Trước thông tin về việc từ 1/10, tất cả bệnh viện, cơ sở y tế công trên địa bàn TP.HCM (322 trạm y tế phường xã, 70 bệnh viện và trung tâm y tế) đồng loạt áp dụng giá viện phí mới dành cho người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo Thông tư 02/2017 của bộ Y tế, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có những trao đổi xoay quanh thông tin này.
Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện nay, 100% người nghèo và khoảng 95% người cận nghèo có BHYT (5% còn lại do chưa lập danh sách nên chậm), đương nhiên những đối tượng này không bị ảnh hưởng gì trước chính sách ở TP.HCM tăng viện phí với người không tham gia BHYT.
Thời điểm hiện tại, khoảng 84% dân số có BHYT nghĩa là chỉ còn gần 16% không có thẻ BHYT tập trung ở hai nhóm đối tượng.
Một là những người không nghèo, không cận nghèo thậm chí là những người có mức sống trung bình khá và cao, đặc biệt những công dân Việt Nam đang làm ở văn phòng đại diện nước ngoài, họ không quan tâm tới BHYT xã hội, mà tham gia vào những loại hình BHYT thương mại. Điều đó đáng trách vì BHYT xã hội của mình là bắt buộc toàn dân.
Đối với nhóm đối tượng này tác động không lớn vì quan điểm của họ, giá dịch vụ ấy không có ý nghĩa với họ lắm khi họ đã mua bảo hiểm thương mại của nước ngoài. Số ấy cũng khá nhiều vì theo ông Sơn, tính ra tổng số nhân viên người Việt làm việc ở các tổ chức nước ngoài không ít.
“Trước vấn đề này, chúng ta phải có biện pháp để vừa tuyên truyền vừa có chế tài bắt buộc họ phải tham gia BHYT xã hội. Đây cũng là một cú huých để họ thấy rằng, việc tham gia BHYT là thiết thực đối với chính bản thân họ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nhóm đối tượng thứ 2 là những hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có thu nhập theo mùa vụ. Theo luật họ được hỗ trợ 30% nếu họ có mức sống trung bình trở lên. Hiện nay họ chưa được hỗ trợ nhiều vì việc phân định, xác định mức sống và thành lập danh sách của họ đang có một số hạn chế nhất định ở một số địa phương. Nhóm đối tượng này nếu chưa có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn ban đầu khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của người chưa có BHYT lên ngang bằng giá của người có BHYT.
“Phía BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo từ khi tham gia giá dịch vụ BHYT đối với người không có thẻ BHYT là họ phải thấy sự cần thiết khi tham gia BHYT. Đó chính là lưới bảo vệ cho họ. Bên cạnh đó, thành công của khoảng 84% người có thẻ BHYT chính là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đã tăng lên. Họ cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã. Bởi lẽ, cấp xã mới lập được danh sách hộ nông, lâm, ngư nghiệp và xác định được mức sống của họ là như thế nào để đề xuất mức hỗ trợ 30% theo quy định của luật”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, giải pháp đó là từ phía các cấp chính quyền, từ ngành y tế, từ các cơ quan bảo hiểm nhưng có một phía cực kì quan trọng đó là chính người dân.
Cụ thể, với người không có BHYT trước đây khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng 1 chỉ đóng 20.000 đồng thì nay phải đóng đủ 39.000 đồng; phẫu thuật lấy thai lần đầu chỉ đóng 2 triệu đồng thì nay tăng lên hơn 2,6 triệu đồng; xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính tăng từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng; phẫu thuật tim các loại tăng số tiền đóng từ 7 triệu đồng lên hơn 16,5 triệu đồng. |
Nguyễn Huệ