“Cát tặc” hoành hành gây bức xúc dư luận ở nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra cho sự tồn tại của sai phạm này là có sự “bảo kê”. Không chỉ “cát tặc”, cách đây ít ngày, lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Bình đã ập vào bắt quả tang 4 thanh tra giao thông thuộc sở GTVT để làm rõ hành vi nhận tiền “bảo kê” xe quá tải. Thêm một ví dụ cho thấy, vấn nạn bảo kê đang khiến các vi phạm ngang nhiên tồn tại bất chấp quyết tâm của nhiều bộ, ngành.
Trước hiện tượng "bảo kê" trong một số lĩnh vực, ĐB Cao Đình Thưởng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, đạo đức công vụ của nhiều cán bộ đang xuống cấp. Hiện tượng “bảo kê”, dung túng sai phạm, hành động đó suy cho cùng là quan hệ lợi ích, “sân sau”. Đó là “cục máu đông” trong vận hành xã hội.
Theo ông Thưởng, hiện tượng "bảo kê" nó cản trở ghê gớm, là nguyên nhân của tham nhũng, phá nát kỷ cương xã hội. "Trên thực tế, không một hoạt động kinh doanh, hành vi xã hội nào không có những hiện tượng “bảo kê” đằng sau. Từ quán bia vỉa hè, “cát tặc”, xe quá tải... đều thấp thoáng bóng dáng hoạt động “bảo kê”. Thậm chí, vừa rồi chúng còn dọa cả lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Chứng tỏ đằng sau các hoạt động kinh doanh đều có lực lượng đứng sau bao che cho sai phạm, nói cho đến cùng đó cũng là biểu hiện của chung chi. Tôi bảo vệ, làm lơ cho anh, anh phải chung chi", ông Thưởng nhấn mạnh.
“Việc ngăn chặn "bảo kê" là không dễ. Nó buộc các cơ quan có sự vào cuộc đồng bộ, giải quyết từ gốc vấn đề, làm sao ngăn chặn quan hệ lợi ích này. Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi này bằng cách hoàn thiện pháp luật hơn nữa. Việc giáo dục, quản lý công chức, đạo đức công vụ phải nghiêm hơn. Đặc biệt, nếu có sai phạm phải xử lý làm gương, thải loại ra khỏi bộ máy Nhà nước, phải nghiêm trị.
Tôi có theo dõi nhiều vụ nhưng việc xử lý chưa hiệu quả khiến chúng ta thấy nó có vẻ phổ biến trong xã hội. Cái ác lên ngôi mà không được ngăn chặn kịp thời sẽ đẩy lùi cái thiện làm xã hội nghi ngờ. Hình ảnh của cán bộ công chức, bộ máy công quyền méo mó đi. Việc này khó nhưng phải làm, làm có trình tự, làm điểm một vài vụ thì cũng không hết được. Tất cả các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, bản thân người thực thi công vụ phải nghiêm chỉnh thực thi pháp luật và phải vào cuộc”, ĐB Thưởng nói.
Đỗ Thơm (thực hiện)