Người Đưa Tin (NĐT): Năm 2023 là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, và có lẽ tại Dược Lâm Đồng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức nói riêng. Trong thời kỳ “người khôn, của khó” ấy, Dược Lâm Đồng đã phải đối mặt với những thách thức như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Nhìn vào kết quả kinh doanh không mấy khả quan mà chúng tôi đạt được trong 2 năm gần đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn mà Dược Lâm Đồng phải trải qua trong thời gian vừa rồi.

Cũng như bao doanh nghiệp khác, Dược Lâm Đồng đang phải đối mặt với bài toán vốn khi rất khó để huy động từ mọi kênh dẫn vốn trên thị trường. Kênh trái phiếu vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư; nguồn vốn tín dụng bị “ngáng đường” bởi hệ thống thủ tục phức tạp, tình trạng nợ xấu gia tăng cũng đang khiến các ngân hàng thương mại trở nên chặt chẽ hơn, thậm chí là giảm hạn mức cho vay do quan ngại thu nợ chậm; huy động vốn từ cổ phiếu cũng gặp khó do sự suy giảm của thị trường chứng khoán…

Trong khi đó, về tình hình nội tại doanh nghiệp trong năm 2023 cũng gặp nhiều biến động về nhân sự cấp cao, cùng những câu chuyện sai phạm của các nhà đầu tư cũ liên đới khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chính bản thân doanh nghiệp cũng mất phương hướng hoạt động trong một khoảng thời gian dài.

NĐT: Nhưng như cách nhiều người thường nói “trong nguy có cơ” ông nhìn nhận cơ hội như thế nào đối với Dược Lâm Đồng tại thời điểm ấy?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Đúng vậy, dù đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa rồi, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì nội tại Dược Lâm Đồng có rất nhiều cơ hội để lội ngược dòng trong tương lai gần.

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, có rất nhiều cơ hội để bứt phá đến với Dược Lâm Đồng, nhưng với những thách thức kể trên, doanh nghiệp của chúng tôi phải tạm dừng mọi kế hoạch, chấp nhận chậm chân, kiện toàn lại doanh nghiệp để tiến xa hơn trong tương lai.

Đặc biệt, không phải chỉ riêng lại Dược Lâm Đồng, tôi cho rằng đối với tất cả các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt là bộ máy lãnh đạo. Trải qua giai đoạn hoạt động như “rắn mất đầu”, giờ chúng tôi đã kiện toàn được bộ máy lãnh đạo mới, từ đó thay đổi, cải tổ lại phương hướng hoạt động của doanh nghiệp.

Để công ty quay lại đúng quỹ đạo ban đầu, thoát khỏi thời kỳ đen tối, chúng tôi tự nhủ với nhau rằng, đồng lòng lúc này là sức mạnh, lãnh đạo sẽ đồng hành cùng nhân viên để tất cả mọi người “thở” cùng một nhịp với doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, chúng tôi xây dựng bộ quy chế thưởng phạt rõ ràng để tất cả nhân sự của công ty cùng cố gắng đạt được mục tiêu đề ra, vì lợi ích của từng cá nhân và vì lợi ích chung của doanh nghiệp.

Nhờ “nắn” lại định hướng và tinh thần làm việc, chúng tôi đã có lãi trở lại ngay trong quý I/2024 sau 2 năm thua lỗ nặng nề. Dù con số lãi hiện nay chỉ là vài trăm triệu đồng, nhưng tôi tin nếu giữ vững nền tảng hoạt động này, Dược Lâm Đồng sẽ quay trở lại thời hoàng kim, thậm chí còn phát triển vượt trội hơn trong bối cảnh nền kinh tế dần có những tín hiệu tích cực.

Hiện nay, chúng tôi đã nhìn nhận rõ điểm mạnh - yếu của doanh nghiệp, chỗ nào còn yếu kém cần xây dựng lại và điểm nào mạnh sẽ được đầu tư để kế mạnh hơn.

NĐT: Vậy cụ thể, Dược Lâm Đồng sẽ tập trung vào những điểm mạnh nào?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Chúng tôi có lịch sử lâu đời lên đến 42 năm, thương hiệu Dược Lâm Đồng cũng được đông đảo đối tác cũng như khách hàng tin tưởng sử dụng với các sản phẩm được dán nhãn hữu cơ, sạch, chất lượng cao. Do đó trong thời gian tới doanh nghiệp định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển những sản phẩm cốt lõi, đặc trưng riêng mà chỉ Dược Lâm Đồng sở hữu, tiếp cận đến các chuỗi nhà thuốc, siêu thị lớn trên cả nước để mở rộng mạng lưới phân phối; mở rộng vùng cây trồng đạt tiêu chuẩn GACP, tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo tiêu chí xanh sạch.

