“Vụ đào tẩu thế kỷ” và cuộc đời bão táp của bà Yingluck

“Vụ đào tẩu thế kỷ” và cuộc đời bão táp của bà Yingluck

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 2, 28/08/2017 05:30

Người phụ nữ được mệnh danh “hoa hồng thép” Yingluck Shinawatra đã làm nên lịch sử, khi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan với sự ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau khi bước vào chính trường, người phụ nữ xinh đẹp này đã bị cáo buộc vi phạm pháp luật và bị truy nã sau cuộc đào thoát chấn động…

Hành tung bí hiểm

Với sự thông minh, năng động và ngoại hình của một minh tinh màn bạc, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bắt đầu sự nghiệp chính trị với đầy tham vọng. Nhưng cuối cùng, sóng gió chính trường đã đẩy cuộc sống của bà sang lối khác.

Bà Yingluck Shinawatra được cho là đã đào thoát sang Dubai. Nguồn tin từ đảng Puea Thai của bà Yingluck cho biết, nữ cựu Thủ tướng đã rời khỏi Thái Lan và bay qua Singapore để tới Dubai, nơi anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra có một ngôi nhà riêng.

Ông Thaksin đã sống lưu vong suốt nhiều năm qua, để tránh án tù mà tòa án Thái Lan đã tuyên phạt ông vào năm 2008 vì tội danh Tham nhũng.

Hồ sơ - “Vụ đào tẩu thế kỷ” và cuộc đời bão táp của bà Yingluck

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

“Chúng tôi nghe nói bà ấy đã sang Campuchia, rồi tới Singapore và bay đến Dubai. Bà ấy đã đến nơi an toàn và giờ đang ở bên đó”, một thành viên cấp cao giấu tên của đảng Puea Thai chia sẻ.

Một nguồn tin từ chính quyền quân sự Thái Lan cho biết, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể xin tị nạn tại Anh để tránh bản án sắp tuyên của tòa.

The Nation dẫn một nguồn tin giấu tên, người có vị trí cao trong hệ thống an ninh Thái Lan cho biết: "Thaksin đã chuẩn bị kế hoạch chạy trốn cho em gái từ lâu. Ông ấy sẽ không cho phép em gái mình sống một ngày nào trong tù". Bên cạnh đó, người này cho biết thêm: "Dubai không phải điểm dừng chân cuối của bà Yingluck”.

Nguồn tin thân cận với gia đình Shinawatra ngày 25/8 cho hay, cựu Thủ tướng đã trốn ra nước ngoài trước khi có phán quyết.

Theo Bangkok Post, các nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan hôm 25/8 tiết lộ một số quan chức cấp cao của Chính phủ nước này đã thông đồng trong vụ bỏ trốn khỏi đất nước của bà Yingluck Shinawatra.

Lý do khiến các quan chức có động thái này là bởi phán quyết của toà và đặc biệt bản án tù với cựu Thủ tướng có thể sẽ gây nên tình trạng bất ổn trong nhóm người ủng hộ bà Yingluck.

Việc “hoa hồng thép” Thái Lan biến mất, không phải vào tù sẽ giúp Chính phủ Thái Lan tránh được sức ép và bất ổn xã hội.

Với quyết định đào thoát, bà Yingluck giờ phải sống lưu vong, trốn chạy cả đời, trừ khi được hoàng gia ân xá.

Sự ra đi của bà là dấu hiệu cho thấy chặng đường chính trị của nhà Shinawatra đã tới điểm cuối. Dường như cánh cửa chính trị với nhà Shinawatra tại chính trường Thái Lan đã đóng lại cùng sự kiện bà Yingluck bỏ trốn khỏi đất nước để tránh phán quyết của tòa Tối cao.

Tương lai đảng chính trị Puea Thai đang đứng trước màn sương mờ mịt với quyết định đào tẩu của bà Yingluck.

Không còn người phụ nữ mệnh danh “hoa hồng thép” của Thái Lan, chính trị gia Sudarat Keyuraphan có thể sẽ tạm thời lãnh đạo đảng Puea Thai.

Thăng trầm cuộc đời người đàn bà đẹp

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sinh ngày 21/6/1967 tại San Kamphaeng, Thái Lan. Bà là con út trong đại gia đình người Thái gốc Hoa gồm 9 anh chị em, trong đó có cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

 Yingluck từ khi còn đi học đã nổi tiếng vì vẻ đẹp, chiều cao và tính cách năng động. Bà là thành viên tích cực của đội diễu hành trường và đã tham gia một số cuộc thi sắc đẹp.

