Cũng chẳng có mấy ai đến Quỳ Châu đạt được giấc mơ đổi đời từ “những giọt máu của đất”, vẫn gọi là đá đỏ. Kẻ chết chẳng tìm thấy đường về. Người còn sống trở về quê hương, hầu hết đều mang tấm thân tàn bởi sự thiếu thốn, nợ nần, ốm đau bệnh tật.
> Đọc thêm: 'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến (Kỳ 1)
Hàm ếch ngay dưới chân đồi Tỷ, giáp hồ Tử, nơi chôn vùi 84 người đào đá tháng 6.1991.
> Đọc thêm: Cơn khát Ruby ở 'lãnh địa máu' (Kỳ 2)
Nấm mồ chung đồi Tỷ
Qua cánh cửa sắt hoen ố được khóa hờ, dọc con đường mòn vào đồi Tỷ (nơi tìm được viên đá đầu tiên trị giá tiền tỷ nên dân đào gọi luôn là Đồi Tỷ, thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), một cảnh tượng câm lặng rợn người. Vẫn còn vương lại dấu tích kinh hoành của một thời chưa xa lắm.
Những chiếc sàng đãi sa (dân làm đá vùng này vẫn gọi là chiếc rích) rêu phong, hoen gỉ nằm trơ lại ven đường. Những vỉa đá còn nham nhở. Những bụi cây, dây leo im lìm trong cái nắng gắt cuối tháng 5 ở vùng cao miền Tây Nghệ An.
Hồ Tử tĩnh lặng, nước xanh thẫm một màu, nơi mà trước đây chỉ là vũng nước nông choèn, hàng vạn người đào đãi, nay thành một chiếc hồ sâu hoắm, rộng thênh thang. Vài cỗ máy đãi đá dây, vòi hút nằm đắp chiếu hơn chục năm nay.
Hồ Tử dưới chân đồi Tỷ vốn chỉ là một vũng nước nông choèn, sau 2 năm đào bới nhiệt tình bởi công sức của hàng vạn người làm đá, nay trở thành một hồ nước sâu thẳm.
Khác với đá ở đồi Mồ Côi (đá quý nằm thành từng viên riêng lẻ, chất luợng kém), ở đồi Tỷ, đồi Triệu, trữ lượng đá lớn, có chất lượng tốt, nên thu hút lượng lớn dân đào về đây. Đá quý tại đây thường nằm theo vỉa, dân đào sa khoét theo kiểu hàm ếch, nên hàng trăm cái chết thương tâm ở hai ngọn đồi này.
“Vì khát khao đi tìm một phút huy hoàng từ đá, gần một trăm người, đa phần là thanh niên, họ ra đi không một lời trăn trối, thân xác bị đất đá tại chôn vùi trong hố sa hàm ếch trên đồi Tỷ” – chỉ tay về phía khe nứt còn in ăn trên mặt đồi Tỷ, giọng chị Hường nghẹn lại.
Vài ngọn gió khẽ lướt qua khiến chúng cảm thấy lành lạnh trước cảnh hoang tàn của một “đế chế đá đỏ” đã qua. “Bới lên 84 xác chết, xếp đống lại, chở ra mép đường 48 (khu vực chợ Tôm) chờ người thân quen đến nhận xác về, mãi 3 ngày mới hết đống xác chết ấy. Mùi hôi thối, khói bụi, tang tóc phủ kín đồi Tỷ” - chị Phan Thị Thanh (xóm Quỳnh I, Châu Bình, Qùy Châu, Nghệ An), chứng kiến vụ chết kinh hoàng ngày ấy kể.
“Lúc sập hầm, chỉ thấy uỳnh một tiếng, tất cả bị chôn vùi chết hết. Sau đó người quen thân lũ lượt bới đất tìm, xác chất đống ở bãi đất cạnh hố Tử”, chỉ về một bãi đất hoang tàn vắng vẻ đến tiêu điều, chị Hằng (người bản Chiềng, Châu Bình, Qùy Châu, Nghệ An, đi làm đá từ năm 14 tuổi), xa xăm nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Hường (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An), người theo nghiệp buôn đá 20 năm nay vẫn không thể quên cảnh tượng kinh hoàng lúc 84 xác người đưa ra xếp dọc quốc lộ 48 năm 1991, khi kể lại.