Thế mạnh lớn nhất của chúng tôi hiện nay là cây Atiso. Với gần 100 sản phẩm từ cây atiso, chúng tôi vốn được đánh giá là điểm sáng trong chế biến, chiết xuất loại cây này của tỉnh Lâm Đồng. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực thăm dò thị trường, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế để đưa sản phẩm atiso xuất ngoại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đẩy mạnh đầu tư giống cây trồng đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh – Quốc bảo của Việt Nam. Nhắc đến sâm người ta nghĩ ngay đến việc mức giá đắt đỏ, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất và phân phối sản phẩm này với nhiều tầm giá từ trung đến cao cấp, hướng tới việc tất cả người Việt đều có thể sử dụng sản phẩm quý này để nâng cao sức khoẻ trong tương lai gần.

NĐT: Xu thế chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững dần trở thành yếu tố bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dược phẩm. Tại Dược Lâm Đồng, xu thế trên được thể hiện như thế nào?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, để đi đường xa, việc phát triển sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, để tiếp cận các thị trường quốc tế với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, chúng tôi nhận thức cần phải sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao ngay từ những bước nuôi trồng ban đầu. Vì vậy, Dược Lâm Đồng đã và đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu chuẩn hữu cơ GACP, xanh, sạch và bảo vệ môi trường.

Để giải quyết bài toán đầu vào, chúng tôi đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, định hướng phương thức chăm sóc mới theo hướng an toàn, bền vững cho bà con nông dân.

Chúng tôi cũng ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với các hộ dân trên địa bàn, công ty cung cấp cho bà con nông dân giống, danh mục những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và hướng dẫn người dân cách sử dụng, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thời gian cách ly với thuốc.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên của công ty thường xuyên kiểm tra thực địa các vườn nguyên liệu. Trước khi thu hoạch, chúng tôi sẽ lấy mẫu kiểm tra và chỉ thu hoạch nguyên liệu Atiso đạt tiêu chuẩn và trong vòng 24h đưa vào sản xuất để đảm bảo chất lượng và hàm lượng Cynarin tốt nhất. Nếu vùng nguyên liệu nào có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao sẽ để lại tiếp tục cách ly.

Do đảm bảo được chất lượng của nguyên liệu đầu vào và tuân thủ nghiêm ngặt trong khâu sản xuất, Dược Lâm Đồng tự tin cam kết về chất lượng các sản phẩm và đã có 2 sản phẩm trong tổng số 42 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.

NĐT: Sau giai đoạn “bỡ ngỡ” với các khái niệm về ESG (Môi trường – Xã hội - Quản trị doanh nghiệp), việc áp dụng thực hành ESG hiện nay tại doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một rõ nét và hiệu quả hơn. Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của việc áp dụng ESG tại doanh nghiệp ngành dược?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Theo tôi, việc áp dụng thực hành ESG tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã trở thành xu hướng phổ biến và câu hỏi “doanh nghiệp có tồn tại lâu dài hay không?” phải được trả lời bằng chất lượng sản phẩm. Để làm được như vậy, bắt buộc cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng, qua đó củng cố cho sự phát triển thương hiệu riêng của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ thực tiễn tại Dược Lâm Đồng, trong giai đoạn Covid-19 bùng nổ, chúng tôi đã chi hàng tỷ đồng để cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, tặng xe cứu thương hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân giữa đỉnh dịch. Ngoài ra công ty cũng tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện do tỉnh Lâm Đồng phát động.

Tôi cho rằng ngoài mục tiêu tạo ra các sản phẩm chữa bệnh, doanh nghiệp nên quan tâm đến các yếu tố ESG để gia tăng khả năng đóng góp với cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động.

