"Bà đỡ" sau vô lăng
Nhấp một tách trà chát đắng, Chính ủy Đoàn 78, phó giám đốc Công ty 78 (Binh đoàn 15), thượng tá Hồ Đăng Hệ bộc bạch: "Tôi vẫn nhớ như in cái ngày cùng đồng đội chân ướt chân ráo bước lên vùng đất này (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum). Ngày ấy, đời sống bà con đồng bào các dân tộc Rơ Măm, J'rai, Kơ Doong xã Mo Rai vẫn mãi quẩn quanh với phương thức sản xuất lạc hậu: Họ chỉ biết phát rẫy, đốt, chọc tỉa, săn bắn, hái lượm quanh năm".
Những đứa bé nhà trẻ reo lên khi gặp "bố Tâm".
Khi mùa mưa bắt đầu, cuộc sống giữa ốc đảo Mo Rai gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài suốt 6 tháng. Mọi người ở đây đều hiểu, lương thực, thực phẩm, tất cả đều phải chuẩn bị ngay trong tháng 5, để khi mưa dầm tháng 6 vẫn đủ ăn cho đến tháng 11,- 12. Khi các con suối đã bắt đầu rút nước, xe U-oát hai cầu mới có thể đi qua các ngầm để mua lương thực.
Hiện nay, Bộ GT-VT đã đầu tư kinh phí thông tuyến quốc lộ 14C trong đó hơn 100 km ngang qua địa phận xã Mo Rai và đầu tư một số cây cầu bắt ngang các nhánh sông, suối vào năm 2007. Tuy nhiên, con đường đất duy nhất từ thị trấn Sa Thầy vào trung tâm xã Mo Rai dài gần 100 km vào mùa mưa biến thành những vũng bùn. Nếu may mắn, chiếc U-oát hai cầu, phương tiện vận chuyển duy nhất nối xã Mo Rai với xã hội bên ngoài cũng phải mất hai, ba ngày mới đến phố huyện.
Để tìm hiểu sâu hơn về anh tài xế "mát tay" Trịnh Hà Tâm (43 tuổi, làm việc tại Trung đoàn 78). Sau gần một ngày trời đánh vật trên chiếc xe U-oát của Binh đoàn 15, lặn lội xuyên rừng Chư Mom Ray, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Mo Rai. Mặc dù chúng tôi đã cố gợi chuyện về những lần Trịnh Hà Tâm giúp đỡ các quý bà, quý cô "vượt cạn" ngay sau vô lăng giữa chốn thâm sơn cùng cốc này nhưng ông cứ lảng đi. Ông bẽn lẽn cho biết:"Ôi! Ba câu chuyện khó nói ấy có gì đâu mà nhà báo quan tâm".
Đêm xuống, xã Mo Rai như ngập trong sương rừng. Không gian âm u đến rợn người. Tiếp chúng tôi bằng một bữa cơm đạm bạc, vài ly rượu trắng để dành, anh tài xế "mát tay" Trịnh Hà Tâm dường như cởi mở và thoát khỏi cái tâm lý ngại ngần ban chiều.
Nói chuyện với chúng tôi, "bà đỡ" Trịnh Hà Tâm cho biết, ca đỡ đẻ đầu tiên trong đời của ông không phải ở Mo Rai mà là bên huyện La Grai (Gia Lai). Khi ấy là năm 1997, ông Tâm mới lấy vợ được gần bốn năm. Khi đang chạy máy cày khai hoang sản xuất cho Công ty 715 (Binh đoàn 15) thì một thanh niên người đồng bào J'rai hớt hơ hớt hải chạy tới nói không ra hơi: "Bộ đội ơi! Mày chở vợ tao ra bệnh xá đẻ thôi. Nó đau bụng mấy ngày rồi mà chưa đẻ được!". Con đường đất từ làng La Tel (xã La Chiă) về đến bệnh xá La Kha dài hàng chục km nên vào mùa mưa chỉ mỗi xe của ông Tâm mới có thể đi được. Ngay lập tức, ông Tâm đánh xe chở vợ chồng bà bầu vượt đường đất lên bệnh xá... Hơn một giờ qua, chiếc xe "máy cày" của ông vẫn chưa thể đến trạm xá La Kha. Bà bầu trên băng sau đau đớn, kêu gào đến khàn tiếng. Khi còn cách xã gần 3 km, quá sốt ruột, người chồng của sản phụ bảo ông Tâm cho xuống. Anh ta một mình băng theo đường tắt kêu cán bộ y tế.
Do đường đất quá xóc, đứa trẻ trong bụng mẹ không đợi đến trạm y tế mà... tự chui ra. Không còn cách nào khác, Trịnh Hà Tâm đành kiêm luôn nhiệm vụ "bà đỡ" bất đắc dĩ. Từ những câu chuyện nghe lỏm của vợ (vợ Tâm là y sĩ) đã giúp Tâm rất nhiều trong tình huống này. Ông cầm ngược hai chân đứa trẻ lên vỗ mạnh vào mông nó ba cái. Đứa trẻ im thin thít không chịu buông ra tiếng khóc. Người nó dần thâm tím lại. Mạng sống của một sinh linh bé nhỏ đang rơi vào tình cảnh nguy kịch. Ông Tâm dùng miệng hút mạnh nước ối khỏi mồm cháu bé. Tiếng khóc của đứa bé phát ra khiến cả bà mẹ và anh "tài xế bộ đội" vỡ òa trong sung sướng. Mãi sau, bố đứa bé cùng các cán bộ y tế ở Trạm xá mới tìm đến nơi.
