219 tỷ nộp theo quy định, chi theo quy trình?
Thông qua hợp đồng ký kết giữa hai bên như báo điện tử Người Đưa Tin đã đề cập ở các bài phản ánh trước. Nội dung hợp đồng có đoạn nêu rõ: Ban quản lý (BQL) chợ (bên A) có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa, địa điểm kinh doanh cho bên B (tiểu thương).
Theo đơn cầu cứu của bà con tiểu thương chợ An Đông, sau khi hết hạn hợp đồng 20 năm với Công ty Việt Hoa (đơn vị quản lý chợ An Đông giai đoạn 1991-2011). Năm 2012, BQL chợ An Đông mới do UBND quận 5 cử ra, trực tiếp quản lý và ký hợp đồng với các tiểu thương trong thời hạn 10 năm.
Thông tin mà báo điện tử Người Đưa Tin có được, chợ An Đông hiện tại được sử dụng hơn 25 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, mặc dù dự án, kế hoạch nâng cấp, sữa chữa đã có hơn 3 năm nay nhưng theo những người có trách nhiệm trả lới thì “vẫn còn chờ phê duyệt”!.
Vì vậy, các tiểu thương đặt ra hoài nghị về số tiền 219 tỷ đồng đã được họ nộp 3 năm qua đã đi đâu, về đâu và được sử dụng ra sao? Trong khi cở sở vật chất đã quá cũ kỹ, xuống cấp mà chính quyền quận 5, BQL chợ vẫn chưa thực hiện thi công nâng cấp, sửa chữa.
Chị T.T một tiểu thương kinh doanh quần áo cho rằng, sau khi ký hợp đồng chị đã đóng đủ tiền cho BQL chợ, theo hợp đồng thì bên BQL phải có trách nhiệm nâng cấp, sửa chữa, cải tạo địa điểm kinh doanh cho tiểu thương. Đến nay, chợ xuống cấp thì BQL chợ phải dùng số tiền đó để sửa chữa, nâng cấp theo đúng trách nhiệm trên hợp đồng.
Chị C.V kinh doanh mặt hàng giày dép cũng phân tích: “Nếu tính theo lãi suất ngân hàng của số tiền 219 tỷ từ năm 2013 đến nay, số lãi đó cũng đủ để thực hiện một hoặc hai hạng mục cần nâng cấp. Tôi chỉ cần lấy ví dụ cụ thể, 1 năm với lãi suất tiền gửi 7,5%/năm của 219 tỷ đồng, thì tổng số tiền đóng góp đã có thêm lãi xấp xỉ 18 tỷ đồng/năm, gấp đôi số tiền hơn 9 tỷ ‘bất thường’ nâng cấp, sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh và điện động lực vừa qua, chứ chưa cần tính đến 3 năm”.
Về số tiền này, ông Trần Minh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính quận 5 trả lời cho PV báo điện tử Người Đưa Tin rằng, số tiền 219 tỷ đồng thu theo hợp đồng 5 năm của các tiểu thương của chợ An Đông, đều nộp vào ngân sách Nhà nước.
Không một cá nhân hoặc tổ chức riêng lẻ nào được quyền giữ nó. Một phần của số tiền này sẽ được dùng cho chi phí quản lý chợ. Chi phí này được dùng cho 6 gói cải tạo sửa chữa và nâng cấp chợ, dĩ nhiên sẽ được trích từ nguốn ngân sách này, nhưng phải qua quy trình dự toán sau đó mới được duyệt để chi cho việc nâng cấp và sửa chữa.
Ông Sang cũng nói thêm, có trường hợp ở quận 1, TP.HCM cũng đã dùng tiền thu thuế của tiểu thương tạm nộp vào ngân hàng, sau này thanh tra vào cuộc và phát hiện vi phạm pháp luật. Đối với tiền thu thuế, phí từ chợ An Đông, Phòng Kế hoạch -Tài chính quận phải báo cáo và nộp vào ngân sách vào cuối mỗi năm.
“Trong các cuộc họp và tiếp xúc với tiểu thương, tôi rất thông cảm và chia sẻ với những bức xúc của bà con và hứa sẽ sớm trình lãnh đạo quận xem xét sớm giả quyết những yêu cầu chính đáng của tiểu thương, một phần giúp tiểu thương ổn định, kinh doanh lâu dài”, ông Sang nói.
>> Tiền tỷ đóng góp sửa chữa chợ An Đông bị "ém"? (1)
>> Bất thường, chợ An Đông nâng cấp 2 hạng mục "nhỏ xíu" gần 10 tỷ (2)
Chị V.T, một tiểu thương tham dự cuộc gặp ngày 28/10 rất bức xúc vì số tiền hơn 219 tỷ đồng, UBND quận 5 gửi vào kho bạc mà không có kế hoạch phát sinh lãi, trong khi bà con tiểu thương phải đi vay ngân hàng, vay nóng ở ngoài để đóng đủ cho quận. Chị kiến nghị cần chất vấn lãnh đạo quận và làm rõ vấn đề này và quá vô lý khi “dân phải đi vay tiền đóng để duy trì việc kinh doanh, nuôi gia đình. Còn quận thì thu tiền để quận cất vào tủ”!
Thầu giá rẻ cũng phải theo quy trình
Trước thông tin, Công ty TNHH Xây Dựng Việt Hoa (Công ty Việt Hoa), cũng muốn tham gia đầu thầu trong việc nấng cấp, sửa chữa cải tạo chợ An Đông lần này. Cách đây 26 năm (năm 1990) cũng chính đơn vị này đã xây dựng chợ An Đông và trực tiếp quản lý chợ suốt 20 năm (1991-2011). Nay công trình đã xuống cấp trầm trọng và công ty cũng muốn tái đầu tư cùng tham gia khai thác, đưa thương hiệu An Đông trở lại như thời hoàng kim.
Về vấn đề này, ông Sang cũng cho biết, ông có nắm thông tin công ty Việt Hoa là đơn vị xây dựng chợ An Đông trước đây, nhưng theo luật hiện hành thì việc đấu thầu phải công khai, minh bạch từ bước thông báo mời thầu cho đến bước cuối cùng chọn nhà thầu. Các thủ tục đều phải theo quy định pháp luật và đúng quy trình.
“Dù nhà thầu nào có cam kết rẻ nhất chăng nữa cũng phải dựa theo các bước thẩm định của các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn, sau khi thỏa hết các yêu cầu về kỹ thuật, lúc đó mới so sánh về giá cả, vì đây là tiền của dân, nên khi chọn nhà thầu phải đảm bảo các tiêu chí đầu tiên là chất lượng sau cùng mới là giá”, ông Sang nói.
Theo chị B.T tiểu thương kinh doanh cho rằng, bất kỳ đơn vị nào trúng thầu đi nữa thì quận 5, BQL chợ cũng phải thông báo và cho bà con tiểu thương nắm bắt thông tin về nhà thầu, các đại diện tiểu thương phải được cùng giám sát quá trình thi công vì mục đích cuối cùng vẫn là tạo môi trường kinh doanh tiện nghi, khang trang cho bà con tiểu thương, nên cộng đồng tiểu thương chợ cũng có quyền, trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện.
Mời độc giả đón đọc kỳ 4, lúc 13h30'
Đức Mỹ