Tờ New York Times bình luận rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là người đặc biệt yêu nước Nga. Ông Trump và các trợ lý luôn mong muốn thắt chặt quan hệ với Nga. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump và các trợ lý từng thảo luận với phía Nga và trong đó có thoả thuận về hoà bình với Ukraine.
Gần đây ông Trump dường như đã đi quá xa trong nỗ lực cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Nga. Vì sao ông Trump lại có tình cảm đặc biệt với Nga như vậy?
Đây quả thực không phải là câu hỏi giản đơn. Để điều tra về mối quan hệ Nga-Mỹ, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Đặc biệt về Tình báo Thượng viện Mỹ đã tập trung khai thác vào các vấn đề đã xảy ra, tìm hiểu xem chính quyền của ông Trump đã phá vỡ luật lệ và nói dối.
Và hẳn nhiên đằng sau mối quan hệ thân thiết này là những lý do ít người biết tới.
Nước Mỹ chưa từng rơi vào tình huống nào giống như lúc này. Lịch sử Mỹ cũng từng ghi nhận trường hợp các quốc gia khác can thiệp vào vấn đề nội bộ của Mỹ và từng có những ảnh hưởng nhất định. Anh và Đức là một ví dụ. Hai nước này đã có tác động trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1940 khi tài trợ cho các cuộc thăm dò giả và nỗ lực gây ảnh hưởng tại Hội nghị đề cử người ra tranh ghế Tổng thống. Tuy nhiên, chưa từng có mối quan hệ nào gây nhiều hoài nghi như giữa ông Trump và ông Putin.
Có 5 thuyết âm mưu có thể lý giải cho tình cảm dành cho nước Nga của Tổng thống Trump.
Trước hết, bản thân ông Trump cho rằng, ít căng thẳng với Nga sẽ càng có lợi cho Mỹ. Điều này khác xa so với quan điểm của cựu Ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, John Kerry.
Ông Kerry xem Nga là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad trong nội chiến Syria. Giới chức chính quyền ông Obama cho rằng tìm kiếm sự trợ giúp từ Nga là một việc làm không nên. Vì lẽ đó nên bất kỳ người kế nhiệm khôn ngoan nào cũng phải tìm hiểu xem Nga có thể giúp làm giảm các vấn đề căng thẳng leo thang của thế giới hiện tại hay không trước khi đặt mối quan hệ thân thích.
Lý do thứ hai lý giải cho mối quan hệ thân thiết giữa ông Trump và Nga dựa vào thuyết âm mưu về kinh tế. Bởi quá nhiều ngân hàng Mỹ sẽ không cho các công ty của ông Trump vay vốn nên tân Tổng thống phải tìm một nơi khác và Nga có thể là giải pháp hay.
Giả thiết đặt ra rằng, ông Trump có quan hệ kinh doanh với Nga nên ông muốn giữ kín việc làm ăn của mình.
Lý giải thứ ba là vấn đề chính trị. Các cố vấn của ông Trump từng có quan hệ rất thân với chính quyền của Tổng thống Putin và một vài trợ lý của ông Trump đã thảo luận riêng với Nga trong chiến dịch bầu cử Mỹ.
Trong khi đó, Nga được cho là có liên quan trực tiếp trong cuộc tấn công mạng nhằm giúp đỡ ông Trump giành chiến thắng. Nếu điều này là sự thực, dù cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào, đây sẽ là vụ việc còn tệ hơn cả bê bối Watergate.
Lý do thứ tư đó là việc Nga nắm giữ tài liệu "mật" về ông Trump. Vì lẽ đó nên ông Trump một mực giữ mối quan hệ thân thiết với Nga.
Và lý giải cuối cùng cho mối quan hệ thân thiết giữa ông Trump và Nga là sự ngưỡng mộ của ông Trump dành cho ông Putin. Lâu nay ông Putin được biết đến không chỉ là một Tổng thống lãnh đạo đất nước mà còn có khả năng bao quát các vấn đề thế giới. Vì quyền lực và tài năng của ông Putin nên ông Trump liên tục đánh giá cao và ngưỡng mộ nhà lãnh đạo Nga.
Dẫu vậy, mọi lý giải vẫn chỉ là những suy đoán. Và sẽ là sai lầm nếu cho rằng chúng ta có thể hiểu hết câu chuyện quan hệ Nga-Mỹ. Sự thật sau mối quan hệ này chỉ được dần hé lộ sau những điều tra của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Xem thêm >> Giới chức Nga lo ngại nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang mới
Thanh Hiền