"Họ gửi đến, tôi đưa vào tài khoản ngân hàng và thậm chí không đếm lại"
Không giống như Mỹ, nơi tiền lương của Tổng thống không thay đổi trong suốt 15 năm qua, ở Nga mức lương của Tổng thống luôn có sự biến động, theo RBTH.
Vào năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận mức lương là 306.000 rúp (9.500 USD) một tháng. Trong 12 tháng, ông kiếm được 3,6 triệu rúp (115.000 USD). Năm sau, thu nhập của ông tăng lên đáng kể, vượt quá 640.000 rúp (16.000 USD) một tháng và 7,7 triệu rúp (193.000 đô la) một năm.
Nhưng vào mùa Xuân năm 2015, khi đồng rúp dao động mạnh, ông Putin đã hạ mức lương của mình 10%. Tuy nhiên, vào năm 2015, ông vẫn kiếm được 8,9 triệu rúp (137.000 USD), khoảng 740.000 rúp (11.500 USD) một tháng. Việc giảm lương sẽ được tính toán sang năm tiếp theo, nghĩa là vào năm 2016.
Trên thực tế, mức lương của Tổng thống Nga được cho là thấp nhất trong số các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà lãnh đạo Nga không mấy khi quan tâm đến việc thu nhập của mình không cao bằng cấp dưới.
"Thành thật mà nói, tôi thậm chí còn không biết tiền lương của tôi có bao nhiêu. Họ gửi đến, tôi đưa vào tài khoản ngân hàng và thậm chí không đếm lại", ông Putin từng nói.
Trước khi tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 18/3, ông Putin đã đệ trình tờ khai thu nhập chính thức lên Ủy ban bầu cử.
Theo bản tự khai, người đứng đầu nước Nga hiện sở hữu một căn hộ rộng hơn 74m2 ở thành phố St. Petersburg, 2 chiếc xe hơi từ thời Liên Xô cũ, một chiếc xe tải địa hình và một chiếc xe kéo rơ moóc.
Trong 6 năm qua, ông Putin kiếm được tổng cộng 38,5 triệu rúp (tương đương 676.000USD) từ lương Tổng thống, lương hưu và các khoản tiền lãi tiết kiệm. Ông cũng có 243.000USD trong 13 tài khoản ngân hàng khác nhau.
"Các số liệu công bố trông có vẻ quá nhỏ bé so với vị trí hiện tại của Tổng thống Putin, nhưng chúng phù hợp với các báo cáo thống kê trước đây của ông ấy", Jason Bush, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc tổ chức tư vấn chính trị Eurasia Group, nhận định.
Ông Putin từng có thời gian dính phải tin đồn sở hữu một cung điện trên Biển Đen với trị giá ước tính lên tới 1 tỷ USD. Tờ BBC mô tả "cung điện khiến người ta gợi nhớ đến cung điện của Sa hoàng Nga được xây dựng hồi thế kỷ 18".
Những lời đồn còn nói rằng, khu nhà ở lộng lẫy này còn có hẳn một nhà hát tư nhân, khu đáp ba chiếc máy bay trực thăng và chỗ ở cho nhân viên bảo vệ. Trước những lời gièm pha trên, Tổng thống Putin thường khẳng định tài sản của bản thân chẳng bao giờ khổng lồ như những gì truyền thông phương Tây mô tả.
"Đó chỉ là những câu chuyện mang ra tán gẫu, vô nghĩa, không có gì đáng để thảo luận", theo Bloomberg. "Họ lấy ra khỏi mũi và bôi nó trên những mảnh giấy", ông Putin mỉa mai những tài liệu vu khống sai sự thật về tài sản của mình.
Tổng thống Putin cũng không phủ nhận rằng ông thực sự có những tài sản vô giá. Nói với phóng viên Steven Lee Myers của tờ New York Times, ông Putin tự hào: "Tôi là người đàn ông giàu có nhất không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Thứ mà tôi kiếm về chính là những cảm xúc".
"Tôi trở nên giàu có khi người dân đã hai lần giao phó trách nhiệm cho tôi lãnh đạo một quốc gia vĩ đại như Nga. Tôi tin rằng đó là tài sản lớn nhất của bản thân", ông nói thêm.
Cuộc sống “khiêm tốn” của lãnh đạo Nga
Hồi năm 1997, ông Boris Yeltsin đã buộc các quan chức phải báo cáo công khai thu nhập của họ. Với tư cách nhà lãnh đạo đất nước, ông Yeltsin đã gương mẫu đi đầu bằng việc công khai thu nhập của mình vào tháng 3/1998.
Tổng tài sản của ông có giá trị lên tới 1.950.234 rúp (325.054 USD). Con số này bao gồm tổng số tiền lương, tiền bản quyền sách và lãi suất tiết kiệm của ông ở ngân hàng Sberbank.
Các sử gia ngày nay vẫn còn nắm khá rõ thông tin về tiền lương của lãnh đạo Liên Xô thời trước. Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Oleg Budnitsky nói rằng tiền không có ý nghĩa gì đối với các nhà lãnh đạo Nga. Họ thậm chí đôi khi còn “quên” mất cách tiêu tiền như thế nào.
Một câu chuyện nổi tiếng về Tổng thống Boris Yeltsin cũng cho thấy sự hờ hững của các nhà lãnh đạo Nga với tiền của họ.
Trong một lần đến khai trương một chuỗi cửa hàng ăn uống, ông Yeltsin đã chọn một số món ăn và lục đục đến quầy trả tiền. Tuy nhiên, ông chẳng có đồng nào trong túi và các cộng sự của ông đã phải ra tay giúp đỡ.
Thậm chí đã có khoảng thời gian ông Yeltsin không thể biết chính xác được mình có bao nhiêu tiền. Ông có thể làm việc liên tục với những tài liệu trên tay, nhưng lại lúng túng khi cầm phải tờ tiền giấy.