Tội phạm trẻ em, quản lý thế này thì rất khó!

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Vụ án Đào Thị Thu Hương (tức My "sói") đã gióng thêm hồi chuông nữa về tình trạng trẻ em phạm tội nghiêm trọng. PV đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, tình trạng thiếu niên phạm tội thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng, liệu đây có phải có lỗ hổng trong nhà trường và gia đình?

Hiện nay, nhiều diễn đàn vẫn đang nêu thực trạng vi phạm pháp luật của trẻ em đang gia tăng. Có lẽ ngành công an nắm rất rõ thực trạng này. Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên có rất nhiều nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, công tác quản lý nhà nước về mạng internet đến các băng đĩa lậu chưa tốt, cũng tác động rất mạnh đến giới trẻ.

Hơn nữa, ở Việt Nam tìm việc làm cho những em tốt nghiệp các trường học nghề, cao đẳng hoặc trung cấp rất khó khăn. Đây cũng là một nguyên nhân làm gia tăng tội phạm tuổi teen. Vấn đề thiết yếu của thanh niên hiện nay là vấn đề thu nhập và việc làm, nếu có thu nhập và việc làm thì vấn đề sẽ khác.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội

Theo nhận định của bà, lối sống của người lớn ảnh hưởng tới trẻ em trong thời buổi hiện nay như thế nào?

Khi hội nhập kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người lớn sa đà vào các tệ nạn như rượu chè, ăn chơi trác táng, cờ bạc cũng ảnh hưởng rất lớn đến lớp trẻ em. Mặt khác, tình trạng bạo lực trong gia đình đối với một bộ phận người dân có cuộc sống khó khăn vô tình dồn áp lực lên đầu những đứa trẻ. Một bộ phận trẻ em mất niềm tin vào cuộc sống, những người thân cận nhất có những hành vi không gương mẫu đối với trẻ em. Đây là những trăn trở của các bậc cha mẹ, những người có trách nhiệm với lớp trẻ trong bối cảnh tội phạm trẻ em đang có chiều hướng gia tăng.

Hơn hết, hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em đang báo động về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. Trong khi đó, tại các trường học, việc giáo dục đạo đức chưa được coi trọng, vẫn quá chú trọng vào dạy kiến thức là chủ yếu. Những giờ giáo dục công dân, giờ học hướng nghiệp trong nhà trường vẫn còn quá đơn điệu, môi trường gia đình không tốt làm cho các em sống không có lý tưởng. Xuất phát từ sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội, khó khăn về điều kiện kinh tế, nhận thức kém... dẫn đến những trường hợp đau lòng, con giết bố vì bố thường xuyên đánh mẹ.

Nhiều người cho rằng hiện nay tâm lý của trẻ em rất phức tạp. Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến điều này?

Theo tôi, internet, games bạo lực cũng một phần tạo ra diễn biến tâm lý, tác động đến những đối tượng, tạo ra cảm tưởng anh hùng trong phim ở những đứa trẻ. Chúng lầm tưởng và tạo ra sự lệch lạc giá trị sống dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, ảnh hưởng lối sống của người lớn đến trẻ con cũng hết sức quan trọng.

Đào Thị Thu Hương (tức My "sói")

Thêm nữa, sự phân tầng giàu nghèo trong xã hội cũng tác động đến tâm lí của giới trẻ. Hiện nay có một thực trạng đáng buồn là việc trẻ em vi phạm pháp luật đang gia tăng, đáng báo động. Trẻ em vừa là đối tượng gây ra những án mạng rất dã man và cũng đang là nạn nhân. Độ tuổi còn rất non nớt nhưng lại phải chịu tác động bởi những hiện tượng xô bồ, các em không chống đỡ nổi và sẽ đi theo một ngã rẽ khác mà chúng ta không quản lý nổi các em.

Để giải quyết tình trạng này, công tác quản lý cần phải làm những gì, thưa bà?

Cũng phải thừa nhận là công tác bảo vệ trẻ em đang trở nên rất đáng lo ngại. Chúng ta phải tìm được tiếng nói chung giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trước đây, Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em có tính gắn kết rất cao. Hiện nay chúng ta đã giải thể cơ quan này rồi thì chắc chắn phải có cơ chế lấy thông tin lẫn nhau từ các bộ ngành liên quan.

Nếu cứ quản lý như hiện nay thì sẽ rất khó. Bởi có thể công tác quản lý trẻ em chưa đồng bộ, ở chỗ này tốt nhưng chỗ kia lại chưa tốt. Trong khi đó, tâm lý giới trẻ thời này rất đáng lo ngại. Chính vì thế các biện pháp giáo dục của các bộ ngành cần phải hoàn thiện. Một lần nữa tôi nhấn mạnh là việc cần tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Xin cảm ơn bà!

"Không đứa trẻ nào sinh ra đã hư"

"Quá trình phạm tội của My "sói" là hệ quả của một quá trình dài chứ hoàn toàn không phải bột phát. Cướp tài sản, dụ dỗ, bắt cốc, hiếp dâm, cưỡng đoạt tài sản không phải ngẫu nhiên một đứa trẻ mới 14 tuổi mà có những hành động phạm tội như thế. Trước hết, My "sói" bị ảnh hưởng bởi gia đình, không thể đổ lỗi cho việc bị ảnh hưởng bởi truyện tranh, phim ảnh. Sự thực đó là một đứa trẻ bị tổn thương do bố mẹ bỏ nhau từ lúc nhỏ, phải sống với ông bà. Khi ông bà qua đời, My "sói" bơ vơ không nơi nương tựa, nó tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Thiếu sự chăm sóc của người lớn, nó bỏ học, tụ tập bạn bè, chơi bời thâu đêm, suốt sáng cho quên sự đời. Tất yếu dẫn đến quá trình phạm tội.

14 tuổi, My "sói" còn quá nhỏ để nhận thức về xã hội. Xã hội cũng tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực, bạo lực vẫn nhan nhản, từ chuyện cô giáo tát học sinh, rồi học sinh đánh cô giáo đến chuyện bạn bè đánh nhau... Mọi người rất thiếu kiên nhẫn và xử lý mọi mâu thuẫn bằng bạo lực. My "sói" còn ít tuổi, việc nó phạm tội phải xử lý theo pháp luật là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, ngoài tác động của xã hội, lỗi vẫn là ở phía người lớn. Nếu như không có những thay đổi khác, thì My "sói" này bị xử lý sẽ lại xuất hiện thêm những My "sói" khác và càng ngày sẽ càng nguy hiểm hơn. Không nên nhìn nhận đây là một vụ việc đơn lẻ mà nhìn nhận trong tổng thể đặc biệt là trong quan hệ với gia đình, xã hội. Lâu nay chúng ta vẫn hô hào về giáo dục con cái, nhưng con cái có lỗi có bao giờ bố mẹ bị nhắc nhở hay xử lý đâu. Không đứa trẻ nào sinh ra đã hư, nó là sản phẩm nhào nặn của xã hội".

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn

Lại Quỳnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.