Nô nức... "sống thật"
Ngay từ khi bắt đầu chuỗi sự kiện, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người trẻ. Với các buổi tọa đàm, các chương trình "học mà chơi, chơi mà học", nhiều người tham dự hiểu rõ hơn về cách "sống thật". Đó là những chia sẻ của các bạn trẻ về việc mình đã từng nói dối như không đi học tiếng Anh mà vẫn xin bố mẹ tiền; quay cóp trong các kỳ thi; trốn không mua vé xe buýt trong khi đến trường; nói dối người yêu, tán một bạn gái khác... Những chia sẻ này được nói ra trong buổi tọa đàm, chứng tỏ nhiều bạn trẻ đã nhận thức được việc "sống thật" cần thiết như thế nào.
Trần Hòa An (sinh viên năm thứ 2, trường đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Hàng ngày, chúng ta va chạm với quá nhiều sự gian lận nên nhiều khi nói dối đã trở thành thói quen. Khá nhiều bạn trẻ nói dối bất kỳ lúc nào, ở đâu... một cách thành thạo. Chương trình này giúp tôi "sống thật" với chính bản thân mình. Ý nghĩa của cuộc sống là tạo ra sự tin tưởng cho những người xung quanh mình, chứ không phải nói dối để thỏa mãn mục đích cá nhân".
Ngoài các buổi tọa đàm, các bạn trẻ sẽ được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khi dũng cảm "sống thật" và đối mặt với những vấn đề khó khăn của "sống thật" qua các trò chơi, và được tặng những món quà nho nhỏ, ý nghĩa, từ đó chia sẻ mong muốn và cam kết của mình để có cách "sống đẹp" hơn.
"Sống thật" không chỉ dừng lại ở việc thú nhận những cái sai mà phải tìm cách chế ngự và sửa sai. Nhiều bạn trẻ đã từng gian lận khi thi cử, "đi" thầy cô mỗi kỳ thi hay nói dối bố mẹ để xin tiền tiêu xài phung phí... là những biểu hiện của không minh bạch. Qua chương trình 90 phút "sống thật", người trẻ từng bước hình thành suy nghĩ và hành động, thế nào là "sống thật", sống như thế nào mới đúng...
Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình 90 phút "sống thật".
Ngọc Minh, sinh viên năm thứ 3, đại học Hà Nội cho biết: "Trực tiếp tham gia chương trình 90 phút "sống thật" mới thấy rất nhiều bạn trẻ còn băn khoăn về cách sống của chính mình. Bởi trong xã hội hiện nay, nhiều khi cái xấu không được ngăn chặn kịp thời, dẫn đến nó là thói quen mà nhiều khi chính bản thân mình không biết, khó kiểm soát được.
"Sống thật" không chỉ nằm ở sự hô hào sáo rỗng mà đó là cách sống đúng với lương tâm, suy nghĩ của mình. Như không nói dối bố mẹ, thầy cô... không lên mạng "chém gió" lung tung để ảnh hưởng đến tình bạn, bởi cái gì thật bao giờ cũng được trân trọng...".
Ngọc Minh cho biết thêm, cả lớp của cậu đang nô nức... "sống thật", bởi đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn. Nhiều người vẫn tự hỏi rằng, liệu mình có thể tạo ra hiệu ứng cho "sống thật" hay không? Nhưng các cố vấn của chuỗi sự kiện này cho biết, chính người trẻ là những người có thể tạo ra thay đổi ấy trong tương lai và thay đổi từ người trẻ để tạo ra thế hệ @ có tâm, có tài...
Người già cũng quan tâm "sống thật"
Chuỗi sự kiện "Giới trẻ hướng tới Minh Bạch - Đen hay Trắng" với chủ đề là "Sống thật" sẽ được tổ chức trong ba miền Bắc - Trung - Nam. Trong tháng 12 này, các buổi hội thảo, tọa đàm "Trung thực trong học đường" và sự kiện ngày hành động "Tôi sống thật" sẽ được diễn ra ở Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng), và TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, giới trẻ cả nước sẽ được tiếp cận với "sống thật", từ đó hình thành suy nghĩ và hành động cho chính cuộc đời mình.
Không chỉ người trẻ mới quan tâm tới "sống thật" mà nhưng người lớn tuổi cũng rất ủng hộ phong trào này. Bác Lê Hảo (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Chương trình 90 phút "sống thật" rất có ý nghĩa. Đây không chỉ là nơi những người trẻ có cơ hội để gặp gỡ nhau, mà là nơi để hiệu ứng lan truyền bắt đầu. Vì là một nhà tâm lý nên bác hiểu rõ, ở đâu có "đám đông" là ở đó có sự lan tỏa và bắt chước nhanh. Bác ủng hộ con gái tham gia chương trình này, bởi nó sẽ tác động vào suy nghĩ và nhận thức của người trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường".
Trang Nhung (phố Huế, Hà Nội) cho biết: "90 phút "sống thật" đã khai thác những góc nhìn mới, song lại gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, qua đó các bạn trẻ sẽ có những hành động cụ thể, để sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Bản thân em sẽ cố gắng học tốt bằng thực lực của mình, không có hành vi tiêu cực trong chuyện thi cử, không "đi" thầy cô. Đấy cũng là một phần của "sống thật".
Tại chương trình 90 phút "sống thật", các bạn trẻ đã cùng nhau cam kết sẽ hạn chế nói dối, thực hiện minh bạch các khoản chi tiêu với bố mẹ để có lối sống lành mạnh, đáng tin cậy hơn.
Chị Đỗ Thanh Huyền - chuyên viên phân tích chính sách phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cố vấn của chương trình cũng khẳng định, "sống thật" không phải là cái gì đấy đao to, búa lớn mà từ những việc làm giản dị ở quanh chúng ta như: Xé vé khi đi xe buýt, từ chối "đi" thầy cô, chấp nhận ghi biên lai khi bị phạt ngoài đường... Người trẻ biết "sống thật" từ những cái nhỏ, sẽ tạo nên một cách "sống đẹp", hình thành cách sống văn minh trong xã hội. Khi đó, "sống thật" sẽ là một thói quen tốt của mọi người.
Hào hứng với chuỗi sự kiện 90 phút "sống thật" này, nhiều bạn trẻ đã nhận ra, "sống thật" là để cùng nhau hướng đến và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Thùy Dương - thành viên nhóm "Hành trình sống thật" đã chia sẻ: "Sống thật" đôi khi chính là sự dũng cảm, sự thật thà trong chính sức nóng của trái tim bạn. Sống giữa những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, giữa những danh vọng, ham muốn và đố kị thì phải học cách quên đi để "sống thật" đúng với mình. Tuy nhiên, khi vượt qua được những cám dỗ đời thường, là những người trẻ đang tạo cho mình một cách "sống đẹp", sống có ý nghĩa.
Lạc Thành