Trong một báo cáo mới đăng tải trên trang War On The Rocks, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập tấn công tên lửa nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh thu thập được gần đây, các chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc đang bắt đầu các cuộc thử tên lửa với mục tiêu phá hủy tàu sân bay, tàu khu trục và các sân bay của Mỹ ở Đông Á. Nhằm che giấu mục đích của mình, khu vực thử nghiệm đã được Bắc Kinh ngụy trang dưới dạng căn cứ quân sự.
Đầu tuần này, một tên lửa đạn đạo độ chính xác cao có khả năng đe dọa các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ ở châu Á đã được triển khai trong một cuộc tập trận của Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Trong đoạn video được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, một số xe phóng tên lửa DF-16 đang được các binh sĩ vận hành một số thao tác đơn giản như nạp tên lửa, bố trí lại trình tự khởi động.
DF-16 được biết đến là tên lửa có vai trò đặc biệt trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là việc kiểm soát phạm vi chuỗi đảo thứ nhất.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16 lần đầu được công khai trước công chúng trong cuộc diễu binh hồi tháng 9/2015. Vũ khí mới của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 1000 km, vừa đủ tới khoảng cách của Okinawa, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, cũng như các đảo chính của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.
DF-16 là phiên bản thay thế cho tên lửa tầm ngắn DF-11 với khả năng điều chỉnh quỹ đạo để tấn công các mục tiêu di chuyển chậm và thoát khỏi tầm ngắn của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được triển khai ở Đài Loan.
Ngoài việc mang đến ba đầu đạn nổ thông thường có sức nặng một tấn, tên lửa này có thể mang theo cả đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao tương tự như một tên lửa hành trình.
Quan hệ Mỹ-Trung đang bấp bênh ở "ngã ba đường" khi giới quan sát lo ngại hai cường quốc hàng đầu thế giới có sẽ có những va chạm với nhau sau khi Tổng thống Donald Trump có những động thái đe dọa chính sách "Một Trung Quốc" và cứng rắn trước yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bắc Kinh mới đây cũng cảnh báo về sự bất ổn trong khu vực Đông Á sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết tuần trước rằng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ quyền lãnh thổ của Nhật Bản đối với một nhóm đảo mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.
Dựa trên thông tin mới về cuộc tập trận lần này cùng với một số nhận định trước đó, chuyên gia phân tích quân sự cấp cao Thomas Shugart từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận định, đây sẽ là vấn đề nghiêm túc mà giới lãnh đạo Washington cần phải xem xét khi một cuộc tấn công tên lửa phủ đầu nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là một khả năng rất thực tế, đặc biệt nếu Trung Quốc tin rằng cái gọi là "lợi ích chiến lược cốt lõi" của nước này đang bị đe dọa, trong khi nhận thức được nỗ lực răn đe thời gian qua không hiệu quả.
Trân Châu Cảng có thể tái diễn?
Trong năm 2010, chuyên gia Toshi Yoshihara từ Học viện chiến tranh Mỹ viết rằng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, PLA có khả năng ra lệnh cho Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc khởi động cuộc cuộc tấn công chớp nhoáng để hạ gục toàn bộ lực lượng chính của Hải quân Mỹ ở châu Á bằng cách tấn công vào hải cảng neo đậu tàu chiến, nơi được coi là dễ tổn thương nhất đối với Mỹ.
Yoshihara chỉ ra rằng một khi lựa chọn, mục tiêu của Bắc Kinh sẽ là cảng Yokosuka, căn cứ lớn nhất mà Hải quân Mỹ đang tập trung lực lượng.
"Có lẽ không có nơi nào khác mà Trung Quốc có khả năng lựa chọn nhiều như Yokosuka", chuyên gia Yoshihara dự đoán khi cho biết căn cứ hải quân gần Tokyo này là nơi triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng hàng loạt tàu chiến và các phương tiện hỗ trợ quan trọng.
Năm 2012, Tiến sĩ Yoshihara so sánh rằng kế hoạch của Trung Quốc sẽ tương tự với cuộc tấn công bất ngờ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản vào Trân Châu Cảng trong quá khứ.
Điều này không còn chỉ là giả thuyết đơn thuần khi trong các hình ảnh vệ tinh hồi năm 2013 cho thấy, Trung Quốc đang thực sự thử nghiệm khả năng của mình cho một kế hoạch như vậy.
Cụ thể, Lực lượng Tên lửa của PLA đang có các bài tập thực hành nhắm vào một số mục tiêu tàu chiến có kích thước tương đương với tàu khu trục Arleigh Burke được neo tại một cảng biển mô phỏng rất giống với căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka (xem Hình 3).
Những hố sâu do tên lửa gây ra rất sát với ba con tàu mô phỏng, đủ gần để làm hư hại cả ba mục tiêu này. Trung Quốc dường như mong đợi các tàu chiến Mỹ sẽ tập trung tại cảng trong một tình huống như vậy để tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ.
Tuy nhiên chuyên gia Thomas Shugart cho rằng, nếu cảm nhận được một cuộc chiến sắp sửa xảy ra, đội tàu của Mỹ sẽ không ngồi im một chỗ như vậy mà nhanh chóng được triển khai ra biển. Ngoài ra lịch sử cũng cho thấy các cuộc tấn công bất ngờ thường không có nhiều khả năng thành công.
Mặc dù vậy, Mỹ cùng với đồng minh được cho là đang nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ khu vực vốn bị trì trệ và phân tán của mình. Về lâu dài các hệ thống tên lửa hiện đại nhất của Mỹ có thể được nước này cân nhắc triển khai để bảo vệ căn cứ ở khu vực, một khi mối đe dọa từ Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn.
Hệ thống Patriot cũ kĩ được cho là không đủ để chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn từ Bắc Kinh. Trong khi đó việc triển khai một hệ thống hiện đại hơn cũng đòi hỏi việc triển khai hệ thống đầu cuối THAAD đến Nhật Bản hoặc các tàu khu trục phòng thủ tên lửa Aegis, điều mà Mỹ còn ngần ngại do chi phí quá lớn, trong khi chính quyền của Trump đang có ý định cắt giảm chi tiêu quân sự ở châu Á.
Đọc thêm>>> Trung Quốc tìm cơ hội phá vòng vây chuỗi đảo thứ nhất ở Biển Đông
Quốc Vinh