Ai đang hưởng lợi từ độc quyền sản xuất vàng miếng?

Ai đang hưởng lợi từ độc quyền sản xuất vàng miếng?

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Cơ chế độc quyền đã giúp các doanh nghiệp trong việc "bỗng nhiên" đút túi tiền tỷ khi chuyển đổi từ phi SJC sang SJC.

Trước ngày 20/9, khi chưa có quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cho dập lại 13 tấn vàng (tương đương 350 ngàn lượng), các thương hiệu vàng miếng khác thường xuyên có mức giá bán thấp hơn vàng miếng SJC từ vài trăm tới vài triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, khi được "lệnh" của NHNH cho dập lại vàng sang thương hiệu vàng quốc gia SJC, nhiều doanh nghiệp đã gấp gáp "xin" gia công lại. Bởi vì, với thương hiệu vàng phi SJC khi chuyển sang vàng thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp lập tức có lời bạc tỷ. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng đang khiến "người trong cuộc" hưởng siêu lợi nhuận.

Bất động sản - Ai đang hưởng lợi từ độc quyền sản xuất vàng miếng?

Với mỗi lượng vàng, các doanh nghiệp phi SJC sẽ kiếm được lợi lớn

Doanh nghiệp kiếm bộn từ gia công vàng

Từ khi vàng SJC trở thành thương hiệu quốc gia, giá của loại vàng này với các thương hiệu khác luôn có một khoản chênh nhất định. Hiện tại, so với các thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng AAA của Tổng công ty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2 triệu đồng/lượng. Một số thương hiệu vàng như ACB (của Ngân hàng ACB), Thần Tài (của Sacombank)... thì mức chênh thấp cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.

Ngay sau khi NHNN cho phép chuyển đổi thương hiệu vàng khác được gia công thành vàng SJC, các doanh nghiệp "mừng" ra mặt. Họ lập tức xin dập lại số vàng tồn sang SJC. Trao đổi với PV Người đưa tin, một giám đốc doanh nghiệp vàng tại Hà Nội cho biết: "Khi nhận được tin NHNN cho dập lại 35 ngàn lượng vàng miếng, chúng tôi đã xin cơ quan này cho dập 5000 lượng. Vừa qua, chúng tôi được NHNN cho phép dập 1000 lượng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xin dập nốt số còn lại".

Theo tính toán của vị giám đốc này, sau khi công việc gia công hoàn tất, chỉ bán sang tay, doanh nghiệp của ông cũng lãi 3 triệu đồng/lượng. Với 1000 lượng vàng, trừ đi phí gia công gần 100 nghìn đồng/lượng, doanh nghiệp này đã đút túi gần 3 tỷ đồng. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều doanh nghiệp muốn được chuyển đổi thương hiệu vàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, tổng giám đốc công ty vàng Agribank, khi nhận được sự đồng ý gia công của NHNN thì các doanh nghiệp cũng phải chịu một số chi phí nhất định. Ngoài việc "thuê" gia công 50.000 đồng/lượng cho phía Tổng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), các doanh nghiệp còn mất thêm tiền vận chuyển vàng từ Hà Nội vào TP.HCM để dập. Sau đó, doanh nghiệp lại vận chuyển vàng từ Nam ra Hà Nội. Tổng các chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang SJC xấp xỉ 100.000 đồng/lượng.

Theo chúng tôi nhẩm tính, Tổng công ty vàng Agribank được gia công hết 11.000 lượng vàng AAA. Sau khi gia công xong, với mức chênh lệch giá giữa vàng AAA và vàng SJC tại thời điểm này khoảng trên 1 triệu đồng/lượng thì mức lãi của doanh nghiệp này lớn như thế nào. Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này cho biết, doanh nghiệp của ông chỉ chuyển đổi ít nên tiền chênh lệch không đáng kể. Đối với các doanh nghiệp khác, họ được dập số lượng lớn thì mức lãi có thể lên đến con số hàng chục tỷ đồng.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho biết: Chúng tôi có dập vàng nhưng số lượng được dập không đáng kể. ACB chỉ làm theo sự cho phép của NHNN và có sự thẩm định đánh giá theo đúng quy chuẩn. NHNN đã có quy định rõ ràng về việc các ngân hàng thương mại dập vàng với số lượng bao nhiêu và dập như thế nào.

