"Lá bài" cho cuộc bầu cử Đức?
Ngày 2/5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Sochi, Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 2 năm, kể từ khi bà Merkel tới Nga tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc xã.
“Chúng tôi đã thảo luận về những vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc khủng hoảng ở Syria và tình hình ở Ukraine”, Tổng thống Nga nói với các nhà báo khi bình luận về cuộc gặp với bà Merkel.
Ông Putin khẳng định, tình hình ở Ukraine “vẫn là mối quan tâm đặc biệt” và nhấn mạnh rằng “sự cần thiết phải thực hiện hòa ước Minsk bởi tất cả các bên”.
Dù mối quan hệ Nga-Đức gần đây khá nhạt nhòa, ông Putin lưu ý rằng Đức vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của Nga.
“Nga vẫn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức, trên cơ sở cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và xem trọng lợi ích của cả đôi bên. Bất chấp những khó khăn về chính trị và biến động trong môi trường kinh tế toàn cầu, Đức vẫn là đối tác về chính sách đối ngoại hàng đầu với đất nước chúng tôi. Nói về tình hình thương mại song phương, chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch thương mại trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, tăng 43%”, Tổng thống Nga nói.
Nhà phân tích chính trị Nga Vladimir Bychkov tin rằng bà Merkel đang tìm cách giúp Berlin có một vai trò xứng đáng trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine và Syria.
“Ukraine là vấn đề với Đức, nhưng chủ yếu là vì Berlin đã ‘thêm dầu vào lửa’ trong cuộc xung đột và sau đó trở thành người dàn xếp xung đột ấy. Kết quả là Berlin vẫn phù hợp với vai trò này. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tảng lờ những cố gắng thuyết phục của bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande”...ông Vladimia phân tích.
Tờ Gazeta.ru của Nga cho rằng, nội chiến Ukraine là vấn đề gây tranh cãi then chốt giữa Đức và Nga. Berlin “đang hạ quyết tâm” đẩy tiến trình hòa bình Minsk đi tới và tìm ra một giải pháp nhằm hóa giải xung đột.
Theo giới phân tích, không một ai ở Nga nghĩ rằng bà Merkel sẽ tới thăm, bởi Thủ tướng Đức trước đây từng nói rằng bà sẽ chỉ tới Nga một khi có những tiến triển trong vấn đề Syria và Ukraine. Có lẽ ánh sáng cuối đường hầm đã thực sự le lói ở đâu đó. Nhưng nó mới chỉ có thể nhìn thấy ở Moscow và Washington chứ không phải Berlin”, ông Bychkov nói với tờ Sputnik.
“Tôi nghĩ rằng bà Merkel tới Nga với một sứ mệnh thám thính và thăm dò rằng liệu bà có chỗ đứng trong bàn cờ địa chính trị của Nga-Mỹ tại Ukraine và Syria hay không”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị Alexander Kamkin gợi ý, chuyến thăm của bà Merkel lại có thể là “lá bài” của nữ Thủ tướng đối với kỳ bầu cử tại Đức sắp tới.
Từ chỉ trích gay gắt đến bắt tay nồng ấm
“Cuộc bầu cử sẽ sớm diễn ra, và trong những tháng gần đây, Thủ tướng Merkel đã thay đổi lối phát ngôn của mình. Ví dụ, những tuyên bố của bà về cuộc khủng hoảng di cư đã thay đổi. Chuyến thăm Nga lần này, cùng với những điều khác, có thể là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp Đức từ lâu nay vẫn chỉ trích bà Merkel vì áp đặt trừng phạt với Nga”, ông Kamkin nói.
Theo Kamkin, bà Merkel đang thể hiện rằng bà sẵn sàng duy trì đối thoại với Nga và “lắng nghe ông Vladimir Putin, người mà bà từng chỉ trích gay gắt”.
“Truyền thông Đức từ lâu đã khởi động một chiến dịch mạnh mẽ nhằm khơi dậy tâm lý chống Nga vào những năm vừa qua, nhiều người Đức cảm thấy thất vọng vì điều đó. Họ không muốn sự đối đầu này và tôi nghĩ rằng hầu hết các cử tri đều muốn đối thoại với Nga. Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Merkel tới Nga sẽ khiến nhiều người Đức hài lòng. Bà Merkel đã làm được”, công Kamkin kết luận.
Xem thêm: Lý do Trung Quốc bất ngờ kêu gọi công dân ở Triều Tiên về nước
Danh Tuyên