“Bản án” đời nghiệt ngã của một “gia đình bất hảo”

“Bản án” đời nghiệt ngã của một “gia đình bất hảo”

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

– Chuyện về cuộc đời họ rất dài và rất đau. Họ đã từng có mái ấm hạnh phúc và những ước mơ về cuộc sống tốt đẹp. Nhưng rồi do hoàn cảnh, sự thiếu hiểu biết và muốn nhanh chóng "đổi đời" mà tất cả họ vướng vào tù tội. Họ từng phạm tội, đó là điều đáng trách, nhưng đằng sau là cả một "bản án đời" mà họ đang gánh chịu đã là một nỗi đau không có gì xóa được.

Bán nhà bán luôn... số phận

Bà Trần B.T (SN 1942), ngụ phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh là người gốc Cần Thơ. Bà có chồng và 3 đứa con. Con trai lớn là thương bệnh binh đã qua đời và 2 đứa con gái tên Phan Thị A. T và Phan Thị A. X. Cuộc đời bà chỉ gắn với những tháng ngày mưu sinh tần tảo và lo hạnh phúc cho 2 đứa con gái. Có thể vì cuộc tình của bà và ông không trọn vẹn nên đến tận bây giờ bà không bao giờ kể cho ai nghe nhiều về chồng mình.

Pháp luật - “Bản án” đời nghiệt ngã của một “gia đình bất hảo”

Dãy nhà trọ nơi bà B.T ở , phường 25, quận Bình Thạnh

Có lẽ cũng vì thế mà bà quyết định bán nhà ở quê, dắt cả gia đình lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Bà thuê nhà trọ và sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Cả gia đình gồm vợ chồng con gái và 7 đứa cháu ngoại, tất tật là 12 người nương tựa lẫn nhau. Do cuộc sống quá khó khăn, nhìn đâu cũng thấy "tiền vay bạc hỏi" nên người con rể thứ 2 cám cảnh mà bỏ vợ và 3 đứa con đi biệt xứ từ hơn 10 năm nay. Không muốn mãi long đong kiếp ở trọ, bà tích cóp từ tiền mua bán cũng "tậu" được một căn nhà nho nhỏ ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Và điều mong mỏi là có hộ khẩu ổn định để 7 đứa cháu ngoại được đến trường.

Những tưởng sau khi có chỗ ở ổn định, cuộc sống gia đình bà sẽ bình yên. Nhưng không ngờ đứa con gái lớn của bà là A.T sau khi bị chồng bỏ, chán nản tụ tập bạn xấu và vướng vào ma túy. Không có tiền hút chích, A.T nghĩ ra cách rủ rê 4 con nghiện khác đến nhà mình cùng góp tiền để mua ma túy. Mỗi con nghiện góp 50.000 đồng, tổng cộng 200.000 ngàn đồng, riêng A.T không có tiền thì góp công đi mua ma túy. Đang phê ma túy, cả 5 con nghiện đều bị bắt quả tang. A.T bị lãnh án 8 năm tù về tội cung cấp và sử dụng ma túy. Còn bà B.T nhận 6 năm tù và con gái út A.X nhận 7 năm tù về tội chứa chấp. Bà và con gái út vào tù năm 2007.

Vì 7 đứa trẻ còn nheo nhóc, nên bà và đứa con gái út thi hành án trước, còn đứa con gái lớn được tạm hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc bọn trẻ. Từ ngày bà và con gái út vào tù, gia đình bắt đầu rơi vào thảm cảnh. Vì A. T đang trong quá trình hoãn thi hành án nên không thể đi khỏi nơi cư trú, và cũng không có việc làm để lo cho bọn trẻ. Đau xót hơn khi đứa con lớn của A.T bệnh nặng qua đời. Không có tiền lo ma chay, A.T phải bán nhà để lo hậu sự và lo cuộc sống cho bọn trẻ.

Không còn nhà, A.T dắt 6 đứa trẻ đi thuê trọ ở Thủ Đức sống lay lắt. Tiền bán nhà ngày một vơi, để có cái ăn, 7 đứa trẻ bắt đầu dắt díu nhau đi lượm ve chai, đi ăn xin. Đứa lớn dắt đứa bé lê la khắp hang cùng ngõ hẻm tìm "sự sống", việc học hành cũng gián đoạn. Trong những ngày lang thang, bọn trẻ đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng sai khiến làm những việc trái pháp luật.

Năm 2008, con của A.X là T (SN 1997) phải nghỉ học để dắt 2 em của mình là T.V (SN 1998) và B.T (SN 2000) đi lượm ve chai, ăn xin. Trong những ngày lang thang cơ nhỡ, 3 chị em thất lạc nhau.

Pháp luật - “Bản án” đời nghiệt ngã của một “gia đình bất hảo” (Hình 2).