Khi chúng tôi hỏi về các quy định, điều kiện để một doanh được chuyển đổi dập vàng miếng sang SJC, ông Toại cho biết: "Bản thân chúng tôi cũng không được biết NHNN có quy định như thế nào về tiêu chuẩn được dập vàng. Các quy định ấy có được công khai hay không công khai thì ACB cũng chưa nắm được. Chúng tôi chỉ được cấp trên cho biết con số mình được dập là bao nhiêu thôi".

Cũng theo ông Trúc, Tổng công ty vàng Agribank đã có văn bản xin chuyển đổi vàng lên NHNN từ tháng 5/2012. Tuy nhiên, đến tháng 9 họ mới được cơ quan này chấp nhận. Suốt trong 4 tháng đó, phía NHNN yêu cầu công ty kê khai từng số sê ri, ký hiệu của từng miếng vàng. Khi tất cả các thủ tục đã hoàn thành, công ty này còn phải chuyển vàng đến Tổng công ty SJC để dập. Được biết, trong tổng số 35 ngàn lượng vàng được giao gia công lại, hiện tại, SJC chỉ mới gia công được 50.000 lượng.

Bất động sản - Ai đang hưởng lợi từ độc quyền sản xuất vàng miếng? (Hình 2).

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong

Nhiều bất cập xung quanh độc quyền vàng

Được biết, trong quyết định cho dập lại vàng miếng và chuyển đổi các thương hiệu vàng khác sang SJC ngày 20/9, các thương hiệu vàng đều được dập lại, theo kiểu ai cũng có phần, chỉ khác là nơi nhiều, nơi ít. Số lượng của từng đơn vị cũng không được công khai, mà chỉ có con số chung là 13 tấn (tương đương khoảng 350.000 lượng), trong đó của Tổng Công ty SJC 30.000 lượng (dập lại vàng SJC cong vênh), còn lại của các doanh nghiệp và ngân hàng.

Trao đổi với PV Người đưa tin về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ chế độc quyền đã giúp các doanh nghiệp kiếm được lãi "khủng" khi chuyển đổi từ phi SJC sang SJC. Tuy nhiên, theo ông Phong, có hai bất cập trong vấn đề này. Thứ nhất, nếu để cho một SJC tự dập vàng miếng thì họ không đủ năng lực dẫn đến tình trạng khan hiếm một cách giả tạo. Thứ hai, nếu để cho doanh nghiệp làm sau đó lại chia một phần công đó cho SJC trong bối cảnh chênh lệch 2-3 triệu đồng/lượng như hiện nay thì lại làm lợi cho doanh nghiệp quá nhiều.

Vị chuyên gia kinh tế này cho biết, khi lập phương án dập lại vàng, NHNN đã có đề án rất cụ thể nhưng các doanh nghiệp làm theo kiểu đánh du kích. Đề án do Nhà nước duyệt và đã quy định rõ cần số lượng bao nhiêu lượng vàng, còn việc tự dập hay thuê thì lại thuộc về trách nhiệm ở SJC.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết: Theo tôi, việc các doanh nghiệp chuyển đổi vàng là do thị hiếu của người tiêu dùng. Gần đây, người dân chủ yếu đổ xô đi mua vàng thương hiệu SJC. Chính vì cầu lớn nên người ta chuyển đổi thương hiệu vàng miếng là điều dễ hiểu. Vấn đề đó là do thị trường và doanh nghiệp quyết định. Nhà nước chỉ điều tiết qua thuế đối với doanh nghiệp.

Khoản chênh lệnh trong kinh doanh vàng sẽ vào túi ai?

"Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần phải loại bỏ cả hai điểm bất cập trên. Lúc đó, SJC sẽ có độc quyền dập vàng và có quyền đặt nguồn vàng ở đại lý nào đó. Tuy nhiên, trách nhiệm cao nhất là SJC phải chịu", ông Phong nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia kinh tế này, SJC có thể độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng phải đảm bảo chất lượng và trách nhiệm. Nhà nước phải trả lời tại sao lại có sự chênh lệch giá giữa vàng SJC và các thương hiệu khác, hay việc chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới. "Nhiều người đang đặt câu hỏi với sự chênh lệch trên, khoản lợi nhuận đó sẽ đi vào đâu. Nó vào túi người độc quyền hay ngân sách Nhà nước?", ông Phong đặt câu hỏi.

Dương Thu - Văn Chương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.