Tiền “tấn” chữa ung thư, bệnh chưa thuyên giảm
Nếu ai đó đã một lần đặt chân đến bệnh viện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bệnh, chắc hẳn đều nghe đến câu chuyện thấm đầy nước mắt của chị Đặng Thị Thơm (số nhà 15/178, ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội). Chị có chồng bị bệnh thần kinh, đứa con trai mang trong mình căn bệnh cận kề với thần chết, người con gái của chị bơ vơ phải vào làng trẻ SOS sống nhờ. Đã hơn 5 năm trôi qua, chị Thơm chung bước bên người con trai đấu tranh với căn bệnh mà người ta gọi đó là “hy vọng mong manh”.
Cháu Cường, bé 'nhập khẩu' đến Viện Huyết học vì ung thư máu
Nghe về hoàn cảnh của chị Thơm đã lâu nhưng chưa có dịp đến thăm. Và thật tình cờ, vào thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết Quý Tỵ sẽ đến, trong tiết trời giá lạnh của những đợt gió mùa liên tiếp tràn về giữa mùa đông Hà Nội, tôi đã có dịp ghé thăm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bệnh để thăm hỏi mẹ con chị Thơm và được chứng kiến nhiều cảnh đời éo le khác.
Sau một hồi được nhân viên của viện hướng dẫn, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến khu vực các bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Hỏi phòng bệnh mà con chị Thơm đang điều trị, không một ai ở đây không biết đến người nhà bệnh nhân này. Bởi đã 3 năm nay, chị vẫn thường đi đi về về ở viện này để chăm sóc cho đứa con trai mới 13 tuổi đang bị ung thư máu.
Cháu bé tên là Nguyễn Văn Cường.
Gặp chị Thơm khi chị đang ngồi bên chiếc giường bệnh của con mình, khuôn mặt hiền lành phúc hậu của chị hốc hác, xạm đi và nhìn chị có vẻ già hơn so với những người phụ nữ chuẩn bị bước vào tuổi “tứ tuần” khác. Có lẽ đó chính là hậu quả để lại sau bao nhiêu năm tháng chống chọi với những điều bất hạnh trong cuộc đời chị.
Chị xây dựng gia đình được khoảng 16 năm và sinh được hai người con. Một là cháu Cường và đứa con gái cả năm nay 15 tuổi. Ban đầu chị cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. Nhưng cho đến một ngày vào đầu năm 2007, tại họa liên tiếp giáng xuống gia đình bé nhỏ của chị. Khi đó, cháu Cường đang học lớp 1 thì có biểu hiện mệt mỏi, sốt kéo dài, xuất huyết dưới da và đôi khi ho ra máu...
Ban đầu chị Thơm chỉ nghĩ con bị sốt virus hay những căn bệnh ngoài da thông thường. Nhưng khi đưa con đi khám tại Bệnh viện K thì các bác sỹ kết luận cháu bị ung thư máu và phải nhập viện điều trị ngay lập tức. Tin trên như sét đánh ngang tai, chị Thơm ngất lịm đi.
“Tiếng là lấy chồng ở giữa Thủ đô, nhưng khi đó gia đình tôi cũng nghèo lắm. Nhà chồng có bốn anh em nhưng đều đã mất cả, chỉ còn mình nhà tôi thôi. Bố mẹ chồng cũng không còn. Khi mất, các cụ để lại cho vợ chồng tôi mảnh đất vỏn vẹn 12m2 và một căn nhà đã dột nát”, chị Thơm cho hay.
Hai vợ chồng trước đó cũng chỉ là người đi làm thuê nên thu nhập chưa đủ miếng ăn hàng ngày chứ chưa nói đến chuyện tích cóp tiền bạc để phòng khi ốm đau bệnh tật như thế. Không có tiền, nhưng ai lại nỡ ôm con ở nhà và nhìn cháu chịu đau đớn như vậy. Chị đã phải vay mượn khắp họ hàng gần xa và hàng xóm láng giềng, mỗi người một ít để có tiền đi chữa bệnh cho con. Đến năm 2010, bệnh tình của cháu Cường ngày càng nặng hơn và gia đình đã phải chuyển cháu qua Viện Huyết Học – Truyền máu Trung ương điều trị cho tới nay. Chị Thơm cho hay, sau 5 năm, tính ra số tiền mà chị đi vay mượn để điều trị cho cháu Cường nói trên đã lên tới hơn 600 triệu đồng.
Mẹ con cháu Cường trong thảm cảnh: Bố tâm thần, con ung thư
Số tiền quá lớn, trong khi gia tài hiện tại lại không có gì ngoài mảnh đất 12m2 và một căn nhà tình nghĩa của nhà nước trị giá 20 triệu đồng được cất lên vài năm trước. “Sắp tới có lẽ tôi cũng phải bán nốt số tài sản này để trả nợ bớt thôi chú ạ!”, chị Thơm ngậm ngùi.
Việc con cái không may mắc phải căn bệnh ung thư quái ác tưởng chừng như là nỗi đau tột cùng của những ông bố bà mẹ. Nhưng với chị Thơm, đó chỉ là một trong những điều bất hạnh mà người phụ nữ đầy nghị lực này gặp phải.
Con mắc bệnh, bố “theo gót”
Vào thời điểm 2010, khi cháu Cường bắt đầu chuyển vào Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thì cũng là lúc bố của cháu, anh Nguyễn Văn Thắng, bấy lâu nay khỏe mạnh, bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần và phải vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (hay còn gọi là Viện Trâu Quỳ, tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội). Hiện tại, anh Thắng đã được cho về nhà nhưng bệnh tình thì vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Chồng chị vẫn còn “lẩn thẩn”, vẫn hay “nói chuyện một mình” và chưa thể đi làm trở lại được. “Cũng may là anh ấy đã có thể tự nấu cơm ăn uống được. Nếu không, tôi không biết phải phân thân thế nào để lo cho 2 bố con.”
Chị đang nhớ về đứa con gái đầu lòng (cháu Nguyễn Thị Dung, đang học lớp 9) mà cũng đã lâu rồi chị chưa đi thăm cháu. Năm ngoái, khi con trai út đang phải điều trị thường xuyên tại Viện Huyết học, chồng lại nằm ở Viện Trâu Quỳ, chị Thơm không còn đủ sức cáng đáng thêm đứa con gái cả nữa nên đành gửi cháu vào viện Làng trẻ em SOS Hà Nội nhờ nuôi dưỡng hộ.
“Con trai út đang bị ung thư máu, chồng thì bị tâm thần, tôi không thể nuôi được đứa con gái cả nữa nên đành phải để cháu vào sống ở Làng trẻ em SOS Hà Nội nhờ các cô các chú trong đó nuôi dưỡng hộ. Cháu nó vào đó may ra mới có cuộc sống tốt đẹp hơn chú ạ!”, chị Thơm nói, trong nước mắt. (Còn tiếp).
Nguyễn Minh