NĐT: Người ta vẫn thường nói rằng “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, theo ông, có nên xây dựng những cộng đồng doanh nghiệp dược hỗ trợ lẫn nhau phát triển theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường hay không?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Nếu có thể xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau đi lên, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm kinh doanh sẽ là một bước đi hoàn toàn đúng đắn và nhân văn. Việc các doanh nghiệp cùng hợp tác đồng nghĩa với việc chia sẻ cơ hội, chia sẻ lợi ích và ở một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp cũng sẽ cùng nhau san sẻ những khó khăn, thách thức phải đương đầu.

Dù vậy cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hình thức hợp tác chia sẻ để cùng nhau đi lên trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đa số doanh nghiệp vẫn thường hoạt động theo lối việc ai nấy làm. Thậm chí nhiều trường hợp còn xảy ra tình trạng “trâu buộc ghét trâu ăn”, “con gà ganh nhau tiếng gáy”.

Để thay đổi được điều này trước hết cần thay đổi tư duy làm ăn của các doanh nghiệp. Họ cần nhận thức rõ, nếu muốn phát triển trong mội môi trường kinh doanh lành mạnh thì bắt buộc phải có những chuỗi giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ được chia sẻ thông tin, cơ hội, kiến thức… để cùng nhau làm.

Cây tre mạnh là cây tre đứng nên luỹ, nên thành vững chãi chứ không phải cây tre đứng một mình. Tại thị trường Việt Nam, quy mô các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, vậy nên muốn đi xa, đi đường dài thì việc liên kết với nhau tạo thành mạng lưới rộng lớn là cực kỳ cần thiết và tất yếu.

NĐT: Để phát triển theo hướng xanh bền vững kết hợp cùng tác tiêu chí ESG hẳn doanh nghiệp nào cũng cần một nguồn vốn lớn. Theo ông, nguồn vốn đóng vai trò như thế nào trong quá trình sản xuất kinh doanh của công ty? Hiện nay Dược Lâm Đồng có những kênh tiếp cận nguồn vốn nào?

Ông Lê Tiến Thịnh – CEO Dược Lâm Đồng (Ladophar):
Nguồn vốn đối với doanh nghiệp tương tự như mạch máu đối với cơ thể, nếu vốn “tắc” cũng giống như huyết mạch bị chặt đứt, doanh nghiệp chắc chắn sẽ điêu đứng và không thể sống sót trên thị trường.

Trong giai đoạn vừa qua, dù Chính phủ rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế huy động vốn không hề dễ. Trong khi đó, việc chuyển đổi xanh, áp dụng các tiêu chí thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất kinh doanh cần chi phí ban đầu vô cùng lớn, đòi hỏi nguồn đầu tư dồi dào.

Tôi cho rằng giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn thì những gói giải pháp tài chính xanh của ngân hàng cùng với sự hỗ trợ tối đa về thủ tục, hồ sơ, hành lang pháp lý của Chính phủ sẽ là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, từ đó có cơ hội phục hồi và phát triển.

file-xuat-phong-van.mp4

Cụ thể, các ngân hàng khi xem xét hồ sơ vay vốn nên nhìn vào bề dày kinh nghiệm của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh trong thời điểm trước khó khăn và tiềm năng phát triển trong tương lai. Từ đó đưa ra quyết định xét duyệt hồ sơ vay vốn dễ dàng hơn, tránh trường hợp sợ sai, sợ trách nhiệm, khắt khe trong việc xuất vốn để doanh nghiệp dù có tiềm năng phục hồi nhưng lại “chết yểu” vì thiếu vốn.

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên rất cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương để những chính sách đi vào cuộc sống, tránh trường hợp chính sách có nhưng chỉ nằm trên giấy.

Tại Dược Lâm Đồng, chúng tôi huy động vốn từ nhiều kênh nhưng ở thời điểm hiện tại, nguồn lực chủ yếu đến từ các cổ đông cá nhân đầu tư chuyên nghiệp.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cơ quan chức năng tại địa phương trong việc bổ sung vốn để mở rộng nguồn nguyên liệu sạch. Có thể nói, tại tỉnh Lâm Đồng thì Dược Lâm Đồng được ví như “con cưng” với bề dày kinh nghiệm, thương hiệu uy tín và chất lượng sản phẩm tốt nên rất được tỉnh nhà quan tâm, giúp đỡ về chính sách, thúc đẩy xúc tiến thương mại với các tỉnh thành trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.

Dù vậy trong thời gian tới, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận thêm nhiều kênh dẫn vốn khác hơn để có thể đầu tư vào mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 03/05/2024 | 07:45