Cũng bị cho là "có đủ căn cứ buộc tội này" còn có Nguyễn Đức Đông Anh (23 tuổi, em vợ Hoàng Khương), Trần Minh Hòa (21 tuổi), Trần Anh Tuấn (46 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Phong). Ngoài ra, Huỳnh Minh Đức (nguyên thượng úy đội CSGT - PƯN quận Bình Thạnh) cũng bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ; Tôn Thất Hòa (nguyên giám đốc DNTN Duy Nguyên) tội môi giới hối lộ.
Theo kết luận điều tra, ông Khương cùng Đông Anh, Trần Minh Hòa có mối quan hệ gia đình và thân thiết với nhau. Trước đó, ông Hoàng Khương bị cho là đã từng can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông của 2 người này. Khi được Hòa thông qua cậu em vợ nhờ lấy chiếc xe đi “bão đêm” bị tạm giữ mà không cần phải làm bản kiểm điểm tại địa phương theo qui định, ông Khương đã đồng ý.
Công an TP HCM cho rằng, nắm được quan hệ tiêu cực giữa Tôn Thất Hòa với trung úy Đức trong việc giải quyết trả xe vi phạm giao thông trái phép cho Trần Anh Tuấn, ông Khương đã kêu Hòa (giả danh là Hoàng) chủ động nhờ vả. Sau đó nhà báo này đã trực tiếp đưa 15 triệu đồng cho trung úy Đức. Đây là số tiền Trần Minh Hòa giao cho Đông Anh nhờ Hoàng Khương lấy xe.
"Những bị can này đều biết rõ việc đưa tiền nhờ vả lấy xe vi phạm giao thông khi không đủ hồ sơ thủ tục là trái pháp luật nên đã sử dụng tên giả và bàn nhau cách khai gian đối phó", bản kết luận nêu.
Cơ quan điều tra còn xác định ông Khương cố ý thực hiện hành vi đến cùng, xúi giục Trần Minh Hòa tẩu tán xe và tiếp tục đòi lại giấy tờ xe, "hành động này xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí và đã vi phạm pháp luật".
Đối với Huỳnh Minh Đức, nhà chức trách kết luận, là CSGT công tác tại Công an quận Bình Thạnh nhưng đã vi phạm nguyên tắc, quy trình công tác trong giải quyết vi phạm giao thông. Người này đã thông qua Tôn Thất Hòa nhận tiền hối lộ tổng cộng 18 triệu đồng (3 triệu đồng của Trần Anh Tuấn và 15 triệu đồng của Hoàng Khương) để giải quyết trả xe vi phạm mà chưa được phép của của lãnh đạo có thẩm quyền.
Còn Tôn Thất Hòa bị cho là muốn được làm quen và có thế lực với CSGT để tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải, người này đã cùng nhà báo Hoàng Khương "chủ động gợi ý, nhờ vả, đưa hối lộ" cho trung úy Đức số tiền 15 triệu đồng để giải cứu xe vi phạm.
Ông Lê Xuân Trung, Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ cho rằng, bản kết luận điều tra của Công an TP HCM "chưa đủ sức thuyết phục vì thiếu căn cứ pháp lý và thực tế". Trong quá trình công an điều tra, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã chuyển một số tài liệu là bản đề cương về tuyến bài thuộc đề tài “Chặn đứng thảm họa giao thông” do phóng viên Hoàng Khương thực hiện. Vì muốn viết bài và phải là người chứng kiến nên ông Khương đã thực hiện những việc mà cơ quan điều tra cho rằng đã vi phạm pháp luật.
“Không có Hoàng Khương thì việc đưa, nhận hối lộ vẫn diễn ra vì thực tế trước đó CSGT này đã từng nhận tiền. Nếu Hoàng Khương vì mục đích cá nhân thì tại sao lại viết bài đăng báo? Đây cũng được xác định là một kênh tố giác tội phạm và thực tế là sau bài báo, công an đã khởi tố vụ án để điều tra. Vi phạm của Khương chỉ là tai nạn nghề nghiệp”, ông Trung khẳng định.
Theo ông Trung, trong công việc, Hoàng Khương là một phóng viên năng nổ, dám dấn thân và thực hiện được nhiều bài viết tốt. Anh cũng nhiều lần được tòa soạn khen thưởng. Sau khi xảy ra vụ việc, Báo Tuổi Trẻ cũng đã từng lập tổ công tác để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Hoàng Khương.
"Nhưng chúng tôi khẳng định không có cơ sở đánh giá Hoàng Khương có vấn đề xấu về đạo đức hay lối sống. Sắp tới Ban biên tập báo Tuổi Trẻ sẽ có văn bản gửi cơ quan điều tra đề nghị xem lại tội danh đối với Khương và Nguyễn Đức Đông Anh", ông Trung nhấn mạnh.
Theo VnExpress.net.
(Tựa đề do TS đặt lại)