Bí mật đóng tàu ngầm hạt nhân?
Thông tin trên được tờ báo Nhật Sekai Nippo dẫn lại từ một nguồn thạo tin vô danh, nhưng “đã được xác nhận”. Theo đó, Triều Tiên đang đóng tàu ngầm hạt nhân và đó có thể là bước tiến lớn của hải quân Bình Nhưỡng, lực lượng đang sở hữu một hạm đội có khoảng 50 đến 60 tàu ngầm điện – diesel.
Dù tàu ngầm hạt nhân khó đóng và đắt hơn nhiều lần so với việc sản xuất một tàu điện – diesel thông thường, nhưng chúng sở hữu tốc độ lớn hơn, sức mạnh cũng vượt trội hơn và quan trọng là di chuyển linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, tàu ngầm hạt nhân có tầm hoạt động lớn hơn, có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian dài hơn, mà không cần nổi lên để tiếp nhiên liệu.
Tàu ngầm hạt nhân thường được trang bị tên lửa đạn đạo. Chúng có khả năng giúp tăng cường sức phóng, cũng như phóng âm thầm, nhẹ nhàng hơn so với với phương thức phóng từ hầm phóng trên mặt đất.
Giới phân tích nghi ngờ Triều Tiên phát triển tàu ngầm hạt nhân là vì lý do này. Bình Nhưỡng đã liên tục thúc đẩy chương trình tên lửa trong những năm vừa qua.
Đối với hải quân Mỹ, tàu ngầm hạt nhân là một trong ba nhân tố hình thành nên sức mạnh răn đe hạt nhân chủ lực giúp Washington đối phó với những cuộc tấn công bất thình lình từ phía các đối thủ.
Kể từ năm 2014, Triều Tiên đã thử ít nhất 6 lần Pukguksong-1, loại tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Một quả tên lửa Pukguksong-1 có thể được gắn tên tàu ngầm hạt nhân và nếu di chuyển vào vùng biển quốc tế, nó có thể được phóng ra mà khó có loại vũ khí nào có khả năng đánh chặn.
Theo giả thuyết, Pukguksong-1 cũng có thể mang theo được đầu đạn hạt nhân loại nhỏ.
Quân đội Mỹ đã theo dõi chặt chẽ mọi động thái của hải quân Triều Tiên sau khi Washington nghi ngờ về đợt thử tên lửa Pukguksong-1 hồi tháng Tám.
Trước đó, vào tháng Năm, nhóm nghiên cứu về Triều Tiên mang tên 38 North công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy một địa điểm từ SLBM ở Nampo.
Trừng phạt có tác dụng với Triều Tiên?
Trong khi Mỹ và các lực lượng đồng minh liên tục gây sức ép quân sự và kinh tế với Triều Tiên thì Bình Nhưỡng cũng không có dấu hiệu sẽ ngừng lại chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
“Những động thái của Mỹ và các lực lượng thân cận nhằm áp đặt cấm vận, gây áp lực với Triều Tiên sẽ chỉ làm tăng tốc độ hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia của Triều Tiên”, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua 18/9 tuyên bố.
Nhận xét về những lệnh cấm vận mới của Mỹ và Liên Hợp Quốc, nhà phân tích chính trị người Nga Andrei Manoylo nói với tờ Sputnik:
“Trừng phạt trên thực tế rất vô tác dụng, đặc biệt với trường hợp của Triều Tiên, bởi họ có khả năng độc lập. Mỹ yêu cầu thắt chặt việc cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng, nhưng mặt hàng này có thể được vận chuyển theo những con đường khác. Triều Tiên có nhiều đối tác luôn duy trì những mối quan hệ không chính thức. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng năm nay cũng đã vượt qua Hàn Quốc về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Do vậy họ sẽ đối mặt với những lệnh trừng phạt một cách dễ dàng”.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích, tăng áp lực lên Bình Nhưỡng còn gây phản tác dụng bởi chúng làm “cực đoan hóa” lập trường của giới chức Triều Tiên.
Sau cùng, nếu các đối thủ dồn họ vào góc tường thì Triều Tiên sẽ bắt đầu tìm cách bán công nghệ tên lửa. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả những vụ thử đã đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Guam. Một quốc gia khi bị dồn vào thế đường cùng sẽ rất khó lường.
"Triều Tiên nên được tạo điều kiện để hợp tác, họ nên được đưa vào các tổ chức khác nhau để tuân thủ các quy định của quốc tế. Bởi vì không có quan hệ và luật lệ, Triều Tiên sẽ hoàn toàn có khả năng tự do lựa chọn theo ý muốn của họ”, nhà phân tích Manoylo cảnh báo.
Xem thêm: Syria: Chiến trường Deir ez-Zor lộ rõ "tử huyệt" của Mỹ tại Trung Đông
D.T