1. Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Năm 2018, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Việc sơ kết đã được triển khai sâu rộng, được các cấp Hội Luật gia trong cả nước hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW trình Ban Bí thư.
Ngày 10/7/2018, Ban Bí thư đã xem xét Báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, ý kiến của các cơ quan liên quan và ban hành Thông báo Kết luận số 50-TB/TW của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI, trong đó khẳng định Việc thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Kết luận số 19-KL/TW đã đạt nhiều kết quả tích cực; tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, tiếp tục củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của các cấp Hội được tăng cường, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; góp phần thiết thực vào việc giải quyết nhiều vấn đề Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu. Đồng thời, để tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và cấp uỷ, tổ chức đảng các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục bảo đảm định hướng lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của Hội; Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 56-CT/TW và Kết luận số 19-KL/TW. Tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia sinh hoạt và giao ban định kỳ trong khối nội chính ở địa phương. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tăng cường lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Chi hội Luật gia cơ quan. Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam lãnh đạo các cấp Hội cần chủ động và nhạy bén hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao...
2. Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam
Ngày 19/01/2018, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến thăm và làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành hữu quan. Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, trong thời gian tới Hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các bộ, ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Hội trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế của nước ta.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021”
Năm 2018, Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021” tiếp tục được đẩy mạnh. Việc thực hiện Đề án đã được triển khai kịp thời, toàn diện và có hiệu quả. Trung ương Hội đã sớm ban hành kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện. Ở các địa phương, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Các nhiệm vụ thực hiện Đề án của các cấp Hội trong năm 2018 đều được triển khai thực hiện tốt. Trong năm 2018, ngoài các nhiệm vụ thường niên, các cấp Hội đã chú trọng một số nội dung, biện pháp như: Nghiên cứu và vận dụng những quy định mới về phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý để vận dụng phù hợp với yêu cầu của Hội; khảo sát thực trạng công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, lựa chọn mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng phù hợp để tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm; khảo sát và dự báo khả năng huy động nguồn lực xã hội cho công tác xã hội hoá công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn nghiệp vụ...
Kết quả thực hiện được báo cáo thành một nội dung quan trọng trong công tác Hội. Trung ương Hội đã tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo thực hiện Đề án năm 2018 gửi các cơ quan hữu quan.
4. Tập huấn công tác Hội
Để tạo điều kiện cho lực lượng cán bộ Hội có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian tới, năm 2018, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn công tác Hội ở Lào Cai, Gia Lai và Bình Thuận. Nội dung tập huấn quán triệt cho cán bộ Hội về những chủ trương, định hướng quan trọng đã được Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội đề ra trong năm 2018 và hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024; triển khai những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm và một số nhiệm vụ mới cần quán triệt và thực hiện thống nhất trong hệ thống Hội; trang bị những kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội về phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; về công tác tổ chức, cán bộ và công tác văn phòng...
Tại Hội nghị, các chuyên gia, luật gia đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức thiết thực, bổ ích; chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ năng công tác Hội, phân tích khó khăn, vướng mắc và các giải pháp cần thực hiện. Các đại biểu dự Hội nghị đều đánh giá cao về kết quả của Hội nghị tập huấn và đề nghị cần duy trì việc tổ chức Hội nghị tập huấn này hằng năm.
5. Triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2019-2024)
Đại hội lần thứ XII của Hội, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã được tổ chức vào ngày 19/9/2014. Theo Điều lệ Hội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ được tổ chức trong năm 2019.
Ngày 28/6/2018, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Kế hoạch số 204-KH/BCHTW-HLGVN về việc tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2019-2024). Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Hội, là dịp để kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện về những kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới... Kế hoạch tổ chức Đại hội đã xác định rõ các nội dung cần thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo và các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội. Trong năm 2018, các nhiệm vụ được đề ra trong kế hoạch đều được triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ đề ra và phong trào thi đua lập thành tích hướng tới Đại hội Đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII cũng đã được phát động.
6. Thống nhất thời gian tổ chức Đại hội của các cấp Hội
Để bảo đảm sự lãnh đạo liên tục, trực tiếp và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đối với Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về thực hiện thống nhất thời gian tổ chức Đại hội Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và các Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội cùng năm với Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam kể từ nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là một chủ trương lớn, lần đầu tiên được ban hành và đã nhận được sự nhất trí rất cao của các cấp Hội Luật gia trong cả nước.
