Tiền Giang: “Vượt rào” tuyển dụng sai, 13 thạc sĩ có nguy cơ thất nghiệp

Tiền Giang: “Vượt rào” tuyển dụng sai, 13 thạc sĩ có nguy cơ thất nghiệp

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 11/10/2017 10:02

Sau khi Thanh tra bộ Nội vụ kiến nghị tỉnh Tiền Giang huỷ bỏ các quyết định tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, sai quy định, 13 thạc sĩ đã có thời gian cống hiến từ năm 2014-2016 đang ngồi trên đống lửa khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Nhiều sai phạm trong tuyển dụng

Kết luận thanh tra của Thanh tra bộ Nội vụ về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó... trong các cơ quan hành chính Nhà nước của UBND tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014-2016 đã chỉ ra nhiều sai phạm.

Thanh tra bộ Nội vụ cho biết, tỉnh Tiền Giang cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật, tuyển dụng được 152 công chức (65 trường hợp qua thi tuyển; 87 trường hợp tiếp nhận không qua thi) vào làm việc tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bổ sung vào những vị trí, biên chế còn thiếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Xã hội - Tiền Giang: “Vượt rào” tuyển dụng sai, 13 thạc sĩ có nguy cơ thất nghiệp

Trụ sở UBND tỉnh Tiền Giang.

 

Tuy nhiên, việc tuyển dụng qua thi tuyển công chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn tồn tại nhiều vấn đề. Đáng lưu ý, UBND tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận không qua thi tuyển 13 trường hợp theo chính sách thu hút của tỉnh là không đúng đối tượng quy định tại Điều 19, Nghị định 24 của Chính phủ. Các trường hợp kể trên có trình độ thạc sĩ về tỉnh Tiền Giang công tác từ năm 2014-2016.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Hữu Tuấn, quyền Chánh Thanh tra bộ Nội vụ cho biết, các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển, tỉnh Tiền Giang đã không có văn bản gửi xin ý kiến bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng.

“Tỉnh Tiền Giang cũng không thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp thuộc đối tượng theo chính sách thu hút và giao cho các sở, ngành. Một số trường hợp được sát hạch không có tài liệu thể hiện việc đã tiến hành sát hạch trình độ, năng lực”, ông Tuấn nói.

Trước những tồn tại đã nêu trong kết luận thanh tra, Thanh tra bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi; thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.

Thanh tra bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch tỉnh Tiền Giang miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với công chức không đáp ứng trình độ đại học; có kế hoạch cử công chức chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ quản lý chính trị, quản lý Nhà nước... đi đào tạo, bồi dưỡng.

Ngoài ra, đề nghị tỉnh Tiền Giang xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc tham mưu, không đúng quy định pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm, số lượng cấp phó, nâng lương trước hạn và hợp đồng lao động công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu phát hiện vi phạm, tiêu cực xem xét xử lý theo quy định.

13 thạc sĩ không có lỗi

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, kết luận thanh tra đã có từ tháng 6/2017. Những kiến nghị nêu trên của Thanh tra bộ Nội vụ cũng đang được các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang xem xét, giải quyết.

“Việc này cũng có nhiều vấn đề, cần những giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, trên cơ sở các quy định của pháp luật thì tỉnh Tiền Giang đã tuyển dụng không đúng. Do vậy, về các phương án giải quyết, tỉnh Tiền Giang phải căn cứ quy định của pháp luật để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho 13 thạc sĩ này, đó là thẩm quyền của họ”, ông Tuấn cho hay.

“Tuy nhiên, dù giải quyết thế nào cũng phải trên cơ sở đủ tiêu chuẩn, đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tức là ngoài các điều kiện tiêu chuẩn, phải xin ý kiến các cơ quan, ví dụ như bộ Nội vụ trước khi tiếp nhận. Với những trường hợp phải kiểm tra sát hạch cần kiểm tra sát hạch đầy đủ, sau đó mới báo cáo bộ Nội vụ để xin ý kiến. Bộ Nội vụ sẽ xem kết quả kiểm tra sát hạch và điều kiện tiêu chuẩn có phù hợp với quy định hay không, sau đó mới có ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Nhiều vấn đề cần phải theo quy định, do đó, theo thẩm quyền, tỉnh Tiền Giang sẽ cân nhắc từng trường hợp cụ thể để phù hợp với các quy định của pháp luật. Thượng tôn pháp luật là cần thiết”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Dư luận cho rằng, trường hợp 13 thạc sĩ kể trên có sự thiệt thòi. Tuy nhiên, căn cứ các quy định của pháp luật thì họ được tuyển dụng là không đúng quy định.

“Tỉnh Tiền Giang sẽ cân nhắc với những trường hợp này xem có thể áp dụng các quy định nào khác hay không hoặc làm lại quy trình. Theo quy định của pháp luật, nếu có nhu cầu, còn chỉ tiêu biên chế và đủ điều kiện tiêu chuẩn thì lại làm lại quy trình tuyển dụng bình thường, không vấn đề gì. Không phải cứ hủy là hủy luôn, mà hủy là vì chưa làm đúng, hủy để có thể xét đủ điều kiện tiêu chuẩn theo đúng quy định pháp luật sẽ có thể làm lại quy trình. Đây là việc hết sức bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn: “Về vấn đề trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang, như kết luận thanh tra nêu, phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo quy định”.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, qua thông tin báo chí, ông được biết, tỉnh đã đưa ra một số phương án giải quyết cụ thể với 13 trường hợp này.

“Trong các phương án, có việc nếu cá nhân nào có nguyện vọng sẽ tiếp tục thi tuyển. Tuy nhiên, 13 trường hợp kể trên đã không đồng ý vì cho rằng, việc này không phải lỗi của họ. Tôi sẽ xem xét kỹ kết luận này và có ý kiến sau”, ông Hải nói.

Cũng đưa ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Bản thân 13 thạc sĩ họ không có lỗi. Nếu có câu chuyện này xảy ra thì quá thiệt thòi cho họ. Tỉnh Tiền Giang cần tính toán lại, sắp xếp hợp lý với 13 nhân tài này. Vấn đề sai là do các cơ quan chức năng của tỉnh, việc tuyển dụng mà chưa có ý kiến của bộ Nội vụ là sai, gây bức xúc dư luận. Do đó, sở Nội vụ địa phương cũng phải có trách nhiệm tham mưu trong câu chuyện này. Không thể có chuyện họ làm 2 năm rồi lại nói hủy mà không có ý kiến gì, kể cả là xin lỗi. Các chế độ với những người này sẽ tiếp tục như thế nào, công việc bố trí ra sao. Tôi đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ và công khai trước dư luận”.    

ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: “13 thạc sĩ hoàn toàn không sai mà sai là do việc tuyển dụng thì cần rà soát lại những khâu nào sai, ai làm sai để xử lý nghiêm cá nhân, tập thể liên quan. Không lẽ vận dụng chính sách sai quy định khiến người dân thiệt thòi mà không có trách nhiệm gì. Tôi cũng đề nghị Tiền Giang vận dụng những quy định trong phạm vi pháp luật cho phép để xử lý câu chuyện này thật thỏa đáng, không để lãng phí nhân tài nhưng cũng không để người tài gặp khó khăn trong phát triển bản thân”.

Về vấn đề này, trao đổi với PV, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết đang nghiên cứu hồ sơ, xem xét cụ thể nên chưa thể thông tin với báo chí và sẽ hồi âm sau.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.