Từ kỹ nghệ "búa đầu trảm"...
Để thực hiện bài viết này, cánh phóng viên chúng tôi phải cất công lang thang nhiều chợ chuyên bán trâu bò một số tỉnh phía Bắc và miền Trung ( chợ Khu, chợ Bản ở tỉnh Thanh Hóa; chợ trâu bò Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An) và nhiều địa phương khác. Những lần "mục kích sở tại" công nghệ hạ sát những con vật nặng cả tấn bằng nhát búa tạ như trời giáng vào đầu, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến những miếng thịt tươi ngon ngoài chợ. Phía sau những cú đòn hiểm ác lên đầu loài súc vật tội nghiệp này, điều lo lắng lại loé lên trong đầu chúng tôi chính sức khỏe con người mỗi khi ăn phải thịt trâu bò nhiễm bẩn.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Trong cuộc hành trình truy tìm lịch sử "pháp trường" súc vật, tôi may mắn được gặp ông Cao Văn Lình (thường được gọi là Lình "đầu trảm") ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa - người được biết đến với hơn 40 năm làm nghề "đầu trảm" các loại trâu bò. Biết nhà báo tới thăm, ông Lình không giấu nghề, khoe sự hiểu biết: "Mấy năm trước các lò mổ gia súc khi làm thịt trâu, bò đều dắt những con vật to lớn, hiền lành và tội nghiệp ra "pháp trường" là khoảng sân xi măng rộng, dùng dây chão (dây thừng) to buộc mũi con vật sát vào cột mặt hướng lên trời, sau đó tay "đao phủ" tại lò mổ vung búa giáng mạnh vào đầu trâu bò, làm những con vật này rống lên một cách thảm thiết, đau đớn rồi ngã lăn ra. Nếu là tay đao phủ thạo nghề thì chỉ cần một búa là con vật thăng thiên, còn ai mới tập tọe vào nghề thì e chừng mất mạng".
Nơi hành quyết trâu bò cũng là nơi "ô nhiễm" nhất
Cũng theo ông Lình, kỹ thuật làm thịt trâu, bò vài năm trước từ khắp trong Nam ngoài Bắc ở đâu cũng giống ở đâu, nhưng để hạ gục những con vật có sức khỏe, to lớn này quả thật cần phải thợ lành nghề, bằng không phải trả giá đắt. Lục lại trí nhớ, ông Lình kể: "Một lần chúng tôi chứng kiến cảnh làm thịt một con trâu mộng ở một lò mổ tại Thanh Hóa khi "đao phủ" buộc chú trâu này lên giá treo cổ, chú trâu đã vùng vằng, lúc "đao phủ" vung búa hạ sát khiến chú trâu hoảng loạn giật đứt chão khiến chiếc búa giáng xuống đầu chưa đủ mạnh để hạ sát chú trâu này mà chão thì đã đứt".
"Trong cơn thịnh nộ và nỗi đau đớn chú trâu trở nên điên loạn húc gục kẻ hạ sát mình, rồi tung hoành, quần thảo tan nát cả một vùng. Sự hung hăng của chú trâu cũng không được lâu khi những người trong lò mổ vác búa, xà beng đập gãy chân, lúc này con vật mới lăn kềnh ra giãy giụa một cách đau đớn. Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này tôi mới hiểu trâu "điên" là khủng khiếp như thế nào", ông Lình rùng mình nhớ lại.
Chẳng thế mà, đến nay công nghệ giết trâu, bò bằng búa cũng chỉ còn lại với khoảng 50% các lò mổ. Nếu như trước đây khi bị giết mũi trâu, bò bị buộc ép chặt vào cột mặt ngửa lên trời (với niềm tin khi người hóa kiếp chúng lúc vung và đập búa sẽ trúng ngay giữa sọ não trâu, bò và lực tác động sẽ mạnh hơn làm con vật chết nhanh-PV). Hiện nay việc giết trâu, bò được thực hiện một cách "nhân đạo" hơn bằng cách buộc ghì mặt trâu vào cột sát với mặt đất, sau đó gí điện vào người trâu bò là con vật nằm lăn ra ngay tức thì.
... Đến thủ thuật "giết bằng nước"
Trong câu chuyện chưa nguôi về một thời lừng lẫy với cái danh "đầu trảm", ông Lình bất thình lặng im, thở dài thườn thượt khi nhìn về thời cuộc hiện tại: "Thời gian gần đây nhiều chủ lò mổ trâu, bò chạy theo lợi nhuận một cách phi pháp, họ nghĩ ra nhiều chiêu trò ghê tởm để sát hại trâu bò và còn gây bệnh cho người tiêu dùng vì những thớ thịt, thậm chí là từng tế bào trong thịt trâu bò của những lò mổ này đều nhiễm khuẩn nặng". Để minh chứng cho lời mình vừa thốt ra, ông Lình vội giục nhà báo nhanh chân kẻo lỡ cuộc tra tấn súc vật sắp diễn ra. May mắn vì ông Lình là "bậc thầy" trong giới hạ sát trâu bò nên được gia chủ "đại xá" cho đứng xem (dù có đôi chút do dự khi thấy người lạ đi theo-PV). Chẳng thế, khái niệm quay phim, chụp ảnh trong tôi nhanh chóng bị dập tắt.