Những ngày lang thang lượm ve chai, bé T. tụ tập băng nhóm cùng những đứa trẻ lang thang hít keo chó

Gian nan con đường hoàn lương

Vào ngày 30/11/2011 vì cải tạo tốt nên bà B.T được ra tù trước thời hạn. Ngày bà ra tù, cũng là ngày con gái lớn A.T vào tù để chấp hành bản án. Ra tù, bà đau xót nghe tin nhà mình đã không còn, đứa cháu ngoại chết, và 2 đứa cháu thất lạc.

Nén đau thương, bà gánh gồng thân già nuôi 4 đứa cháu (1 đứa con của A.X và 3 đứa con của A.T), và bắt đầu hành trình đi tìm lại 2 đứa cháu bị thất lạc. 3 tháng trời ròng rã dầm mưa dãi nắng đi khắp các con phố, gõ cửa từng cơ quan chức năng, từng trại trẻ mồ côi với hy vọng bà cháu đoàn tụ. Trong thâm tâm, bà muốn các cháu mình lớn lên một cách bình thường, không bị "hoen ố" vì sự sai lầm của mẹ và bà chúng. Nhưng bà đã sai lầm.

Vì mẹ và bà ngoại ở tù, nên bọn trẻ bị xóm giềng, bạn bè xa lánh. Và cũng vì không được dạy dỗ nên dường như chúng sống theo bản năng tự nhiên. Chúng bất cần đời, và sống hoang dại. Sau 3 tháng tìm kiếm, cuối cùng bà cũng gặp được 2 cháu trong sự buồn vui, tủi hờn.

Tìm được 2 cháu nhưng vì hoàn cảnh bà neo đơn nên trung tâm chưa cho phép 2 cháu về với bà, mà muốn các cháu ở lại để được giáo dục nên người. Bà luôn ân hận về việc làm sai trái của mình và luôn muốn làm lại cuộc đời. Nhưng con đường "hoàn lương" của bà luôn gặp những trở ngại từ những định kiến của một số người. Biết cả gia đình con, cháu bà đều là "thành phần bất hảo" nên khi đến ở trọ chỗ nào, bà đều không được đăng ký tạm trú vì sợ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương(?!).

Ngày nào có tiền, bà mua chuối chiên về bán kiếm cơm cho cháu. Còn con rể thứ 3 thì ốm yếu, đi làm hồ "bữa đực bữa cái" cũng chẳng thấm vào đâu. Thương bà nên bé T đi nhặt ve chai và nhận bán vé số dạo để kiếm tiền. Và trong những ngày mưu sinh ấy, bé T lại bị rủ rê, tụ tập với nhóm trẻ bụi đời hít keo chó và lập băng nhóm.

Cách nay 2 tuần, bà bị xe đụng gãy chân, người đụng xe thì bỏ chạy. Không có tiền thuốc men, những người lao động nghèo xung quanh hùn nhau vài chục ngàn mua thuốc cho bà. Và vì không có tiền đóng tiền nhà, tiền nước nên chủ nhà trọ cắt nước. Nguy cơ, cả nhà bà sẽ bị đuổi. Trong cơn tuyệt vọng, có lần bà đã viết tâm thư rằng: "Ngày nào đó tôi sẽ nấu một nồi canh lá ngón cho các cháu tôi ăn quá các ngài ơi...". Hàng xóm cho biết, bà hay khóc than và nghĩ đến cái chết.

70 tuổi, lưng bà còng, chân khập khiễng nhưng tôi biết bà đang cố gắng gượng để bảo bọc các cháu, vì mẹ chúng chưa mãn hạn tù. Tôi xin trích dẫn vài dòng trong bức thư "non nớt" mà bé T.V (14 tuổi) gửi ngoại và ba khi đang ở trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ lang thang cơ nhỡ làm lời kết cho bài viết. Bởi, dù có nói gì thêm nữa thì cũng không thể nào diễn tả hết những nỗi day dứt, khổ tâm của những người lầm lỡ rất cần sự tha thứ và sự giúp đỡ để "ngày trở về" của họ được rộng mở hơn.

"Ngoại ơi! Ở nhà ngoại ráng giữ sức khỏe đợi con về với ngoại nha. Ngoại ráng làm đơn bảo lãnh con về, ở trong đây con sợ lắm ngoại ơi. Cho con xin lỗi ngoại, những ngày ở ngoài đó con làm ngoại buồn. Giờ con vô đây con mới biết hối hận. Ngoại nói với con T là đừng có đi chơi nữa... Ngoại ráng bảo lãnh con về, con nhớ nhà lắm. Ngoại ráng giữ sức khỏe và nhớ viết thư cho con nha ngoại".

Và gửi cho ba: "Ba ơi! Con xin lỗi nha ba. Con không nghe lời ba nên con mới vô đây. Ba nhớ giữ gìn sức khỏe đợi con về. Ba đừng có nhậu nhiều quá nha ba. Ba đừng cho mẹ biết con bị bắt nha ba. Con thương ba nhiều lắm...".

X.Dung - Ngọc Giàu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.