Nước cờ "lạ" vào thời điểm bất ngờ
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon vừa cho hay, Seoul đã đề xuất tổ chức đàm phán cấp cao vào ngày 9/1 với Bình Nhưỡng tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự ở biên giới liên Triều.
Phía Hàn Quốc đưa ra đề xuất trên sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra thông điệp đặc biệt trong năm mới.
Trong bộ vest theo phong cách phương Tây, thay vì chiếc áo khoác đen thường thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, ông muốn giảm bớt căng thẳng đối với Hàn Quốc và sẵn sàng gửi vận động viên tới tham dự Olympic Pyeongchang tới.
Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng cho mở lại đường dây nóng liên lạc hai bên.
Tuy nhiên, ông Kim cũng đã tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ khi nhắc tới “nút hạt nhân” nằm trên bàn làm việc của mình và năng lực tên lửa của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại có thể vươn tới Mỹ.
Theo ông Ankit Panda, biên tập viên của tạp chí The Diplomat, bài phát biểu của ông Kim như “chìa cành ô liu” hướng tới phía Seoul, đồng thời khiến cho Mỹ rơi vào thế bị động và lo lắng, bởi nó nhằm chia rẽ Washington với các nước đồng minh.
Việc Bình Nhưỡng chủ động phát tín hiệu cho phía Hàn Quốc và Seoul cũng đã nhanh chóng bắt sóng. Bất chấp quan điểm của phía Mỹ, Hàn Quốc hoan nghênh đề xuất của Triều Tiên đã thực sự khiến Washington bối rối.
Theo ông Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh (Trung Quốc), phía Hàn Quốc muốn đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.
Trái ngược lại, Mỹ lại khẳng định chỉ có thể đàm phán với Bình Nhưỡng khi quốc gia này chịu từ bỏ hạt nhân.
“Washington rất hoài nghi về sự chân thành của Triều Tiên trong những bước đột phá về ngoại giao gần đây (của Bình Nhưỡng). Tư duy đó khá mơ hồ, nó thực sự tiết lộ sự chia cắt, khác biệt giữa quan điểm của Hàn Quốc, Mỹ về việc đối phó với Triều Tiên”, ông Zhao bình luận.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cảnh báo trong một tuyên bố hôm 2/1, Washington sẽ không công nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai miền Triều Tiên trừ khi vấn đề hạt nhân được giải quyết và tất cả vũ khí hạt nhân bị cấm.
“Triều Tiên có thể đàm phán với bất kỳ ai mà họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận hay thừa nhận cho tới khi Bình Nhưỡng đồng ý ngừng phát triển vũ khí hạt nhân”, bà Haley nói.
"Bình Nhưỡng sử dụng 'lá bài' của mình một cách khéo léo"
Còn theo ông Jonathan Clarke, cựu nhà ngoại giao Anh, việc ông Kim Jong-un bất ngờ hạ giọng đối với phía Hàn Quốc đã khiến giới chuyên gia đưa ra nhiều suy đoán có thể phía Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thay đổi cục diện trong chính sách ngoại giao của nước này.
“Tôi có cảm giác bất chấp những tranh cãi qua lại trước đây, có thể mọi thứ đang đạt tới mức độ mà ở đó đàm phán trở thành một khả năng”, ông Clarke nói.
Ông Clarke lưu ý Bình Nhưỡng đang nỗ lực xây dựng một hình ảnh ôn hòa để khiến Chính phủ Hàn Quốc yên tâm hơn, đặc biệt là với Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ cho chính sách “Ánh dương” trước đây (chính sách ngoại giao thân thiện với Triều Tiên bằng các chương trình hợp tác, hỗ trợ kinh tế).
“Dường như Bình Nhưỡng rất biết cách sử dụng “lá bài” của mình một cách khéo léo”, ông Clarke nói.
Theo Sputnik, đường dây nóng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã ngừng hoạt động từ hai năm trước. Kể từ đó, căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng, đạt điểm nóng tới mức độ có thể bùng phát xung đột nghiêm trọng bất kỳ lúc nào chỉ với hiểu lầm nhỏ giữa hai bên.
“Một kênh liên lạc trực tiếp giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế là điều rất cần thiết. Đường dây nóng sẽ giúp Triều Tiên có cơ hội thực sự để thảo luận với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nó còn giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai phía”, ông Tong Zhao nói.
Theo ông Tong Zhao, đường dây nóng này còn có thể mở ra một con đường mới để các bên cùng bàn về các vấn đề khác ngoài Olympic.
“Đây có thể là bước đi đầu tiên trong một tiến trình quan trọng hơn”, ông Zhao nhận định. Ông cho rằng, rõ ràng vào thời điểm hiện tại, hai miền Triều Tiên đều muốn thúc đẩy tiến trình đó một cách nhanh chóng nhằm cải thiện quan hệ và giảm bớt căng thẳng.
Xem thêm: Quốc gia nghèo nhất EU giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu: Thách thức chờ đón