Quả đúng như lời giới thiệu rùng rợn từ trước, khi những chú trâu được lựa vào thịt, bốn chân của chúng được kẹp chặt bởi hai thanh thép tựa như còng số 8. Đứng cạnh, ông Lình lý giải: "Nó sẽ giúp cho trâu, bò vẫn đứng bình thường nhưng việc di chuyển rất khó khăn, không thể lồng lên nhảy lung tung được". Sau đó một vòi nước bằng sắt có đường kính chừng 10cm được tống thẳng vào cổ họng trâu, bò. Lúc này, chủ lái chỉ cần bật công tắc máy bơm, nước xối xả tống vào bụng những con vật này, đến khi bụng phình ra như con cóc và sức chịu đựng không còn nữa, trâu bị ngộ độc nước tự lăn ra đất, mắt trợn ngược gần như lồi ra bên ngoài.
Lúc này những chú trâu vẫn chưa chết mà chỉ ở trong tình trạng "nửa tỉnh, nửa mê" làm cho các chất xú uế ồ ạt tống ra ngoài trông rất đáng sợ. Sau màn tra tấn con vật 30 phút, "đao phủ" được nghỉ ngơi với một vài ly nước trà, rít mấy điếu thuốc lào mới từ từ cầm con dao nhỏ trọc mạnh vào động mạch trên cổ trâu, bò. Khi lượng tiết chảy ra được chừng 50%, một người khác lại cầm ống tuýp nước thọc sâu vào động mạch trâu bò chỗ cắt tiết để bơm một lượng nước không nhỏ vào động mạch. Máy bơm hoạt động hết cỡ, chừng 10 phút thì dừng và khâu mổ bụng, lọc da, phân loại xương thịt mới được tiến hành.
Tận mắt chứng kiến "đao phủ" giết trâu và nghe ông Lình bật mí về thủ đoạn làm thịt trâu, bò bằng máy bơm và nước khiến chúng tôi không khỏi hãi hùng. Một số chủ lò mổ vô tình tiết lộ, khi trâu, bò bị say nước khoảng 30 phút thì lục phủ ngũ tạng bên trong con vật bị tấn công đột ngột cũng như bị ức chế, chèn ép bởi nước nên phải hoạt động hết công suất. Do đó một lượng nước không nhỏ được hấp thu một cách bất thường để bài tiết qua đường tiết niệu, qua da, lúc này các mao mạch cũng căng lên vì nước. Còn khi trọc tiết, khi lượng tiết chảy ra khoảng 50% con vật chưa chết hẳn, quá trình hấp thu trao đổi chất vẫn diễn ra, do đó 50% máu còn lại trong con vật sẽ được hòa với nước tràn trực tiếp vào động mạch, tĩnh mạch, mao mạch rồi từ đây cơ thể con vật lại thêm lần nữa phải tiếp tục chứa đựng và hấp thu thêm những lượng nước bất bình thường.
Theo lý giải của ông Lình, công nghệ sát hại trâu bò bằng máy bơm và nước khá phổ biến ở một số lò mổ gia súc trong khu vực nên câu trả lời cho việc bơm nước vào dạ dày, vào động mạch trâu, bò lúc làm thịt là việc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, bởi vì loại hình làm thịt trâu, bò kiểu này thì sẽ làm tăng trọng lượng thịt trâu, bò do ứ đọng nước trong thịt. Ước tính mỗi một con trâu bò làm thịt theo kiểu này sẽ được dôi ra lượng thịt khoảng từ 8 đến 12% so với kiểu làm thịt trâu, bò truyền thống. Điều này càng làm tăng lợi nhuận gấp bội cho chủ lò mổ.
Điều kinh hãi Điều kinh hãi khi PV còn được chứng kiến tận mắt những việc làm đầy "ô nhiễm" ở các lò mổ, lượng nước mà các chủ lò mổ dùng để bơm vào trâu, bò phần lớn đều là nước ao hồ cạnh lò mổ đã nhiễm khuẩn nặng vì ngày ngày nước thải từ các lò mổ trong vùng đều đổ ngay xuống ao hồ mà không hề được qua xử lý. Không ít chủ lò mổ gia súc bất chấp tất cả chỉ chạy theo lợi nhuận, các chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh có thể theo dòng nước len lỏi tới từng tế bào mỗi con trâu bò khi được làm thịt. Hãi hùng hơn khi trâu bò đã được làm thịt xong người ta vứt cả đống xương thịt lên một cái bàn nhỏ, để những giọt huyết lẫn nước trong từng thớ thịt chảy xuống những chiếc chậu hứng bên dưới, thứ nước này lại được họ đóng can rồi bán cho các quán ăn sáng, thậm chí là nhà hàng lớn, sang trọng để làm món nước huyết đặc sản ngon bổ với giá không hề rẻ và chỉ những thực khách có tiền mới dám chi ra để ăn mà không lường hết cái giá phải trả. |
Vương Trần - Văn Hoài