Nghị quyết nêu rõ, đến hết nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Hội Luật gia Việt Nam, các cấp Hội Luật gia trong cả nước sẽ tổ chức đại hội của cấp mình trong cùng khoảng thời gian nhất định và sẽ hoàn thành trước thời điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam. Nghị quyết cũng nêu rõ cách thức tiến hành để bảo đảm tính phù hợp và tính khả thi trong việc tổ chức đại hội cụ thể của mỗi tổ chức Hội và bảo đảm tính thống nhất chung của toàn bộ hệ thống Hội Luật gia Việt Nam.
7. Ban hành chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam
Chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để mỗi Luật gia phấn đấu, rèn luyện và thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, giữ gìn uy tín của Luật gia và góp phần xây dựng truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam. Ngày 20/12/2018, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-HLGVN về quy định chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam.
Theo đó, có sáu chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam bao gồm: (1) Có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của Nhân dân; (2) Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam; (3) Tận tụy, trách nhiệm, cầu thị, tôn trọng và phục vụ Nhân dân; đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác, gắn bó, thân thiện; (4) Trung thực, khách quan, liêm chính, chí công, vô tư, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, công lý, quyền con người, quyền công dân, xây dựng uy tín nghề nghiệp, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin pháp luật; (5) Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và những nhiệm vụ khác được giao; (6) Tham gia tích cực vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
8. Ký kết các chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức
Năm 2018, Hội Luật gia Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác với một số cơ quan và tổ chức ở Trung ương: Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018-2021, được ký ngày 25/7/2018; Chương trình phối hợp Công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018 – 2023 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam, được ký ngày 27/9/2018; Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2018-2022, được ký ngày 6/12/2018; Thoả thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được ký ngày 10/7/2018; Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, được ký ngày 28/8/2018.
Việc ký kết các Chương trình phối hợp thực hiện công tác với một số cơ quan và tổ chức nói trên sẽ tạo cơ sở cho Hội Luật gia Việt Nam phát huy vai trò và năng lực của mình để phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Việc ký kết các thoả thuận trên đã có tác động tích cực và có sự lan toả nhanh chóng. Trên cơ sở của các thoả thuận hợp tác này, ở nhiều tỉnh thành Hội cũng đã ký kết và triển khai các chương trình phối hợp công tác cụ thể với các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương.
9. Hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo
Năm 2018, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia trên Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế, đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 3/8/2018, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) tổ chức phiên thảo luận “Cập nhật tình hình về tranh chấp Biển Đông” trong khuôn khổ Hội thảo “Khu vực hòa bình Tây Thái Bình Dương” tại In-đô-nê-xi-a. Đây là lần thứ hai COLAP đưa nội dung về vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự theo đề nghị của Hội Luật gia Việt Nam.
Ngày 21/9/2018, tại Mát-xcơ-va (Nga), Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IDAL) và Quỹ “Con đường hòa bình” tổ chức hội thảo quốc tế “Thực trạng tại Biển Đông - những đề xuất khả thi nhằm giải quyết tranh chấp”. Đây là lần thứ hai IADL chủ trì Hội thảo về chủ đề Biển Đông được tổ chức theo cơ chế thường niên trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam từ năm 2017.
Ngày 8-9/11/2018 tại Thành phố Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực”. Đây là cuộc hội thảo lần thứ 10, đánh dấu một thập kỷ trưởng thành của chuỗi Hội thảo quốc tế có nhiều ý nghĩa thiết thực và quan trọng này.
10. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở
Năm 2018, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01 ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với vai trò là trưởng đoàn và thành viên các đoàn giám sát liên ngành theo chương trình, kế hoạch đề ra. Trong đó, có 2 vụ việc (vụ khiếu nại của bà Trần Thị Kim Tân ở Thái Bình và vụ khiếu nại của ông Lê Văn Chung ở Thanh Hóa) đã được Hội Luật gia Việt Nam chủ động đề xuất và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa vào Chương trình giám sát, đồng thời giao cho Hội làm nòng cốt trong quá trình giám sát. Những kiến nghị qua 2 cuộc giám sát này được các cơ quan chức năng đồng tình chấp nhận và xử lý theo hướng đề xuất của Đoàn giám sát.
Thi Thi