Bàn tay của CIA
Năm 1988, Đài Loan khởi động chương trình chế tạo bom hạt nhân đầu tiên, nhưng một nhà khoa học quân sự đã khiến mọi thứ sụp đổ khi ông đào tẩu sang Mỹ và phơi bày kế hoạch của hòn đảo này.
Đây là câu chuyện mà mãi về sau khi nhớ lại, nhà khoa học cho biết ông đã chịu nhiều tai tiếng nhưng khẳng định đó là cách duy nhất để cứu chính quê hương của mình.
Cho đến ngày nay, nhiều vẫn gọi Chang Hsien-yi là kẻ phản bội - nhưng ông nói bản thân chưa bao giờ hối tiếc về quyết định khi đó.
"Nếu quay lại một lần nữa, tôi vẫn không thay đổi ý định của mình", nhà khoa học 73 tuổi trải lòng với BBC trong ngôi nhà riêng tại Idaho.
Sau 30 năm kể từ khi sang Mỹ bắt đầu cuộc sống riêng, ông Chang lần đầu tiên tiết lộ về câu chuyện đã mang đến ngã rẽ số phận của bản thân.
Với tư cách là quốc gia đồng minh gần gũi khi đó với Đài Loan, Mỹ đã cảm thấy khó xử khi phát hiện ra rằng chính quyền Đài Loan lúc ấy đã bí mật ra lệnh cho các nhà khoa học phát triển vũ khí hạt nhân.
Quyết định này xuất phát từ nỗi sợ Chính phủ Trung Quốc đại lục khi ấy sẽ tấn công hòn đảo này bằng sức mạnh hạt nhân đã được phát triển từ những năm 1960.
Quan điểm của Trung Quốc xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo với đại lục bằng mọi cách, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Giới lãnh đạo Đài Loan khi đó đang ở trong giai đoạn bất ổn – nhà lãnh đạo Đài Loan Tưởng Kinh Quốc khi đó đang sắp qua đời và Mỹ tin rằng Hắc Bách Thôn - người có tư tưởng hiếu chiến, sẽ trở thành người kế nhiệm ông.
Họ lo lắng về khả năng hạt nhân hóa eo biển Đài Loan và tìm cách ngăn chặn không để tham vọng hạt nhân của Đài Loan phát triển, cũng như ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Vì vậy, Washington đã bí mật cài cắm nhà khoa học Chang vào để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Đài Loan.
Khi ông Chang được CIA tuyển dụng vào đầu những năm 1980, ông là phó giám đốc của viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân Đài Loan, chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hạt nhân của hòn đảo này.
Là một trong những nhà khoa học hạt nhân chủ chốt của Đài Loan, ông đã có một cuộc sống nhiều đặc quyền và một mức đãi ngộ hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông băn khoăn khi bắt đầu đặt câu hỏi liệu hòn đảo quê hương có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Liên Xô cũ?
Ông bị thuyết phục bởi lập luận của người Mỹ rằng, việc chấm dứt chương trình hạt nhân là "tốt cho hoà bình và vì lợi ích của Trung Quốc đại lục và của cả Đài Loan".
"Điều này phù hợp với suy nghĩ của tôi”, ông Chang nói. "Nhưng lý do quan trọng nhất khiến tôi đồng ý là họ đã cố gắng đảm bảo về sự an toàn cho tôi và gia đình".
Kế hoạch tẩu thoát
Vào thời điểm đó, các quan chức quân đội không thể rời khỏi Đài Loan mà không được phép.
Vì vậy, đầu tiên ông Chang đảm bảo vợ và ba con của mình được an toàn bằng cách đưa họ đi nghỉ lễ ở Nhật Bản.
Vợ ông, bà Betty, nói bà không biết về cuộc sống hai mặt của chồng mình. Họ chỉ thường nói chuyện với nhau về khả năng ông Chang có thể nhận việc ở Mỹ.
"Ông ấy nói với tôi rằng đây là một cách để kiểm tra xem tôi có thể ra khỏi Đài Loan dễ dàng hay không và để xem tôi có thể mang theo bao nhiêu hành lý", bà kể lại.
