Theo CNN, Toà phúc thẩm khu vực số 9 vừa ra phán quyết vào sáng 10/2 (giờ Hà Nội) về việc giữ nguyên kết quả mà toà án liên bang ở Seattle (thuộc tòa liên bang cấp thấp hơn) đưa ra hồi tuần trước. Theo đó, tòa phúc thẩm tiếp tục đình chỉ thi hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo.
Các thẩm phán nhấn mạnh hai bang Washington, Minnesota (bên nguyên trong vụ kiện) đã nêu được những phản biện về kỳ thị tôn giáo mà lệnh hành pháp của Tổng thống có thể tạo ra.
“Phía chính phủ không đưa ra được dẫn chứng chứng minh rằng bất kỳ người nước ngoài nào (từ 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh) đã chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ”, phán quyết của tòa phúc thẩm nói.
Phản ứng sau khi phán quyết đưa ra, ông Trump giận dữ viết trên Twitter: “Hẹn gặp các ông tại toà án. An ninh quốc gia đang đối mặt với rủi ro”.
Phán quyết này tiếp tục là một đòn mạnh cho chính quyền Donald Trump. Giờ đây vụ việc có thể được chuyển lên Toà án Tối cao để quyết định kết quả cuối cùng.
Do không chấp nhận kết quả từ toà án ở Seattle nên chính quyền Trump đã gửi đơn kiến nghị lên toà khu vực số 9. Chính quyền Trump đã gửi thông tin pháp lý để giải thích cho quyết định ra sắc lệnh, buổi điều trần đầu tiên diễn ra hôm 7/2.
Một ngày trước khi thẩm phán tuyên bố phán quyết, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích tòa án liên bang “mang nặng tư tưởng chính trị” và ngay cả “học sinh kém nhất” cũng nhận ra lý lẽ thuộc về ông.
Xem thêm >>> Lý do khiến Trung Quốc không thể thay thế vị trí siêu cường của Mỹ
Theo Reuters, thẩm phán phân xử vụ việc tại toà phúc thẩm khu vực 9 gồm 3 người, trong đó hai người do cựu Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm (thành viên đảng Dân chủ) và một người do cựu Tổng thống Bush lựa chọn.
Các thẩm phán đều công nhận mối quan ngại của về an ninh quốc gia do những người nhập cư mang lại là hoàn toàn chính đáng. Song, bộ Tư pháp không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy các quan ngại này là nguyên nhân hợp lý để cấm nhập cư với 7 nước.
Bộ Tư pháp cho biết đang nghiên cứu phán quyết của toà án và cân nhắc những hành động kế tiếp. Họ có thể đề nghị toà xem lại phán quyết hoặc tiếp tục đưa vụ việc trực tiếp ra toà án Tối cao.
Tuy bị thua trong "cuộc chiến" pháp lý lần 2 này, nhưng nhiều người dân cũng như các nghị sĩ quốc hội nói rằng họ ủng hộ quyết định của tân Tổng thống.
"Chúng tôi rất vui mừng khi Tổng thống Trump đưa ra lệnh cấm này và đẩy mạnh các biện pháp để bảo vệ người dân Mỹ. Tôi tin rằng, bảo vệ biên giới an toàn sẽ cho nước Mỹ an toàn", bà Debbie Meiners (67 tuổi) sống tại Florida cho biết.
Bà cũng nói thêm, người Mỹ yêu quý những người tị nạn. "Nhưng chúng tôi phải hành động để bảo vệ mình", Meiners nhấn mạnh.
Thậm chí, nhiều người tị nạn nhưng không phải là người dân theo đạo Hồi cũng đồng tình với lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump.
Daniela Otero, là người tị nạn từ Latvia đến Mỹ cho hay: "Thật đáng tiếc nếu Tòa án Mỹ dừng sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Tôi nghĩ rằng Hồi giáo là một mối đe dọa cho Hiến pháp Mỹ. Tôi biết rằng rất nhiều người kể cả bản thân tôi cảm thấy chúng ta đang ảnh hưởng đến chính phủ bằng nhiều cách", Otero nói.
Phương Anh