Ai gánh chịu những rủi ro giáo dục trong tương lai?

Ai gánh chịu những rủi ro giáo dục trong tương lai?

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Các trường đua nhau cạnh tranh đầu vào bắt nguồn từ sự trùng lặp các chuyên ngành đào tạo. Thực tế này dẫn tới tình trạng khi sinh viên ra trường sẽ rất khó kiếm được việc làm. Hậu quả là xã hội và chính người học phải gánh chịu.

Trước việc các trường hiện nay tìm cách kéo thí sinh về trường mình vào những mùa tuyển sinh đã trở thành việc bình thường. Nhưng việc đưa ra những mức học bổng "khủng" để hút thí sinh có chất lượng đó là hiện thực của mùa tuyển sinh năm nay.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia giáo dục đang thực sự lo lắng. Vì theo các chuyên gia, hiện tượng này không xuất phát từ việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giáo dục mà bắt nguồn từ sự trùng lặp về chuyên ngành đào tạo giữa các trường.

Xã hội - Ai gánh chịu những rủi ro giáo dục trong tương lai?

PGS. Văn Như Cương

Theo PGS. Văn Như Cương, hiện nay công tác tuyển sinh đang gặp vấn đề. Chúng ta đang thiếu những dự báo tổng thể về nhu cầu lao động trong tương lai nhưng lại đưa ra chỉ tiêu đào tạo của các trường một cách tràn lan. Cụ thể, nước ta có gần 400 trường đại học cao đẳng. Quy mô các trường được mở rộng hơn trước rất nhiều với nhiều chuyên ngành đào tạo. Nhưng mặt trái của nó, trường nhiều, quy mô lớn trong khi chuyên ngành đào tạo lại ít dẫn tới sự trùng lặp về chuyên ngành đào tạo giữa các trường.

Chính hiện tượng này dẫn tới nhu cầu tuyển sinh tương đối giống nhau nên các trường tìm mọi cách, dùng mọi chiêu thức để hút thí sinh. Thậm chí nhiều trường áp dụng hình thức "khuyến mãi học phí" để có được đủ lượng thí sinh trong chỉ tiêu đào tạo. Thực tế, sự cạnh tranh giữa các trường về đầu vào không mang nhiều ý nghĩa tiến bộ. Nó báo hiệu hiện tượng đào tạo tràn lan trong một số ngành học. Theo nhận định của PGS. Văn Như Cương, đó là lỗi hệ thống, trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo vị phó giáo sư này, nếu như các trường dân lập chọn các ngành kinh tế để đào tạo là điều không khó lý giải. Bởi những chuyên ngành này ít vốn, dễ tổ chức đào tạo. Trong khi đó, các trường đại học công lập đang thừa các chuyên ngành về nhân văn, sư phạm. PGS. Cương khẳng định, "hiện tại sư phạm thực sự đã thừa thãi nhưng các trường vẫn không ngừng tuyển sinh. Thậm chí để có đủ sinh viên, nhiều trường chấp nhận tuyển sinh viên có chất lượng rất thấp để vào đào tạo".

Thông thường, trong trường đại học, khi quy mô đào tạo tăng nhanh đòi hỏi các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản phải đáp ứng kịp. Nhưng thực tế, ở rất nhiều trường, chất lượng đào tạo lại không theo kịp. Đặc biệt, một số trường dân lập mới được thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt xa năng lực đào tạo.

Đồng quan điểm với PGS. Văn Như Cương, nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra nhận định, việc thành lập trường ĐH, CĐ trong vài năm gần đây phát triển theo số lượng. Một số trường chạy theo quy mô đào tạo và thành tích của bộ, ngành, địa phương mà chưa chú ý tới quy hoạch chung cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Một thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: "Các trường được phép mở ngành ồ ạt mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng hay không. Đây là lý do quan trọng nhất của việc tồn tại các trường ĐH, CĐ hoạt động nhưng không có điều kiện đảm bảo chất lượng như quy định và cam kết của trường". Một số ngành mới mở ở các trường không phù hợp với trình độ đào tạo ĐH như các ngành võ thuật, nấu ăn, thời trang...

TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập - cho rằng, những quy định về mở trường, mở ngành hiện nay hết sức máy móc. Nhiều quyết định cho phép thành lập trường chỉ dựa trên các thông số về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo của các trường mà không dựa vào quy hoạch, không xét đến nhu cầu sử dụng nhân lực (phải có điều tra để xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực).

Chính những điểm nghịch lý đang tồn tại khi các trường đại học đua nhau tuyển sinh nhưng cơ sở vật chất chưa đảm bảo khiến những lo lắng của các bậc phụ huynh, của những nhà giáo dục tâm huyết là hoàn toàn có cơ sở...

Như Hải - Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.