Bà Chang rời Đài Loan ngày 8/1/1988 cùng các con. Ngay ngày hôm sau, ông Chang bay đi Mỹ bằng chiếc hộ chiếu giả của CIA. Tất cả những gì ông mang theo là chút tiền mặt và một vài vật dụng cá nhân.
Trong khi đó ở Tokyo, bà Betty Chang được một phụ nữ tới gặp và đưa cho bà một lá thư của ông Chang. Đó là thời điểm bà mới biết chồng mình là gián điệp của CIA và đã đào thoát.
“Lá thư viết: Em sẽ không bao giờ trở lại Đài Loan và từ Nhật Bản em sẽ tới Mỹ... đã khiến tôi kinh ngạc”, bà Chang kể lại. "Tôi chỉ biết khóc khi hiểu ra, mình sẽ không bao giờ còn có thể trở lại Đài Loan nữa”.
Bà cùng những người con được đưa lên máy bay đi Seattle, tại đây họ gặp lại ông Chang ở sân bay.
Sau đó gia đình ông Chang được đưa tới một nhà bí mật ở Virginia do lo sợ ông sẽ bị ám sát bởi các nhân viên tình báo Đài Loan hoặc những kẻ cực đoan.
Trong vòng một tháng, Mỹ đã thành công trong việc gây áp lực buộc Đài Loan phải chấm dứt chương trình hạt nhân bằng cách sử dụng thông tin tình báo đã thu thập được qua ông Chang.
Đài Loan được cho là có chỉ cần một đến hai năm là hoàn thành một quả bom hạt nhân khi đó.
Tranh cãi
Bí mật của ông Chang đã nằm im trong nhiều thập kỷ cho đến khi ông bắt đầu nghỉ hưu và muốn nói ra sự thật qua cuốn hồi ký mang tên Hạt nhân! Tình báo? CIA: Ghi chép từ cuộc phỏng vấn với Chang Hsien-yi.
Cuốn sách được xuất bản hồi tháng 12 năm ngoái đã khơi dậy cuộc tranh luận, liệu hành động của Chang với quê hương Đài Loan có đúng đắn.
Một số người ca ngợi ông đã ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm ẩn. Nhưng những người khác coi hành động của ông là đã chối bỏ Đài Loan khả năng có vũ khí cần thiết cho hoàn đảo này.
Ngay cả những người trong đảng cầm quyền, đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP), vốn phản đối việc phát triển năng lượng và vũ khí hạt nhân, cũng không hài lòng với hành động của Chang.
Nhưng ông Chang cho biết, ông lo sợ những nhà chính trị đầy tham vọng của Đài Loan lúc đó sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối đầu với Trung Quốc đại lục. Ông nói bà Tưởng Giới Thạch, mẹ kế của Tưởng Kinh Quốc và một nhóm các tướng trung thành với bà thậm chí còn thành lập một bộ chỉ huy riêng để thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong những năm qua, một số lãnh đạo Đài Loan tỏ ý muốn kích hoạt lại chương trình hạt nhân của hòn đảo này, nhưng các đề xuất đó đã nhanh chóng bị phản đối của Washington loại bỏ.
Sau khi đào tẩu, quân đội Đài Loan đưa ông Chang vào danh sách những kẻ bị truy lùng. Nhưng ngay cả sau khi lệnh truy nã ông hết hạn vào năm 2000, ông vẫn chưa hề trở lại Đài Loan và không có kế hoạch quay trở lại.
Ông không muốn đối mặt với những chỉ trích mà tác động tiêu cực của nó có thể gây ảnh hưởng tới họ hàng của mình ở quê hương.
Năm 1990, họ được định cư tại Idaho, nơi ông Chang làm kỹ sư tư vấn và khoa học gia tại phòng thí nghiệm quốc gia Idaho của Chính phủ Mỹ cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2013.
Ông nói hối tiếc duy nhất của ông là đã không thể gặp lại cha mẹ mình trước khi họ qua đời.
"Bạn không cần phải ở Đài Loan mới có tình cảm với hòn đảo này. Tôi là người yêu Đài Loan", ông Chang nói. "Tôi là người Đài Loan, tôi là người Trung Quốc, tôi không muốn thấy người Trung Quốc ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan cùng hại lẫn nhau".
Đọc thêm>>> Triều Tiên có 'căn cứ bí mật' ở vùng ngoại ô nước Anh?
Quốc Vinh