Đá: Mới mấy tháng đầu năm mà xảy ra bao vụ người nhà bệnh nhân rồi cả bệnh nhân đến bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự.
Đen: Theo thống kê của bộ Y tế, các vụ việc trên xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh. 70% người bị hành hung là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.
Đá: Tôi tưởng đa số bệnh nhân ghét thái độ kiêu chảnh của nhân viên y tế.
Đen: Ông biết chuyện bác sĩ phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang xem bệnh án thì bị bố bệnh nhi dùng cốc thủy tinh đập vào đầu.
Đá: Biết, bác sĩ phải khâu 7 mũi trên đầu. Tất cả chỉ vì ông thông báo với người nhàrằng tình trạng của bệnh nhi đã ổn định, không cần thiết phải chuyển tuyến.
Đen: Thật không hiểu, tại sao bố em bé không nghĩ tin này là tin vui?
Đá: Lúc đó, gia đình có nguyện vọng chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên. Có lẽ do quá lo lắng cho con nên ông bố này đã không kiểm soát được hành vi của mình.
Đen: Con trẻ bị bệnh thì chẳng sốt ruột, nhưng làm người lớn phải biết nghĩ trước – sau.
Đá: Nếu người ta biết suy nghĩ đã không chửi bới, đánh đập bác sĩ rồi.
Đen: Mà nhiều bệnh nhân cũng khỏe quá cơ. Còn sức vùng dậy đánh bác sĩ thì còn đi cấp cứu làm gì không biết!
Đá: Phải chăng thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu trách nhiệm của một số thiên thần áo trắng đã tạo ra nỗi ác cảm khó xóa bỏ.
Đen: Đó không thể là cái cớ cho hành vi côn đồ. Bác sĩ cấp cứu cho anh, cho người nhà anh giờ anh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân thì lấy ai cấp cứu cho bác sĩ?!
Đá: Nhưng hẳn phải có một giải pháp tối ưu cho tất cả?
Đen: Chỉ một câu thôi: Hãy biết đặt mình vào vị trí của nhau!
Đ.Đ