Dù tội ác của họ lúc còn sống chồng chất khiến "trời không dung, đất không tha" và cần phải loại ra khỏi xã hội, nhưng khi lãnh khung hình phạt cao nhất của pháp luật, ngày đền tội chuyển giao cho "Diêm Vương xử án", họ đều được ông lo hậu sự chu đáo như những người bình thường.
Thượng tá Vọng
Tìm nơi làm pháp trường
Ông Vọng kể: "Trường bắn không có, chúng tôi phải đưa tử tù đi bắn lưu động nhờ ở các huyện như Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm... vất vả lắm. Có khi tìm được địa điểm rồi, nhưng chính quyền địa phương không đồng ý lại phải tìm nơi khác. Cứ bất ổn như vậy, nên nhiều khi có quyết định THA đối với tử tù rồi mà phải mất vài hôm tìm địa điểm xong mới tiến hành xử bắn được, có nhiều vụ một tuần sau mới THA được".
Ngày ấy, những địa điểm được chọn để tổ chức THA tử hình là những khu vực ngoại thành, đồng không mông quạnh, những ụ pháo trước đây còn sót lại trong chiến tranh. Nếu được địa phương đồng ý, một cán bộ ở đấy sẽ tham gia THA và địa phương sẽ bố trí dân quân, du kích làm nhiệm vụ bảo vệ địa điểm.
Ông cho biết: "Chúng tôi đưa tử tù đi THA khi đã làm xong các thủ tục trong trại giam. Dẫn tử tù đến địa điểm đã chuẩn bị trước gồm có chôn cọc, dùng tấm biển gỗ ghi tên tử tù thì khoảng 5 giờ sáng".
Địa điểm bắn lưu động phải đảm bảo các yêu cầu như xa khu dân cư, gần đường giao thông, nơi nổ súng phải đảm bảo an toàn, đủ khoảng trống để Hội đồng THA (đầy đủ các thành phần TAND, VKSND, Công an, pháp y, chính quyền địa phương...) chứng kiến.
Có khi xử bắn lưu động dẫn tử tù đến địa điểm đã sáng rõ mặt người. Người dân địa phương đã đi làm. Thấy có xử bắn, họ hiếu kỳ kéo đến xem rất đông gây khó khăn cho việc THA. Chưa kể có những vụ THA tử hình, người nhà tử tù biết thông tin đã kéo đến la ó, gây hỗn loạn tại nơi xử bắn.
Tử hình hai tên cướp của giết người tuổi 20
Ông Vọng trầm ngâm: Hai tử tù này phạm tội giết người, cướp của tại đền Bà Kiệu - một địa điểm danh thắng nằm ngay sát hồ Hoàn Kiếm đối diện với đền Ngọc Sơn. Khi ấy, khuôn mặt của hai thanh niên mới lớn còn non choẹt. Vậy nhưng, phút chốc biến thành ác quỷ, chúng giết người dã man để cướp của.
Thượng Tá Hồ Như Vọng đang thị sát trường bắn
Vào thời ấy (khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước - PV) đây là một vụ án quá nổi tiếng. Do vậy, người dân Hà Nội ai cũng biết đến vụ án này. Chính vì thế, hôm THA tử hình đối với hai tử tù mặt bấm ra sữa này đã có rất đông người dân kéo đến xem xử bắn.
Người dân đến kín địa điểm xử bắn, tràn cả xuống nơi cắm cọc tử tù khiến bộ phận THA không thể làm nhiệm vụ. Để tiến hành công việc, bộ phận bảo vệ pháp trường đã phải huy động chó nghiệp vụ đến giãn dân ra để các xạ thủ nổ loạt súng chính xác.
Ông Vọng nói: "Việc người dân kéo đến xem THA tử hình rất nguy hiểm. Bởi bắn lưu động không có tấm chắn đạn, rất có thể xảy ra sơ suất". Vậy nhưng, khi dứt loạt đạn CKC (súng trường), người dân ùn xuống vây kín tử thi khiến việc làm thủ tục khâm liệm không thể thực hiện được. Một lần nữa, chó nghiệp vụ lại phải vào cuộc. Khi đó, người dân giãn ra xa, cán bộ pháp y mới vào khám nghiệm tử thi sau đó ông Vọng và các đồng nghiệp mới tiến hành khâm liệm tử thi và chôn ngay tại chỗ bắn.
Còn có nhiều lần đội THA tử hình phải đưa tử tù đi bắn lưu động như vụ bắn một tử tù tham ô 16 tấn thóc. Thời chiến tranh phá hoại, tham ô số lượng thóc lớn như vậy là khủng khiếp lắm. Do đó kẻ phạm tội này đã bị kết án tử hình. Hôm xử bắn tại Yên Phụ, người dân kéo đến xem rất đông, gia đình cũng đến gây áp lực và tâm lý nặng nề cho lực lượng THA tử hình.
Từ bắn "nhờ" ở Yên Sở đến trường bắn Cầu Ngà
Nhận thấy việc xử bắn lưu động gây khó khăn trong công tác THA tử hình và không an toàn nên công an Hà Nội đã liên hệ với Quân khu Thủ đô và nhờ sự can thiệp của UBND Thành phố mà việc THA tử hình được tiến hành tại trường bắn Yên Sở.
Ông Vọng nhớ lại: "Thời gian bắn "nhờ" này kéo dài được 7-8 năm với hơn 50 tử tù. Nhưng nguyên tắc bắn ở đâu thì chôn tử thi tại đó, nên phía sau của trường bắn Yên Sở trở thành một nghĩa trang mà phải chờ đến 3 năm sau gia đình mới đến chuyển hài cốt đi. Về sau Quân khu Thủ đô không đồng ý cho THA tử hình tại trường bắn Yên Sở nữa".
Ông Vọng bảo, có lần, THA xong thì đê Yên Sở vỡ, nước ngập mênh mông. Ông Vọng lầm lũi, lội bì bọp trong nước làm các thủ tục khâm niệm tử thi và chôn cất cho người chết được mồ yên mả đẹp. Thời điểm trại giam Hỏa Lò chuyển về Xuân Phương (Từ Liêm - Hà Nội) với diện tích đất được phê duyệt 3 ha, lãnh đạo công an Thành phố quyết định xây dựng một trường bắn ở đây, sau này gọi là trường bắn Cầu Ngà.
Việc làm thế nào để có một trường bắn tại đây là việc phải lo của trại giam. Vậy là, ông Vọng lại được giao nhiệm vụ này. Ông đã đi nhiều lần xin phép chính quyền địa phương và Thành phố ủng hộ để làm trường bắn Cầu Ngà. Vậy là ngoài khu đất được cấp 3 ha, trường bắn được tạo dựng ở sát chân đê.
Ông và những đồng nghiệp đã phải đổ từng xe đất thịt, san vào một khu đất khá rộng phía sau để làm nghĩa trang cho những tử tù sau khi THA. Tuy nhiên, công việc này cũng phải mất tròn 3 năm mới hoàn tất và chấm dứt cảnh THA tử hình nhờ và bắn lưu động.
Vương Hà