức vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ. Sau 1 thời gian bàn bạc, đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và phòng Phòng chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum phối hợp với Công an tỉnh Attapg (Lào) thành lập chuyên án 918 LV đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào và Việt Nam. Để chủ động, kịp thời ngăn chặn ma túy vào Việt Nam, với tinh thần cương quyết, tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.

Sau một thời gian dài lên chuyên án lực lượng đánh án đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y phối hợp lực lượng công an nước bạn Lào bắt giữ 5 đối tượng người lào đang trên đường vận chuyện hơn 60.000 viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam.

Để thực hiện chuyên án 918 LV, ban chuyên án đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Các trinh sát được điều động chia làm nhiều mũi, nhiều hướng "án binh bất động" theo dõi hoạt động của nhóm đối tượng phạm tội. Sau một thời gian dài "nằm gai nếm mật", các trinh sát xác định ngày 14/3 sẽ có 5 đối tượng người Lào sẽ vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, ban chuyên án quyết định phá án.

Vào 03h15 ngày 14/3 tại khu vực biên giới tỉnh Attapữ (Lào), ban chuyên án phối hợp với Công an tỉnh Attape bắt giữ 05 đối tượng đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam. Tang vật thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2 kg cần sa, 1 súng ngắn quân dụng (trong đó có 1 viên đã lên nòng) 03 viên đạn...

Hai đối tượng Thao Say và Thao Póc, cùng ngụ tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi bị bắt giữ khi vận chuyển 03 kg ma túy cùng số lượng lớn tiền mặt

Tiếp đó, qua công tác nắm tình hình, trinh sát phát hiện có 1 tổ chức có nhiều biểu hiện nghi vấn về mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào vào Việt Nam. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum đã thành lập chuyên án KT 220. Vào lúc 10h ngày 26/3, lực lượng đồn biên phòng phối hợp với phòng Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum và đoàn Đặc nhiệm miền Trung - Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát hiện 2 đối tượng là Thao Póc (SN 1978) và Thao Say (1982), cùng ngụ tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Trên người 2 đối thượng các trinh sát thu giữ 03 kg ma túy tổng hợp dạng đá kèm theo số lượng lớn tiền mặt và nhiều tang vật khác. Hai ngày liên tiếp (ngày 24/06 và ngày 25/06/) phá thành công 2 vụ án, bắt 3 đối tượng, thu giữ 7,3 kg ma túy dạng đá và ketamine.

Cũng từ nguồn tin các trinh sát báo về tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy tại khu vực biên giới diễn biến phức tạp có nhiều đối tượng có biểu hiện tình nghi, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum đã thành lập chuyên án KT 420. Vào 14h ngày 25/6, tổ công tác gồm lực lượng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, đoàn Đặc nhiệm miền Trung - cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, PC04 Công an tỉnh Kon Tum đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực thuộc thôn lệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phát hiện đối tượng nằm trong chuyên án là Hà Văn Ân, SN 1985, ngụ thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, cõng 1 ba lô nghi vấn. Kiểm tra người đối tượng lực lượng chức năng hiện có 6kg ma túy đá.

Có thể phải hy sinh khi phá án

Chia sẻ về những khó khăn mà các trinh sát phải đối mặt thực hiện chuyên án, Trung tá Thành cho biết: "Để chuyên án thắng lợi, triệt phá các đường dây buôn bán ma túy xuyên biên giới là hành trình gian nan, vất vả. Các trinh sát luôn đối mặt với hiểm nguy vì đối tượng chống đối đến cùng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Quá trình đánh án có thể hy sinh. Thiếu thốn về phương tiện nghiệp vụ, địa bàn phá án ở khu vực rừng núi, hẻo lánh, không có sóng điện thoại. Quá trình phá án có lúc phải ở trong rừng nhiều ngày, không được nấu ăn mà phải ăn lương khô và mì tôm sống, bị muỗi vắt cắn là chuyện thường rất ảnh hưởng sức khỏe vô cùng gian nan vất vả".

"Những đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam phần lớn là người dân địa phương sinh sống tại khu vực cửa khẩu bị kẻ xấu lôi kéo, vì siêu lợi nhuận đã trở thành những chân rết trong đường dây ma túy xuyên biên giới", Trung tá Thành cho biết thêm.

Đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam thường rất manh động, và liều lĩnh sẵn sàng dùng "hàng nóng" đáp trả khi bị vây ráp

Ông Thao Lợi, Trưởng làng Đăk Mế, xã Bờ Y cho biết: "Trước đây, người dân trong làng chỉ chuyên tâm làm ăn chân chính, không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, không rõ lý do vì sao thời gian gần đây, nhiều người lại tham gia mua bán, vận chuyển ma túy, dẫn đến bị bắt, gia đình gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, việc gia tăng số lượng người nghiện ma túy cũng khiến tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp".

“Là trưởng làng, tôi cảm thấy buồn lắm, bởi một số bà con đã không nghe mình, mà đi nghe lời xúi giục của những kẻ xấu. Được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất, người dân Brâu cũng hiểu được những tác hại của ma túy mang đến, khi ngày 10 hàng tháng làng đều tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về an ninh trật tự. Bây giờ, dân làng chỉ mong lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và xã, lực lượng công an, biên phòng giúp đỡ làng mình, tuyên truyền nhiều hơn nữa để bà con không nghe theo kẻ xấu nữa”, ông Thao Lợi chia sẻ.

Những đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam phần lớn là những người dân địa phương bị kẻ xấu lôi kéo, trở thành chân rết trong đường dây ma túy xuyên biên giới

Ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Pờ Y, cho biết: "Toàn xã có 17 dân tộc sinh sống tại 8 thôn, làng, trải dài trên 20,5 km đường biên giới, trong đó có đồng bào Brâu. Một trong những nguyên nhân khiến người đồng bào Brâu trở thành đối tượng để các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sử dụng, là bởi người dân ở Đăk Mế có quan hệ huyết thống, họ hàng với người ở một số làng, bản bên kia biên giới. Trong quá trình qua lại biên giới để thăm hỏi, bà con Brâu dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo bằng cách đưa ra mức giá thuê vận chuyển ma túy rất cao".

H.N