Chị Y Thoan, đồng bào Rơ Măm tại làng Leh.
50 lần làm "bà đỡ" bất đắc dĩ
Lúc ấy, trong suy nghĩ của ông Trịnh Hà Tâm, có lẽ cái lần đầu đó là lần duy nhất trong đời tài xế được hóa thân thành "bà" đỡ đẻ. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu trong cái "nghề" sau này của ông. Năm 1999, ông về xã Mo Rai nhận công tác trên Trung đoàn 78. Ngày ấy, việc sử dụng xe U-oát hai cầu vừa chở lãnh đạo đơn vị đi lại ở vùng sâu, vừa chở các chị, em thanh niên trong xã hay công nhân trong Công ty 78 đi đẻ gần như gắn chặt với người đàn ông này. "Năm nào, cứ vào mùa mưa, tôi đều chở các bà bầu ra bệnh viện. Chẳng biết run rủi thế nào, lại biến thành "bà đỡ" cả mấy chục lần", ông Tâm cười bảo. Hơn 10 năm gắn bó với Mo Rai, cái nghiệp lái xe của Trịnh Hà Tâm đã mang đến cho ông không dưới 50 lần kiêm chức vụ bà đỡ. Không qua lớp y tế nào, không ai gọi ông với chức danh "hộ sinh" nhưng Trịnh Hà Tâm vẫn nhớ như in những ca sinh khó ngay trên xe.
Năm 2002, một nữ công nhân cao su Đội 3 nhờ ông Tâm chở đến bệnh viện Sa Thầy chờ sinh. Mặc dù đi cùng chồng nhưng mới đến ngầm nước 75, bà bầu bị băng huyết. Giữa trời mưa như trút nước, sinh mệnh người mẹ này trong tình cảnh "ngàn cân treo sợ tóc". Trong tình thế không còn đường lùi, tài xế Tâm đã xử lý ca sinh khó này theo kinh nghiệm dân gian. Ông dập lá trầu không rồi trộn với thuốc liếp của đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm đắp vào nơi băng huyết và tiêm thuốc cầm máu. Rồi bỗng dưng máu cũng ngừng chảy. Nhờ vậy, nữ công nhân đã kịp đến bệnh viện an toàn. Một ca sinh đôi hoàn hảo. Từ đó, nhiều đứa trẻ, con của anh em công nhân tại các đội sản xuất trong Công ty 78 gọi anh "tài xế kiêm bà đỡ" Trịnh Hà Tâm bằng ngôn ngữ rất kính trọng: "Bố Tâm".
Mặc dù không có dụng cụ y tế nhưng hơn 50 lần hóa thân thành "bà đỡ", ông Tâm đều làm tròn vai. Lúc nào trên xe của tài xế Trịnh Hà Tâm cũng có con dao Thái. Đây là "dụng cụ" cắt rốn cho trẻ sơ sinh. Thậm chí, con dao ấy cũng đã năm, bảy lần làm tiểu phẫu cho sản phụ để em bé chui ra dễ hơn. Có lẽ một phần cũng nhờ cái "bảo bối" ấy mà anh tài xế Trịnh Hà Tâm trở thành một "bà đỡ" mát tay giữa núi rừng Chư Mom Ray trùng trùng, điệp điệp
Ca đỡ đẻ nhớ đời Hay một lần khác, Trịnh Hà Tâm cũng cầm lái đưa một phụ nữ người đồng bào Rơ Măm ở làng Leh đi đẻ. Đi chưa được 1/3 quãng đường thì người chồng đã gào lên cầu cứu: "Bộ đội ơi! Con vợ tao nó chảy máu rồi kìa!". Ở ghế sau, người phụ nữ đau đớn, kêu la ầm ĩ. Đứa bé đang chui đầu ra nhưng còn cả thân mình còn mắc lại. Trước đó, nghe lời vợ dặn, ông Tâm dùng con dao nhỏ mang theo xe rạch ngược... để kéo em bé ra. Nó vẫn không ra, cả thân mình đang tím tái dần dần. Biết gặp nguy hiểm, ông Tâm bảo người chồng sản phụ hút nước ối trong miệng đứa bé để nó hô hấp. Nhưng người chồng đồng bào Rơ Măm lo lắng, bối rối và hầu như không có một chút kiến thức sơ cứu nào nên chỉ biết la hét, khóc lóc. Không thể nhắm mắt làm ngơ được, anh tài xế Tâm buộc phải cúi đầu xuống hút nước ối khi thai nhi còn chưa ra khỏi lòng mẹ... Sau đó, đứa bé chui ra và cất tiếng khóc chào đời. Ông Tâm thở phào nhẹ nhõm. |
Nguyễn Tâm