“Bảo bối” Triều Tiên dùng để đối phó với lệnh trừng phạt

“Bảo bối” Triều Tiên dùng để đối phó với lệnh trừng phạt

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 3, 31/10/2017 08:00

Được xem là thứ “vàng xanh” mang lại ý nghĩa cực lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực, tảo được Triều Tiên đẩy mạnh phát triển và coi như “một nguồn lực chiến lược” nhằm làm giảm ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp “vàng xanh” này là một bước đi quan trọng với Bình Nhưỡng.

Cứu cánh của Triều Tiên?

Triều Tiên được cho là đang phát triển số lượng lớn tảo nhằm đối phó với các tác động của lệnh trừng phạt. Ngành nuôi trồng tảo hiện được xem là chiến lược giúp đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực cho Triều Tiên trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng siết chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Theo trang 38 North, Triều Tiên đã xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu và các hệ thống ao, cũng như hệ thống thủy sinh để làm nơi phát triển các loại tảo suốt 9 năm qua nhưng đến gần đây, hoạt động này mới được đẩy mạnh ở mức chóng mặt.

Hồ sơ - “Bảo bối” Triều Tiên dùng để đối phó với lệnh trừng phạt

Tảo hiện được Triều Tiên coi là “một nguồn lực chiến lược” nhằm làm giảm ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt quốc tế. 

“Một số cơ sở nghiên cứu, nuôi trồng tảo mới được xây dựng ở Wonsan, Triều Tiên cho thấy, Bình Nhưỡng rất quan tâm đến việc phát triển loại thực vật này và xem đây là nguồn tài nguyên chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu năng lượng cũng như tăng cường sản lượng nông sản nhằm làm giảm hậu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế”, 38 North cho hay.

Lâu nay, Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu năng lượng và thực phẩm từ nước ngoài.  Đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng trước Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch giảm lượng xuất khẩu dầu xuống còn 2 triệu thùng/năm kể từ tháng Một tới đây.

Để ứng phó với tình trạng thiếu nguồn dự trữ xăng dầu cũng như phân bón, Bình Nhưỡng buộc phải tìm cách trở thành một quốc gia độc lập về tài nguyên. Đây được cho là lý do khiến Triều Tiên đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tảo.

Tảo được xem là nguồn tài nguyên đa dạng, có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sản xuất lương thực thực phẩm, phân bón, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến hay thậm chí là sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo 38 North, ngành công nghiệp tảo dần dần có thể giúp Triều Tiên “giảm bớt những hệ quả tiêu cực từ các lệnh trừng phạt đánh vào nguồn cung năng lượng và lương thực” của nước này.

Tảo chứa hàm lượng protein cao, nên sau khi chế biến có thể được sử dụng để làm thực phẩm hoặc phân bón. Thứ “vàng xanh” này đã giúp nhiều nước đang phát triển trên thế giới chống chọi với nạn đói và suy dinh dưỡng.

Nguồn nhiên liệu sinh học

Theo 38 North, tảo cũng chứa thành phần lipid và có thể được xử lý để làm thành nhiên liệu sinh học. Trang mạng này ước tính Triều Tiên có thể sản xuất 2.851 tấn tảo mỗi năm, từ đó có thể mang lại xấp xỉ 1.425,5 tấn sản phẩm dinh dưỡng và có thể chuyển hóa thành 4.075,6 thùng dầu.

“Chỉ cần nhân rộng quy mô phát triển tảo thêm 100 lần, sản lượng dầu (từ tảo) có thể đáp ứng 6,5% nhu cầu tiêu thụ ước tính cho toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2014”, 38 North cho hay.

Hồ sơ - “Bảo bối” Triều Tiên dùng để đối phó với lệnh trừng phạt (Hình 2).

Các loại tảo trong phòng thí nghiệm. 

 Triều Tiên đang phải chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng của quốc tế vì chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của mình.

Liên Hợp Quốc tăng tối đa áp lực Triều Tiên. Không chỉ Mỹ mạnh tay mà Trung Quốc và Nga, những đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng, cũng bắt đầu thực thi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bóp chặt nguồn thu của Triều Tiên.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải một tuyên bố từ một người phát ngôn của ủy ban điều tra thiệt hại do các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong đó cáo buộc Mỹ gây ra "tội ác tàn nhẫn".

 Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Thiệt hại to lớn mà các lệnh trừng phạt gây ra đối với sự phát triển của đất nước cũng như cuộc sống của người dân Triều Tiên là ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, sẽ là một giấc mơ ngốc nghếch nếu nghĩ rằng, những lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu quả đối với Triều Tiên".

Theo người phát ngôn này, các lệnh trừng phạt đã không thể ngăn cản Triều Tiên chính thức trở thành một quốc gia hạt nhân và liên tục đạt được những tiến triển trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh trong hơn nửa thế kỷ qua.

Giới nhận định cho rằng việc Bình Nhưỡng nhận biết được công dụng của tảo và quan tâm phát triển ngành công nghiệp “vàng xanh” là một bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì theo thời gian ngành công nghiệp tảo có thể dần dần “giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp chế tài quốc tế đối với nguồn cung cấp năng lượng và an ninh lương thực của Triều Tiên”.          

Xem thêm >> Lý do ông Kim Jong-un bất ngờ gọi người lao động Triều Tiên ở Trung Quốc về nước

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.