Gần chục ngàn m2 đất của người dân thuộc huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã bị cuốn sâu xuống dưới lòng sông Lô vì sự lộng hành của "tập đoàn... cát tặc".
Cát tặc băm nát... sông Lô
Không thể ước tính số lượng tàu lấy cát trên khúc sông này là bao nhiêu, nhưng theo người dân địa phương, lúc "thịnh vượng" phải có đến vài chục chiếc đua nhau chở cát. Dưới lòng sông cạn kiệt, "quái vật sắt" lại lầm lì tiến vào ven bờ vét cật lực những đụn cát cuối cùng.
Ông Hoàng Văn Vượng, phó chủ tịch xã Bạch Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) phải thốt lên: "Dòng sông Lô đang bị cát tặc băm nát. Ban ngày thì dòng sông nhìn hiền hòa là vậy, nhưng tối đến, những đội quân tàu ém mình bên kia bờ sông (thuộc huyện Phù Ninh, Phú Thọ) lại rầm rộ kéo về phía bờ bên này của xã xúc cát. Việc làm này đã khiến hơn 6.000m2 đất của người dân biến mất. Dân thì mất đất, các chủ tàu lại không thể dừng khai thác vì khoản lợi nhuận kếch xù, thế là sinh ra mâu thuẫn…".
Cũng theo ông Vượng, trữ lượng cát trên dòng sông Lô dường như đã cạn kiệt, có chăng chỉ còn lại những mỏ cát nằm trên đất người dân ở hai bên bờ sông. Khi tầu vào xúc cát, sẽ sinh ra hiện tượng sạt lở đất, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng ngàn m2 đất của người dân bị "bốc hơi".
"Xã đã nhiều lần huy động lực lượng đến hiện trường để xử lý nhưng do hạn chế cả về người cũng như quyền hạn nên không thể dẹp nổi tình trạng "cát tặc". Bên cạnh đó, các đối tượng “cát tặc” rất manh động, sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả nên cũng chấp nhận bó tay", ông Vượng khẳng định.
Được biết, trên dọc tuyến đoạn qua địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi. Nhưng theo ông Hoàng Đức Sơn, trưởng phòng TN&MT huyện Sông Lô, thực tế đối tượng khai thác cát trái phép còn nhiều gấp đôi, gấp ba con số trên.
Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý 14 đối tượng với số tiền lên đến gần 250 triệu đồng, thu giữ hàng chục tàu cuốc. Thậm chí, có thời điểm, công an tỉnh phải huy động một đội quân đến vài chục người về dẹp, xong kết quả vẫn không khả quan.
Khi "cát tặc" xài hàng "nóng"
Tình hình khai thác cát trái phép trên dòng sông Lô ngày một phức tạp. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa "cát tặc" và người dân địa phương khiến cơ quan công an phải vào cuộc.
Quá trình theo dõi, nắm tình hình, cuối tháng 11/2012, cơ quan công an đã phát hiện hai tàu cuốc và nhiều tàu chở hàng với 27 đối tượng đi đang khai thác cát trái phép trên sông Lô. Khám xét trên tàu phát hiện một khẩu súng cùng hàng chục dao kiếm. Sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra đã triệu tập 12 đối tượng để tiếp tục đấu tranh.
Mở rộng vụ án, C45 (bộ Công an) đã phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện tại một điểm sông ở xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) hai đối tượng trong đường dây này là Nguyễn Tuấn Minh (SN 1984, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trịnh Xuân Giang (SN 1984, ở đường Mê Linh, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Khám xét trên người các đối tượng, công an thu giữ được ba khẩu súng trong đó có một súng bắn đạn hoa cải, một khẩu dạng bút máy và một súng col quay.
Khám xét nơi cư trú của nhóm "cát tặc", cơ quan chức năng phát hiện nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát của công ty CP Đầu tư Trường Sơn (có trụ sở tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Bước đầu, hai đối tượng khai nhận việc tàng trữ súng là để phục vụ cho công việc khai thác cát trái phép tại mỏ cát ở xã Bạch Lựu cho công ty Trường Sơn. Hiện Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (TC VI) đang chỉ đạo C45 cùng các đơn vị khác tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Khi tranh chấp vùng khai thác, các đối tượng sẵn sàng sử dụng hung khí, súng tự chế, vũ khí quân dụng, huy động đông người xông lên các tàu khảo sát, khai thác cát bao vây, uy hiếp, đe dọa.