Tốt nghiệp khoa Chính trị học và Hành chính công thuộc đại học Chiang Mai năm 1988 và có bằng thạc sĩ ngành Hành chính công của đại học Kentucky, Mỹ vào năm 1991, bà Yingluck từng giữ cương vị là Chủ tịch của AIS – tập đoàn di động lớn nhất Thái Lan, trước khi được bán lại cho Temasek Holdings của Singapore.

Sau đó bà làm Giám đốc điều hành của công ty SC Asset. Bà Yingluck kết hôn với Anusorn Amornchat, Tổng giám đốc của M Link Asia Corporation PCL, vào năm 1995.

Hồ sơ - “Vụ đào tẩu thế kỷ” và cuộc đời bão táp của bà Yingluck (Hình 2).

Bà Yingluck sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực chính trị.

Bà Yingluck sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Cha của bà, ông Lert Shinawatra, từng là thành viên của Quốc hội Thái Lan với tư cách đại diện cho thành phố Chiang Mai.

Một người chị gái của bà Yingluck là Thị trưởng Chiang Mai, anh trai Thaksin, còn các anh chị khác cũng là thành viên của Quốc hội.

Trên thực tế, trước khi tranh cử ghế Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck không hề có kinh nghiệm chính trường và cũng chưa ra tranh cử lần nào.

Tháng 5/2011, đảng  Puea Thai đề cử bà làm ứng cử viên cho chức Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử cùng năm. Đảng của bà giành được 265 ghế trên tổng số 500 ghế tại Quốc hội Thái Lan.

Ngày 8/8/2011, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej phê chuẩn chính thức bà Yingluck làm nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này.

Một khảo sát cho thấy, nội các của bà được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế trong các đời Thủ tướng, thậm chí hơn cả thời mà Thaksin nắm quyền. Bà Yingluck cũng ghi dấu ấn trong lòng người dân Thái khi ban hành nhiều chính sách hướng đến người nghèo và vực dậy nền kinh tế Thái Lan.

Tuy nhiên, chính trường Thái Lan biến động khó lường. Bà Yingluck cũng không phải là ngoại lệ với những sóng gió chính trường. Đầu tháng 5/2014, tòa án Tối cao tước chức vị của bà Yingluck vì cáo buộc lạm quyền.

Trong hơn 3 năm trên cương vị Thủ tướng, cũng là 3 năm sóng gió nhất cuộc đời, bà Yingluck phải đối mặt với hàng loạt sức ép từ phe quân đội, biểu tình, ngập lụt lịch sử ở Bangkok... Kèm theo đó là hàng loạt cáo buộc khác cùng những vụ kiện dai dẳng.

Bà Yingluck bị cáo buộc để xảy ra sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo cho nông dân vào năm 2014. Khi đó, với tư cách là Chủ tịch ủy ban lúa gạo, bà Yingluck đã thực hiện chương trình mua gạo của nông dân sau mỗi vụ thu hoạch với giá cao hơn so với thị trường, sau đó tích trữ trong các kho.

Tuy nhiên, chính sách này đã khiến Chính phủ Thái Lan thiệt hại hàng tỷ USD, mặc dù nhận được sự ủng hộ của nông dân.

Tòa án buộc bà Yingluck phải bồi thường số tiền thất thoát trong ngân sách lên tới hàng tỷ USD. Bản thân bà cũng bị quản thúc, cấm xuất cảnh và thường xuyên đối mặt với những phiên điều trần.

Tuy nhiên, bà Yingluck vẫn tuyên bố vô tội và khẳng định, chính sách của bà chỉ nhằm giúp đỡ nông dân Thái Lan.

Tòa án Tối cao vừa ra lệnh bắt Yingluck Shinawatra sau khi bà không xuất hiện tại phiên tuyên án sáng 25/8. Tòa hoãn việc công bố bản án tới ngày 27/9.

Nếu bị kết tội, cựu nữ Thủ tướng của xứ Chùa Vàng sẽ phải đối mặt với tối đa 10 năm tù giam và bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Giờ đây hành tung của bà Yingluck vẫn nằm trong vòng bí mật, chưa rõ bà thực sự đang ở đâu và tiếp theo số phận cựu nữ Thủ tướng xinh đẹp này sẽ như thế nào.

Xem thêm >> Tiết lộ mới về hành trình đào tẩu bí hiểm của bà Yingluck

V.T.H

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.