Cũng theo VCCI, trong cuộc khảo sát mới đây với hơn 400 DN (mà hầu hết là các DN lớn), phần lớn các báo cáo tài chính là dự kiến lỗ thay vì lãi.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng có lượng tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đồ gỗ tồn kho 92,4%; đồ uống không cồn: 84,4%; cáp và dây điện: 73,5%; sản xuất bia: 71,6%; giày dép: 40%; sợi và dệt vải: 34%. “Chết lâm sàng” là cụm từ được ông Phan Diên Vỹ, giám đốc Ngân hàng GP Bank nhận định về tình hình DN trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Vỹ, hiện có hơn 70% DN đã chết hoặc đang chết “lâm sàng”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tuy nhiên, ông Vỹ cho rằng việc đưa ra gói kích cầu hiện nay là rất khó khăn. Một mặt Chính phủ chưa có chính sách cụ thể, mặt khác trên phạm vi rộng, hầu hết các DN đều đang gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới và lạm phát đang tăng cao.
Việc lựa chọn khoanh vùng đối tượng để hỗ trợ là một vấn đề khó. Bởi lẽ tất cả các DN thuộc các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, tài chính, bất động sản, chứng khoán… đều gặp khó trong khi ngân sách Nhà nước thì có hạn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng trong thời điểm hiện nay không nên hỗ trợ bằng gói kích cầu. Theo ông, không nước nào dùng ngân sách bù lãi suất mà cụ thể ở đây là dùng tiền ngân sách để trả lãi cho ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng vốn kích cầu không vào đúng mục tiêu dẫn đến hiện tượng đột biến tăng tín dụng, dòng tiền chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất, cho đến nay vẫn còn để lại nhiều hệ lụy.
Đồng quan điểm này Tiến sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nếu sử dụng gói kích cầu hay nới lỏng chính sách tiền tệ thì bằng cách này hay cách khác sẽ khiến nguy cơ tiềm ẩn lạm phát của Việt Nam càng tăng cao hơn nữa.
Nhìn lại gói kích cầu năm 2009, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gói kích cầu thứ nhất đã và đang hoàn thành nhiệm vụ giải cứu nền kinh tế. Nó đã phát huy tác dụng hỗ trợ khó khăn cho DN và các đối tượng khác.
Tuy nhiên, việc kích thích kinh tế như gói thứ nhất không phải là giải pháp giải quyết khó khăn nội tại đã tích tụ trong nền kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến lạm phát năm 2011 tăng cao là do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010.
Việc nới lỏng chính sách tài khóa đã dẫn tới hệ quả trực tiếp là bội chi ngân sách năm 2009 lên đến 6,9% GDP chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu chính phủ, các khoản Chính phủ vay về cho DN vay lại. Nợ chính phủ cũng tăng mạnh từ 36,5% GDP năm 2008 lên đến 40% GDP năm 2009.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đến hết quý III/2009 vẫn giảm tới 14,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư vẫn tăng 14,4%, trong đó vốn đầu tư nhà nước tăng tới 45,5%, vốn ngoài nhà nước tăng 12,6% nhưng vốn đầu tư nước ngoài lại giảm 11,2% so với cùng kỳ.
“Gói kích cầu năm 2009 còn nhiều điểm chung chung, các đối tượng thụ hưởng, hiệu quả của gói kích cầu thông qua việc hỗ trợ lãi suất và cách thức triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế vẫn chưa rõ ràng, do đó chưa thể đánh giá thực chất tác động của gói kích thích kinh tế này tới đâu”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.
P.V