Thậm chí chúng hành hung, cướp hoặc hủy hoại tài sản của những cá nhân, đơn vị khác đang khảo sát, khai thác cát ở đây.
Có lần, các đối tượng còn dùng súng bắn vào người dân địa phương nếu họ muốn ngăn cản quá trình khai thác cát trái phép của chúng.
Trong khi đó, sự phối hợp của công an các địa phương chưa đồng bộ nên rất khó để triệt phá các ổ nhóm này, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép cùng hoạt động tội phạm bảo kê ngày càng trắng trợn, manh động hơn.
Có hay không sự bảo kê?
Quay trở lại với khúc sông nằm trên địa bàn xã Bạch Lựu sau chuyên án lập lại kỷ cương trên địa bàn tuyến sông Lô của bộ Công an. Biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc vì sự lộng hành của bọn "cát tặc" suốt thời gian dài mà chính quyền địa phương không thể dẹp nổi, phải nhờ đến sự ra tay của bộ Công an tình hình mới yên trở lại. Nhiều người bày tỏ nghi hoặc đến việc đã có sự bảo kê cho những đối tượng này.
Đơn cử như trường hợp những đối tượng có vũ khí mới bị bắt cuối tháng 11 vừa qua, theo tìm hiểu của chúng tôi, những đối tượng này không phải ngẫu nhiên xuất hiện khai thác cát trái phép. Trước đó, việc làm này đã được doanh nghiệp khác có tên công ty CP Trường Sơn đứng ra "bật đèn xanh" để thực hiện.
Mặc dù không được phép khai thác cát, sỏi nơi trên địa bàn xã Bạch Lựu và Hải Lựu, nhưng công ty CP Trường Sơn lại tự cho mình cái quyền thành lập "Ban quản lý khai thác mỏ cát, sỏi" nơi đây và giao cho những đối tượng bị bắt ở trên giữ chức danh "quản lý".
Nhận quyết định, các đối tượng này trang bị "hàng nóng" đưa quân vào khai thác trái phép, thực chất chiếm mỏ của doanh nghiệp đang hoạt động. Hành vi này đã diễn ra trong một thời gian dài mà không hề bị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc... "sờ gáy".
Sau khi sự việc được bộ Công an vào cuộc dẹp loạn, lúc này, các ban ngành của tỉnh Vĩnh Phúc mới tá hỏa vào cuộc xử lý cán bộ. Kết quả là 2 chiến sĩ công an huyện Sông Lô bị đình chỉ công tác, trong khi cơ quan quản lý trực tiếp về khoáng sản trên địa bàn là UBND huyện Sông Lô lại "bình an vô sự".
Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Văn Vượng, phó chủ tịch UBND xã Bạch Lựu xin "khất", còn ông Nguyễn Trần Hanh, trưởng công an huyện Sông Lô thì cho rằng, mình mới về nhậm chức nên chưa nắm hết tình hình. Trong khi đó, ông Dương Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Sông Lô thì khẳng định "đã làm hết chức năng, thẩm quyền và chưa nhận thấy trách nhiệm"???
Đã xảy ra hàng chục vụ phạm pháp hình sự gây mất trật tự trị an Đại diện C45 cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, dọc tuyến sông Lô chạy qua các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc xảy ra hàng chục vụ phạm pháp hình sự gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Cơ quan điều tra phát hiện, dọc tuyến sông Lô có hàng chục đơn vị, cá nhân tham gia khai thác cát, sỏi. Trong đó, chỉ có một số đơn vị được cấp phép. Từ đó, xảy ra tranh chấp trong quá trình khai thác cát sỏi trái phép diễn ra gay gắt thường xuyên. Một số công ty, tổ chức, cá nhân đã thuê các băng nhóm "xã hội đen" ở những địa bàn khác đến bảo kê cho hoạt động khai thác cát. Trong đó, những vụ tranh chấp nổi lên ở khu vực giáp ranh giữa huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). |
Trần Quyết