Việc lực lượng quân đội Syria giành quyền kiểm soát “chảo lửa” Aleppo sẽ là phép thử đầu tiên đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về mong muốn hợp tác với Nga của ông, bởi Nga là bên cung cấp lực lượng trụ cột hỗ trợ quân đội chính phủ Syria tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại đất nước Trung Đông này.
Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau, chính sách ngoại giao Mỹ có khả năng sẽ “tái cấu trúc” với cái bắt tay giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin. Đó cũng có thể là cơn ác mộng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.
Trên thực tế, sau khi đắc cử, ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Putin và hai bên đã nhất trí cùng nhau hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan toàn cầu. Tiến sĩ Rohan Gunaratna, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chính trị từ Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nhận định rằng ông Trump đã “rất cởi mở” khi nói về vấn đề hợp tác với các mối đe dọa của thế giới mà cụ thể nhất là tuyên bố hợp tác với Nga.
Tiến sĩ Gunaratna cũng tin rằng trong tương lai, Mỹ - Nga sẽ phối hợp chống IS và al-Qaeda cùng những mối đe dọa chung với hai quốc gia.
Dù từ trước tới nay ông Trump chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về kế hoạch đối phó với xung đột đã tồn tại 6 năm qua tại Syria nhưng ông từng hé lộ rằng có thể chính quyền mới sẽ điều chỉnh lại để mục tiêu của Mỹ và Nga xích lại gần nhau hơn.
Hôm 13/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chính thức chọn giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, Rex Tillerson trở thành Ngoại trưởng trong nội các mới của mình.
Ông Tillerson có quan hệ giao dịch kinh doanh rộng rãi với Nga và có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin, chính điều này đã khiến giới quan sát nhận định rằng ông Trump sẽ theo đuổi một mối quan hệ hữu nghị hơn với Moscow.
Trong một cuộc bàn luận ở trụ sở Quốc hội Mỹ, nhóm chuyển giao của ông Trump cho biết ông Tillerson sẽ “làm việc chặt chẽ” với Nga nhằm “chống Hồi giáo cực đoan” nhưng cũng có thể sẽ “dễ dàng thách thức Nga và các nước khác nếu cần thiết”.
Một mối quan hệ ấm dần lên có thể sẽ thay đổi chính sách của Mỹ về vấn đề vũ khí hạt nhân, các lệnh trừng phạt, vấn đề Ukraine… nhưng không có điều gì khiến Mỹ thay đổi nhanh hơn và rõ ràng hơn là vấn đề Syria.
Việc quân đội chính phủ Syria giải phóng Aleppo và lực lượng phiến rời khỏi thành phố này được coi là một điểm then chốt trong toàn bộ cuộc chiến ở Syria. Rất có thể ông Assad và Nga sẽ lợi dụng tình thế này và cố thuyết phục Mỹ từ bỏ chiến lược hỗ trợ các nhóm phiến quân lật đổ chính quyền Assad. Quyền quyết định sẽ thuộc về ông Trump.
Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa bình luận gì về tình hình chiến sự tại Aleppo nhưng những khẳng định trước đây của ông về xung đột tại Syria cho thấy ông có xu hướng theo đuổi chính sách mở hơn về vấn đề này.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump khẳng định rằng tiêu diệt IS ở Syria mới là mục tiêu hàng đầu chứ không phải lật đổ ông Assad. Việc ông Trump muốn tiêu diệt IS đẩy Mỹ và Nga tới gần nhau hơn. Dường như quan điểm của ông Trump đang hướng theo câu nói “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Vì thế, trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai, ông Trump nói rằng ông không thích ông Assad nhưng “Assad tiêu diệt IS. Nga cũng tiêu diệt IS”, vì thế ông sẵn sàng phối hợp với họ.
Trong ngày đầu tiên đắc cử, ông Trump cũng khẳng định rằng có thể Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập và nói với báo chí rằng “chúng ta không biết những nhóm người đó là ai”.
Suy nghĩ của ông Trump không chỉ trái ngược với chính sách của chính quyền ông Obama mà còn xung đột với lập trường của đảng Cộng hòa của ông.
Phó tổng thống đắc cử Mike Pence, “bạn đồng hành” của ông Trump, trong chiến dịch tranh cử từng nói rằng Mỹ nên tấn công lực lượng Assad nếu cần thiết để tránh phá hủy Aleppo. Ông Trump đã lập tức phản bác: “Tôi không đồng ý”, và ông Pence đã nhanh chóng rút lại những lời đe dọa trên.
Trong khi Nga khẳng định mục tiêu của họ là khủng bố IS thì Mỹ và các đồng minh luôn lại cho rằng các cuộc không kích của Moscow chỉ nhắm vào những phiến quân do Washington chống lưng. Giới chức Mỹ cáo buộc ông Assad không tích cực chống IS, thậm chí còn cấu kết với tổ chức khủng bố này để tiêu diệt các phiến quân Mỹ hỗ trợ.
Thông qua con đường ngoại giao, Mỹ và Nga đã đứng ra làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, tuy nhiên những thỏa thuận này đã nhiều lần bị phá vỡ. Phía Mỹ cáo buộc Moscow không gây ảnh hưởng với chính quyền Assad, khiến họ phá vỡ thỏa thuận.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang bàn thảo về hướng đi tiếp theo thì giới quan sát lại đang hướng về phía ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, kiêm học giả Viện Nghiên cứu Trung Đông cho biết những hình ảnh khủng khiếp từ chiến trường Syria sẽ ép ông Trump phải đưa ra một kế hoạch hành động chi tiết hơn.
Cuối cùng, việc tiến gần Nga hơn sẽ khiến ông Trump rơi vào tình thế khó khăn khi phải đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia, những nước vốn không ưa thích chính quyền ông Assad và có thể họ sẽ sẽ tích cực hơn trong việc “bơm” vũ khí cho những phần tử cực đoan và bỏ ngoài tai sự phản đối từ phía Mỹ.
Danh Tuyên