Còn mãi những nỗi đau
Tuy không có vụ chết kinh hoàng như ở đồi Tỷ, nhưng những cái chết lẻ tẻ, thường xuyên ở đồi Triệu (viên đá đầu tiên tìm thấy ở đây trị giá bạc triệu, nên họ gọi là đồi Triệu) do bị đá hộc từ núi lăn xuống đè chết không kém phần thảm cảnh.
Rồi đến cảnh dân đào đá tại Lục Yên (Yên Bái) bị cây lớn đổ đè chết một lúc 5 người. “Đá thường tập trung xung quanh các gốc cây lớn nhiều, nên dân đào thường khoét trơ gốc. Cuối năm 1993, trong khi đang đào bới, một cây chò chỉ lớn đổ đè chết một lúc 5 người” – Anh Bảo, một thợ đá quê ở Lục Yên (Yên Bái) cho hay.
Nỗi kinh hoàng về vụ sập hầm chết hơn 80 người, thây chất đầy bãi dưới chân đồi Tỷ, vẫn còn in hằn trong miền nhớ của nhiều người gắn bó với đá đỏ ở Quỳ Châu. “Lúc hầm sập, kẻ có người thân thì ra sức bới đất tìm xác, người không thì dẫm đạp lên các xác chết ồ ạt vào lấy sa. Người bới cứ bới, kẻ lấy sa đi đãi cứ lấy, cảnh tượng hỗn loạn khủng khiếp. Nhiều xác chết được bới lên rồi lại bị vùi xuống đến vài lần” – Anh Hiếu cho biết.
“Những giọt máu từ lòng đất” sau khi rời bãi đào, qua công đoạn chế tác, là giấc mơ đổi đời của hàng vạn con người dám bất chấp mạng sống khi tìm về bãi đá Châu Bình (Nghệ An) hay Lục Yên (Yên Bái).
Còn ở đồi Triệu, cảnh những người bị đá đè chết bị cột xác lên xe minsk chở ra ngoài vẫn chưa phai nhòa. “Thương tâm vô cùng, ngày nào cũng có người chết. Người thì bị đất đá vùi, người thì bị sốt rét rừng, kẻ bị đâm chém…” – Chị Hường kể lại.
Khắp các bãi đá, cảnh chết chóc không còn quá xa lạ với dân đào. “Ngày nào chẳng có người chết, ban đầu em còn sợ, dần thành quen, cứ có người chết là chạy ra xem” – chị Hằng cho biết thêm.
Không chỉ có dân tứ xứ từ Hà Nam Ninh (cũ) tìm về kiếm cơ hội đổi đời để mãi không có đường về, mà nhiều người khai thác thuộc các bản Yên Hợp, Bản Kiềng (Qùy Châu)… cũng trở thành những oan hồn vất vuởng. Cảnh đâm chém, giết nhau diễn ra như cơm bữa. Người may mắn giữ được mạng sống thì cũng thành tật, như anh Hánh (con nhà bà Hống, ở Châu Bình, Qùy Châu) may mắn thoát chết trong vụ chém giết giành sa khoáng, nhưng từ ngày đó đến nay trở nên ngớ ngẩn, là gánh nặng cho gia đình.
Nhiều người đào được hố sa tốt là bị cướp, rồi lại có đội mạnh hơn đến cướp lại. Rồi, “Nhiều khi kiếm được viên đá tốt, liền bị ép bán với giá rẻ mạt, không bán thì nó cướp trắng và sẵn sàng cướp cả mạng sống” – Chị Hường thuật lại
Máu, nước mắt, nỗi đau thương trên các vũng, hồ cạnh các ngọn đồi do dân đào đá để lại vẫn còn đó và kéo dài đến hôm nay. Bởi, “Năm nào, những vũng hồ câm lặng đó cũng cướp thêm sinh mạng người. Mới đây là cái chết của hai cháu gái đang học lớp 3 con nhà Lộc Vui và Liên Bút người cùng xã Châu Bình” - chị Phan Thị Thanh buồn rười rượi kể lại.
Tuấn Nghĩa