Ngoài những người có gia cảnh nghèo khó, bất hạnh, đường cùng buộc phải đi xin sự bố thí của xã hội, còn có một bộ phận người xem ăn xin là một cái nghề để mưu sinh.
Vợ chồng N.H.T. (35 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) được cho rằng giàu lên từ “nghề” đi xin ăn. T. hành nghề xe ôm, đồng thời chuyên chở vợ con đi xin tiền quanh địa bàn quận 8, quận 5 và quận 11 (TP.HCM). Theo đó, vợ con T. sẽ được hóa trang rách rưới, lui tới các cổng chùa, ngã tư đường ngồi xin tiền với hoàn cảnh tự thuật là con bệnh, chồng bỏ, nghèo đói.
Trong khi đó, T. canh chừng ở những nơi vợ con có mặt vừa phụ giúp việc di chuyển địa bàn vừa chạy xe ôm. Trung bình một ngày, cả gia đình thu nhập thấp nhất 500.000 đồng, có hôm lên tới cả triệu đồng. Nghe đâu, nhờ việc kết hợp ăn xin với chạy xe ôm, 3 năm qua, vợ chồng anh ta đã xây được một ngôi nhà khang trang ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh).
Có tiền, nhưng T. bảo, nhiều khi nhục không để đâu cho hết. Nhiều lần vợ con anh ta gặp người cùng quê, ê chề, xấu hổ, đồng tiền mang về quê thành tiền bố thí, con cái sau này lớn lên sẽ mang tiếng là con của kẻ lười làm, ăn xin...
Tiếp đó, tôi gặp gỡ cặp vợ chồng N.T.L. (25 tuổi, ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cũng sống bằng việc đi ăn xin. Gia đình L. đang ở trọ tại quận Tân Phú trong căn phòng trọ có giá 1 triệu đồng/tháng.
L. chia sẻ: “Trước kia, hai vợ chồng tôi và đứa con nhỏ sống ở căn phòng trọ ổ chuột dột nát có giá 400 ngàn đồng/ tháng. Nay nhờ đi xin mà kinh tế khấm khá hơn nhiều. Nghề đi ăn xin tuy mạt hạng, dành cho người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật nhưng chúng tôi không ngại mang tiếng điều đó”.
Tôi trách, sao khỏe mạnh không kiếm việc làm đàng hoàng, còn tương lai của những đứa trẻ nữa, L. không ngại ngần nói: “Xã hội có người giàu người nghèo, kẻ khó người khôn. Cũng như nghề nghiệp mỗi người có một cách chọn việc riêng phù hợp với sức khỏe. Vợ chồng tôi không có bằng cấp, xin việc khó khăn lại gò bó thời gian. Cho nên, chúng tôi muốn đi xin ăn cho tự do, mà thu nhập cũng ổn định”...
Nói vậy, nhưng nhìn sâu vào mắt người đàn bà ấy, tôi cảm nhận được nỗi buồn không thể thốt thành lời.
Tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi phát hiện một số khu trọ có nhiều người cùng tập trung đi ăn xin. Nơi đây chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, trẻ khuyết tật.
Người dân tại các khu trọ này cho biết, họ đều có gia đình, con cháu có kinh tế khá giả ở quê. Tuy nhiên, hàng ngày, những người này vừa đi bán vé số vừa kiêm luôn việc xin tiền tại các khu chợ. Trong số đó, chiếm đa số là người già cô đơn, nghèo khó đi ăn xin để nuôi sống bản thân do con cháu bỏ rơi. Số còn lại là những người mang theo cháu nhỏ khuyết tật.
Số tiền kiếm được từ việc ăn xin, những người này tích góp để làm vốn. Họ sống bằng công việc đi ăn xin vài năm rồi lại trở về quê hương sinh sống.
Theo chia sẻ của bà V.T.Q. (60 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM), cán bộ hưu trí thường tham gia công tác xã hội, những hoàn cảnh khó khăn, không thể lao động được vẫn có nhiều tổ chức xã hội, nhóm từ thiện giúp đỡ.
Do vậy, mọi người không nên lợi dụng lòng tốt người khác để sống ký sinh. Điều đó, còn làm ảnh hưởng tới văn hóa, lối sống của người Việt. Đặc biệt, hiện nay có khá nhiều người khỏe mạnh giả bệnh, lợi dụng trẻ em, người già để thu lợi bất chính. Điều này xã hội phải lên án mạnh mẽ.
(Còn nữa)
Huệ Trần
Xem thêm >>>