Theo bà Mai, hiện nay nguồn kinh phí dành cho các trường học vẫn còn hạn chế, nên việc đầu tư xây dựng hệ thống an ninh trường học là cả một vấn đề. Mặt khác là tổ chức của từng cơ sở giáo dục, có những nơi nhà trường rất bám sát tình trạng học sinh nhưng cũng có nơi thì không. Vai trò của người hiệu trưởng đặc biệt quan trọng, nếu hiệu trưởng không có sự quan tâm chặt chẽ thì việc thiếu an toàn cho học sinh hoàn toàn có thể xảy ra. Kế nữa phải kể đến năng lực sư phạm của từng giáo viên.
Vụ việc cô giáo ở trường mầm non Nụ Cười, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh tự ý cho trẻ uống thuốc ngủ là một trường hợp hiếm hoi bị phát hiện. Tuy nhiên cũng không thể nói là cô giáo có ác ý với học sinh mà chỉ có thể đặt ra vấn đề cô chưa nhận thức đủ về tác động của thuốc đối với học sinh, chỉ nghĩ đơn giản là thuốc siro chẳng hạn. Sự thiếu nhận thức này đôi khi sẽ gây ra những tác động tai hại mà bản thân các cô không lường trước được. Cho nên, với hệ thống giáo dục mầm non, chất lượng giáo viên đang là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý vì không phải giáo viên nào cũng đạt chuẩn.
Luật sư Phạm Thị Loan, đoàn luật sư tỉnh Bình Dương.
Theo bà Mai, tình trạng bạo lực học sinh không phải là bây giờ mới xảy ra, từ trước đến nay đã tồn tại, tuy nhiên cho đến thời điểm gần đây thì trở nên đáng phải lo ngại. Vấn đề này, viện Khoa học Giáo dục đã có đề tài nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu các nguyên nhân. Khi được hỏi thì tất cả các đối tượng đều cho rằng quản lý gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó là việc quản lý Nhà nước trên các phương tiện truyền thông như internet, tranh ảnh, tạp chí,... các sản phẩm văn hoá, truyền thông chưa được quản lý, chọn lọc kỹ cũng sẽ mang yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng tới tâm sinh lý học sinh. Đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng tiếp thu các tác động từ bên ngoài, thêm nữa là tâm lý bồng bột của tuổi mới lớn, chưa lường hết được những tác hại của việc mình làm.
Nhà trường sẽ chỉ chịu trách nhiệm dân sự?
Khi được hỏi về trách nhiệm hình sự của nhà trường xung quanh những vụ việc đau lòng như vụ em bé lớp 3 bị kẻ xấu lẻn vào trường xâm hại, vụ nổ mìn khiến tám cháu bé thương vong kể trên, luật sư Phạm Thị Loan, đoàn luật sư Bình Dương cho biết: Về trách nhiệm của nhà trường, cũng đã có những quy định cụ thể với sự an toàn của học sinh. Khi phụ huynh giao con cho nhà trường thì nhà trường phải có các biện pháp bảo vệ các cháu trước những tác động xấu từ bên ngoài, cụ thể cho từng lứa tuổi nhất định. Khi có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra, việc phối hợp của nhà trường với phụ huynh học sinh để đưa đối tượng phạm tội ra trước ánh sáng là cần thiết chứ không nên để "chìm xuồng". Nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước những vụ việc này còn trách nhiệm tới đâu thì đã có những quy định của pháp luật rõ ràng về an ninh học đường. Ví dụ như vụ em bé lớp 3 bị xâm hại, ngay sau khi vụ việc xảy ra, trách nhiệm của nhà trường là phải cùng với gia đình, lập biên bản, đưa em bé đi khám để cơ quan công an có căn cứ khởi tố vụ việc. Sau đó mới tính đến việc truy cứu trách nhiệm trong nhà trường.
Đỗ Huệ- Minh Khánh