Anh bưu tá 2 lần chở Bác Hồ về thăm quê

Thứ 6, 28/12/2012 00:09

Là nguyên thủ quốc gia, thế nhưng khi về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khi lại chỉ đi chiếc ô tô giản dị do một người bưu tá điều khiển.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, người có vinh dự được Bác 2 lần ngồi trên chính chiếc ô tô do mình cầm lái kể lại dù đã hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên được gặp Bác nhưng với ông, đó là kỷ niệm và niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời.

Ông Ngọc (bên phải) kể chuyện 2 lần chở Bác về thăm quê cho con trai nghe

Vị lãnh tụ giản dị

Ông Nguyễn Đình Ngọc sinh ra và lớn lên tại Thọ Hạc, Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Điện Biên Phủ, TP Thanh Hóa). Năm 1946 ông vào quân ngũ và học lái xe. Đến năm 1953, ông được điều động lái xe chở hàng chi viện phục vụ chiến trường Điện Biện Phủ. Trong giai đoạn này, ông còn vinh dự được Chính phủ giao chở đoàn công tác của Ấn Độ sang thực hiện Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam.

Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, ông Ngọc được điều chuyển về Nghệ An lái xe cho Tỉnh ủy, với nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư từ hỏa tốc đến các vùng. Cũng từ đó, anh về sinh sống cùng vợ con ở khối 4, phường Lê Lợi (TP Vinh).

Ông Ngọc kể: Ngày 13/6/1957, Tỉnh ủy họp phiên đột xuất và thông báo sáng mai (tức 14/6) tỉnh sẽ đón một cán bộ cao cấp của trung ương tại sân bay Vinh. Tất cả thông tin về chuyến đi này được tuyệt đối giữ bí mật, kể cả danh tính của vị lãnh đạo ấy. ông Ngọc được giao nhiệm vụ lái xe phục vụ và bảo vệ vòng ngoài.

Giờ G đã đến, tất cả thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công. Khi chiếc máy bay trực thăng hạ cánh, ai nấy đều hồi hộp. Một người đàn ông mang bộ ka ki bạc màu bước ra cầu thang máy bay. Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng ai nấy đều nhận ra đó là Bác Hồ. Tất cả chạy ùa về phía Bác. Bác bắt tay, ôm hôn mọi người và bất ngờ bước lên chiếc xe commăngca cũ kỹ của ông Ngọc chứ không phải chiếc xe chở khách chuyên dụng sang trọng hơn mà Tỉnh ủy Nghệ An đã chuẩn bị trước đó.

"Lúc đó xe cộ đông đúc và lộn xộn. Vui và hồi hộp quá, tôi quên mất nhiệm vụ cấp trên giao mà chỉ biết thực hiện theo mệnh lệnh của Bác. Theo lời Bác, tôi cho xe chạy thẳng về trung tâm TP Vinh. Những chiếc xe khác cứ chạy theo phía sau, các cận vệ tỏ ra lo lắng. Bác bảo tôi chở Bác tham quan một vòng để vẫy chào bà con 2 bên đường và đi về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn). Thông qua hệ thống phát thanh nên hầu hết người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã biết Bác Hồ về thăm quê nên người ở dọc tuyến đường từ Vinh lên Kim Liên cứ nườm nượp từng đoàn người", ông Ngọc kể lại.

Ông Ngọc cho biết, là người rất cẩn thận, giữ an toàn nên trên quãng đường, Bác không nói chuyện với lái xe mà chỉ vẫy tay chào nhân dân 2 bên đường đứng đón Bác. Nghe tin Bác về quê, ai ai cũng náo nức, phấn khởi chờ Bác từ rất sớm. Trong một buổi sáng tháng 6 nắng chan hòa, với bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su mòn gót, Bác tươi cười vẫy chào nhân dân. Cả rừng người hò reo mừng đón Bác.

Câu chuyện xúc động

Khi về tới quê, một vị lãnh đạo tỉnh mời Bác đi vào nhà khách mới được xây dựng, nhưng Bác ngăn lại: "Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi nên phải về thăm nhà trước đã. Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Chứ Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!".

Ông Nguyễn Đình Ngọc bên chiếc xe đã 2 lần chở Bác Hồ về thăm quê

Đến trước chiếc cổng tre dẫn lối đi vào nhà ngang thấy hàng chữ ghi trên tấm bảng nhỏ "Nhà Bác Hồ", Bác liền quay lại bảo: "Viết thế này là chưa đúng. Đây là nhà cụ Phó Bảng chứ có phải là nhà của Bác Hồ đâu". Đúng như Bác nói, ngôi nhà này chính dân làng Kim Liên đã góp công, góp sức dựng mừng quan Đại khoa Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp ông thi đậu Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901.

Rồi Bác bước vào trong và tiếp tục phê bình: "Các chú mở lối như thế này là sai. Cổng nhà cụ Phó Bảng ở hướng Đông, chứ đâu phải chỗ này". Điều này cho thấy trí nhớ của Bác rất tốt. Đã 50 năm Bác bôn ba khắp nơi, nay mới trở về thăm quê, thăm nhà lần đầu nhưng Bác vẫn không quên bất cứ điều gì ở đây.

Bác đứng tần ngần, nhìn bao quát 2 ngôi nhà và chỉ cho những người đi theo, đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên... đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác. Bác đi vào nhà, đi đến đâu Bác chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của Người.

Bác lại đi ra sân, đứng ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Ngôi nhà này là nơi chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành của Bác; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người.

Trong buổi sáng mùa hè đặc biệt ấy, ngay trước sân nhà mình, Bác đã xúc động nói: "Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do".

Gần 4 năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ lại về thăm quê lần thứ 2. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục được đón Bác tại sân bay Vinh trong niềm vui vô bờ. Lần này, ông Ngọc được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ tháp tùng Bác. ông Ngọc còn nhớ rất rõ, đó là chiếc máy bay mang ký hiệu BS 58482. Lần về thăm quê này, Bác tóc đã bạc hơn.

"Gặp ai Bác cũng dặn dò. Bác căn dặn phải siêng năng lao động sản xuất, phải yêu nước. Không ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng Bác trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình", ông Ngọc kể.

Khi bài viết này lên trang thì nhân vật Nguyễn Đình Ngọc vì tuổi cao sức yếu đã qua đời. Trong lần gặp chúng tôi cuối cùng để cung cấp tư liệu cho bài viết, ông Ngọc bồi hồi: "Chỉ là một anh bưu tá, đưa thư, trước đó tôi chưa bao giờ dám tin một ngày được gặp Bác. Vậy mà đã 2 lần tôi có vinh dự được lái xe chở Bác về thăm quê. Vinh dự này không phải ai trong đời cũng 1 lần có được".

Phan Xuân Hồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.