20.000 viên thuốc trị ung thư quá hạn không phải do hải quan?

20.000 viên thuốc trị ung thư quá hạn không phải do hải quan?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 09/05/2017 08:34

Tổng cục Hải quan vừa có thông cáo báo chí bác bỏ thông tin chậm trễ thông quan khiến 20 000 viên thuốc trị ung thư bị tiêu hủy, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, viên thuốc Tasigna 200mg

Bệnh viện đổ lỗi cho Hải quan

Thời gian qua dư luận xôn xao việc 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg đặc trị ung thư máu giá gần 14 tỷ đồng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM bị hết hạn sử dụng vì chậm trễ thủ tục nhận viện trợ.

Theo kết luận Thanh tra TP HCM vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài.

Kinh doanh - 20.000 viên thuốc trị ung thư quá hạn không phải do hải quan?

                                Thuốc Tasigna 200mg trị ung thư (ảnh minh họa)

Thông tin này đã gây bức xúc dư luận vì đây là số thuốc có giá trị lớn cả về y học lẫn kinh tế, trong khi có quá nhiều bệnh nhân nghèo cần đến nó để giằng giật sự sống với tử thần thì chỉ vì thủ tục rườm rà nhiêu khê đã khiến nó bị hết hạn phải bị tiêu hủy.

Cụ thể, theo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, tháng 7/2013 bệnh viện nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất, ngày 28/11/2013 bệnh viện có văn bản gửi Cục Quản lý Dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên.

Sau đó lòng vòng thủ tục, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.

Và đến tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn.

Theo bệnh viện này thì  nguyên nhân chậm trễ nhận được lô thuốc trên là do Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.

Về vấn đề này, Thanh tra TP HCM đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên.

Tổng cục hải quan khẳng định đã thông quan sau 01 ngày

Trước thông tin báo chí dẫn lời đại diện Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho rằng lý do chậm trễ nhập kho lô thuốc là do hải quan chậm trễ thông quan, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi báo chí bác bỏ thông tin nói trên.

Theo Tổng cục Hải quan, lô thuốc trị ung thư Tasigna (nilotinib) số lượng 20.000 viên do cty Novatis Pharma AG trao tặng, có hạn dùng 24 tháng (ngày sản xuất tháng 6/2013- ngày hết hạn tháng 5/2015) có quá trình nhập khẩu như sau:

Ngày 15/7/2013, Bệnh viện huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân.

Ngày 28/11/2013, tức là hơn 4 tháng sau, Bệnh viện này mới có công văn số 1639/TMHH-KHTH gửi Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ từ Công ty Novatis Pharma.

Sau đó phải mất gần 1 tháng, ngày 12/12/2013, Cục Quản lý dược có công văn số 20956/QLD-KD trả lời Bệnh viện truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, theo đó không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác.

Ba tháng sau đó, ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có công văn số 1187/SYT-KHTH gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.

Lại thêm 3 tháng nữa để UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3126/QĐ-UBND phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc trên, vào ngày 24/6/2014.

Ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện huyết học truyền máu tiếp nhận lô hàng. Trong đó có nêu rõ: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 45/2011/TT-BYT ngày 21/12/2011 và khoản 3 Điều 2 Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 thì thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc.

Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230 lô hàng được xếp lên phương tiện vận tải (máy bay) để vận chuyển sang Việt Nam ngày 23/7/2014. Như vậy, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam thì hạn dùng còn lại không còn đủ 12 tháng (sản xuất từ tháng 6/2013).

Tuy nhiên, ngày 01/8/2014, Bệnh viện truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh có công văn số 1275/TMHH-KHTH gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo.

Ngày 6/8/2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL- VNPT đại diện làm thủ tục NK cho Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM đã đăng ký 02 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ số 051586/PMD và 051587/PMD (ngày đăng ký 6/8/2014).

Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và làm thủ tục ngay cho 02 tờ khai nhập khẩu nêu trên. Cả 02 tờ khai đều đã được thông quan ngày 07/8/2014.

Như vậy, Tổng cục Hải quan khẳng định việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.

Dù không đảm bảo quy định tại Thông tư số 45/2011/TT-BYT  song vì lý do nhân đạo,  cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng trong 01 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan; cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định và ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược – Bộ Y tế) về thời hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…

Minh Minh        

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.