Trước tiên, nhận định về việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương (trường tiểu học An Đồng) đã có hành vi ép giáo viên súc miệng bằng nước lau bảng, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, đó là việc làm hoen ố hình ảnh người giáo viên trong mắt xã hội.
“Từ khi còn là sinh viên, giáo viên đã được học về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống, hoặc cụ thể hơn là trong chương trình đào tạo có những môn giáo dục, dạy cho giáo viên cách ứng xử và phương pháp phạt học sinh trong từng tình huống, hướng dẫn giáo viên có những cách nhắc nhở, răn đe học sinh. Không có trường nào dạy giáo viên làm việc thất đức như vậy”, ông Quang nói.
Dưới góc độ một cơ quan đào tạo giáo viên, ông Quang cho rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không thể để khi sự việc xảy ra, chúng ta mới chạy theo xử lý. “Hiện tại, tuyển sinh sư phạm đang yêu cầu năng lực, phẩm chất tốt để có thể đào tạo ra những giáo viên có tài, có tâm”, ông nói.
Đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc làm của cô giáo trên là hoàn toàn sai. Cụ thể, cô Loan nói: “Người giáo viên không được làm phương pháp nhục hình, vi phạm pháp luật. Ở đây, cô giáo đã vi phạm Điều lệ trường tiểu học – Dùng quyền của mình để hành hạ học sinh. Nhất là khi bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng có phấn, phấn là 1 chất rất độc, nếu bắt súc miệng/uống thì rất nguy hiểm”.
“Nguyên nhân thì tôi cho rằng, đầu tiên do chính người trong cuộc đã thiếu nhận thức, thiếu kiểm soát bản thân, cho mình quá nhiều quyền. Có thể có giáo viên lấy lý do là công việc này quá áp lực, nhưng tôi nghĩ khi đã theo nghề thì phải chấp nhận những áp lực đó”, cô Loan nhấn mạnh.