Xử án “có tình” cho người nghèo.
Trong 14 năm ngồi ghế thẩm phán, ông Nguyễn Quốc Hội (thẩm phán TAND TP Hà nội) đã xét xử nhiều phụ nữ phạm tội ở những hoàn cảnh khác nhau. Người thì nghiệt ngã bởi bàn tay số phận trớ trêu, người thì có sướng mà không biết hưởng đến mức phải rơi vào vòng lao lý. Ông nhớ lại: “Năm 1996, có một phụ nữ vì quá khổ mà mắc tội ám ảnh tôi, tôi xử chị ta ở tòa phúc thẩm mà rớt nước mắt”. Chị Hương là một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, thời điểm đó chị có hai con nhỏ, một đứa 5 tuổi và 1 đứa 10 tuổi. Khi bị chồng bỏ chị chạy đi thuê nhà ở bãi Phúc Tân và làm nghề gánh nước thuê. Chị mưu sinh bằng gánh nước, mỗi ngày kiếm được từ 20 đến 30 nghìn đồng… Nhờ gánh nước ấy chị nuôi 2 con nhỏ khôi ngô và khôn lớn.
Ngày ấy có một nhóm tội phạm chuyên trộm cắp xe máy, chúng trộm được 1 chiếc xe dream II trị giá gần 20 triệu, toàn là trộm cắp nên không muốn lộ diện. Chúng ngỏ ý nhờ chị cho mượn chứng minh thư nhân dân, kí cho cái giấy bán xe và trả cho chị 500 nghìn tiền công. Giá trị của 500 nghìn lúc ấy quá lớn, níu kéo chị kí vào lá đơn để giúp nhóm tội phạm kia bán xe được giá trị cao hơn.
Chiếc xe ra thị trường xe, người mất đi tìm thì tìm lại được chiếc xe ấy… Truy ra chị là người kí giấy bán xe, chị thành khẩn khai ra nhóm người đã tác động nhờ mình viết giấy, nhóm tội phạm đó cũng bị bắt. Chị Hương bị ra tòa với tội danh: “Tiêu thụ tài sản trộm cắp”. Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm xử chị 8 tháng tù, cho nợ án vì chị còn 2 con nhỏ. “Nhưng nợ thì cũng đến một ngày phải vào tù để trả, lại còn tay sách nách mang những hai con đến tòa phúc thẩm, tôi là người được giao xử vụ án của chị Hương. Nhìn người đàn bà quê kệch, gầy hom hem, đôi mắt trũng sâu vì khóc nhiều quá, lòng tôi cứ tràn lên cảm giác thương cảm”. Sau khi xem xét kĩ hồ sơ, thẩm phán Hội cử thêm cán bộ tiến hành tố tụng vụ này về tận phường Phúc Tân để xác minh, quá trình sinh sống và chấp hành pháp luật của chị Hương ở đây. Ở đó chị chấp hành pháp luật tốt, lên tội cũng chỉ bởi nghèo. Cuối cùng, Tòa án cấp phúc thẩm, tuyên chị 8 tháng tù treo, được cải tạo ở nơi cư trú vì nhất thời phạm tội. Ông bảo mình xử vậy cũng bởi cái tình với những người nghèo khó. “Bị cáo Hương đã khóc nức nở khi tôi tuyên án, những lời cuối cùng ở phiên tòa Hương bảo biết ơn tòa nhiều lắm! Bởi về phường còn phải nuôi con, còn phải gánh nước tiếp, chị ta hứa sẽ làm ăn lương thiện”.
Thẩm phán Nguyễn Quốc Hội tâm niệm 3 điều khi xử án: Nắm chắc các quy định của pháp luật, hiểu tường tận hồ sơ án và khách quan công tâm không được định kiến với bất cứ người hay hành vi nào. Ông đã cố gắng để làm mạch lạc, sáng suốt khi được trao quyền quyết định đối với số phận con người, có tâm và có cả tình với hoạt động xét xử.
Ân giảm nào cho tội ác tày trời ?
“Khi nhà nước trao quyền cho một người thẩm phán, thì việc đầu tiên khi xét xử tôi đặt cái lý lên trên hết. Tuy nhiên nếu chỉ có lý mà thiếu tình, thì cũng thật đáng sợ… Xét xử ở tòa sợ nhất là sự vô cảm” ông Hội tâm sự. Nhiều năm làm thẩm phán, ông thấy rằng con người phạm tội chủ yếu là do lòng tham, nó người ta cướp của, giết người, chiếm đoạt tài sản và làm nhiều hành động đáng sợ. Và tham lam có thể khiến người ta phải chịu những kết cục đáng tiếc.
Ông Hội kể lại: Vài năm về trước tôi có xử một vụ án, anh Hùng là một cán bộ nhà nước, có vị trí khá cao trong xã hội, đã có gia đình với vợ và 2 con. Thế nhưng dường như với Hùng thì “chưa đủ”, Hùng vẫn bí mật hẹn hò với một cô gái tên Thanh, là con gái từ quê ra Hà Nội làm công nhân. Tính khoe mẽ, lại muốn “kiếm chác” từ Hùng vì biết gia đình anh ta sung túc giàu có, Thanh bàn với một người bạn tên Thái lập lên kế hoạch đánh ghen giả để tống tiền của Hùng.
Một buổi sau khi đi hẹn hò với Thanh, Hùng dẫn cô ta vào một nhà nghỉ ở Gia Lâm. Sau khi hai người quan hệ thì bất chợt Thái dẫn theo một người bạn trai mình xông vào. Nhận mình là bạn trai của Thanh, Thái xông vào tát Thanh để “cảnh cáo” và chửi bới anh Hùng: “Tại sao anh lại lăng nhăng rồi ăn nằm với người yêu tôi?…”. Anh Hùng bối rối thanh minh, Thái lao vào đánh. Theo phản xạ anh Hùng đỡ, sẵn thói côn đồ Thái rút dao và đâm một nhát vào ngực anh Hùng. Đâm người xong Thái bỏ trốn còn Thanh bị bảo vệ giữ lại còn Thái chạy trốn nhưng bị bắt ngay sau đó.
Trước tòa, phân tích hành vi và quá trình phạm tội, thẩm phán Hội xử Thanh 8 năm tù giam vì tội cướp tài sản. Còn Thái bị tuyên án tử hình vì trước đó đã có tiền án tiền sự. Thẩm phán Hội phân tích: “Chỉ vì lòng tham do không làm chủ được bản năng mà Hùng bị đẩy đến nhiều tình huống éo le và bị giết chết. Còn Thanh và Thái chỉ vì tham lam tiền bạc… Thanh phạm tội cướp tài sản trong khi chưa có được tài sản, còn Thái không cố ý giết người nhưng trong khi thực hiện dã tâm lại nảy ra tình huống giết người”. Sau khi tòa tuyên án, gia đình bị cáo Thái có gửi đơn đi nhiều nơi xin ân giảm cho y, tuy nhiên khi về xác minh tại địa phương, Thái là thành phần “bất hảo”, có nhiều hành vi chống đối người thi hành công vụ, lấn chiếm đất công, có tiền án tiền sự… nên cuối cùng Thái phải y án.
Ông Hội bảo rằng, quá trình sinh sống và tích góp những điều thiện và tốt ở địa phương là quan trọng nhất, đôi khi đó chính là yếu tố quan trọng để định tội, định khung hình phạt, có thể khiến một tội phạm phải đối diện án tử hình thoát án tử.
Duy Thanh