Mặt trời ảo
Mặt trời giả là hiện tượng hai, ba hay nhiều “Mặt trời” xuất hiện cùng lúc, chỉ có 1 Mặt trời thật còn lại là hư ảo được gọi Mặt trời ảo. Mặt trời thật sáng hơn các Mặt trời ảo.
Hiện tượng thiên văn này tuy hiếm nhưng không thần bí vì đều là những hiện tượng quang học bình thường, diễn ra lúc Mặt trời đến gần chân trời.
Khi đó, ánh sáng sẽ xuyên qua các tinh thể băng trong không khí, tạo nên hiệu ứng khúc xạ ánh sáng, hình thành 2 - 3 vầng sáng giả trông rất giống Mặt trời.
Mây ngũ sắc
Ngày 17/3, một nhà thiên văn học người Nga đã chụp được đám mây có màu sắc vô cùng kỳ lạ ở Nepal. Ông tên là Oleg Bartunov, 51 tuổi, là một nhà nghiên cứu thiên văn của viện thiên văn Sternberg.
Gần đây, trong quá trình nghiên cứu dãy Himalaya, ông đã vô tình được chứng kiến một cảnh tượng rất hiếm gặp: Một đám mây lớn với đủ mọi sắc màu, bên trên là ánh sáng mặt trời chiếu rọi, tạo nên không cảnh đẹp tuyệt vời đến khó tin.
"Tôi không dám tin vào mắt mình nữa", Oleg Bartunov nói, "bởi vậy, tôi đã hỏi những người khác đang đứng bên cạnh, sau khi họ nhìn thấy đám mây kỳ lạ ấy, họ đã không khỏi thốt lên kinh ngạc, mọi người đã thi nhau lấy máy ảnh ra chụp lưu niệm". Ông cũng cho biết thêm, chính bản thân ông cũng chỉ chụp có 2 bức, bởi ông muốn được tận mắt chứng kiến nhiều hơn cảnh tượng diệu kỳ này.
Được biết, chính người dân nơi đây cũng rất hiếm khi được thấy những đám mây sắc màu như vậy. Quả là một dịp may với những vị khách du lịch được chứng kiến hôm đó.
Những đợt sóng điện
Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra khi các vi sinh đặc hữu ở Vaadhoo tiếp xúc với không khí. Chúng đồng loạt phát sáng như đom đóm, tạo nên một cảnh tượng chẳng khác nào trong phim Avatar.
Hoa băng
Những bông hoa tuyết này là những cảnh có thật tại các vùng biển tại Nam và Bắc Cực. Chúng được hình thành từ những điểm không hoàn hảo trong cấu trúc bề mặt lớp băng. Các điểm này bắt đầu một chuỗi phản ứng dây chuyền kì thú. Các ống tuyết rỗng phát triển từ các vị trí trên, liên tục hấp thụ hơi ẩm và các mảnh băng khác vào cấu trúc của chúng. Quá trình này diễn ra liên tục lặp đi lặp lại cho đến khi chúng đủ lớn để hình thành nên những bông hoa tuyết như chúng ta thấy.
Cầu vòng ban đêm
Ngay khi nhìn tấm ảnh này, bạn sẽ cho rằng đó là một bức ảnh đã được xử lý qua Photoshop. Một chiếc cầu vồng hiện ra giữa bầu trời tối kịt. Tuy nhiên, đây là một bức ảnh thật về hiện tượng cầu vồng ban đêm. Bản chất của cầu vồng này giống hệt những cầu vồng bạn từng biết, nhưng thay vì phản chiếu ánh mặt trời thì chúng phản chiếu ánh mặt trăng. Hiện tượng này diễn ra khá thường xuyên nhưng lại ít người biết đến vì chúng khá mờ nhạt và người ta thường chỉ thấy một đường kẻ mờ nhạt trên bầu trời. Nhưng nếu có các điều kiện thuận lợi thì chúng có thể được quan sát một cách rõ ràng.
Chớp xanh
Thứ ánh sáng xanh nổi tiếng và khó nắm bắt này là một hiện tượng quang học rất hiếm, thường xảy ra vào lúc hoàng hôn hay bình minh.
Nguyên nhân của hiện tượng thiên nhiên này là do sự tán sắc ánh sáng trong khí quyển khi ánh sáng từ Mặt trời đi qua lớp không khí dày, các tia sáng có bước sóng khác nhau (ứng với các màu khác nhau) bị khúc xạ với các góc khác nhau.
Khi Mặt trời ở vị trí thấp, sát chân trời sẽ có một phần tia sáng đỏ không tới được mắt người quan sát, trong khi phần ánh sáng màu xanh lại khúc xạ nhiều hơn nên chúng ta có thể quan sát được.
Khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy một điểm màu xanh lá cây trên nền trời. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ kéo dài chưa đến một giây.
Duyên Trần (tổng hợp)