Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, trong bức tranh muôn màu của nông thôn mới lại có những mảng tối khiến cho bức tranh đó không còn toàn mỹ như ta tưởng. Những mảng tối đó là thực trạng “vung tay quá trán” rồi sau đó “nợ như chúa chổm” của những vùng "nông thôn mới".
Tháng 6 vừa qua, dư luận được một phen ngỡ ngàng khi báo chí phanh phui “thành tích” xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
“Thành tích” ấy gắn liền với tên tuổi ông Trần Hoàng Duyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long. Ông đã kí duyệt thi công hàng loạt công trình. Thậm chí có dự án đang làm dở dang vì hết vốn nhưng các dự án mới vẫn được chỉ đạo khởi công ồ ạt. Không những vậy, việc “thăn”, “rút” công trình cũng được ông áp dụng triệt để trong những dự án này.
Tại Hội nghị ngày 10/6, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của ông Trần Hoàng Duyên. Tuy nhiên, hình thức kỉ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ấy có vẻ như chẳng làm dân chúng thỏa mãn. Dư luận liên tục đặt ra câu hỏi: Phải chăng phương thuốc “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan chức năng chẳng đủ liều để trị dứt căn bệnh “vung tay quá trán”?
Mới đây, hiện trạng xây dựng nông thôn mới lại tiếp tục hâm nóng nghị trường khi nhiều đại biểu quốc hội lên tiếng về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đã chỉ ra tình trạng “đắp chiếu” của nhiều trang thiết bị hiện đại hàng trăm triệu đồng ở các trạm y tế xã. Hay việc triển khai xây dựng nhà văn hóa, nhà thi đấu tiền tỷ hàng loạt rồi ngay sau đó lại đóng cửa im lìm vì không có nhu cầu sử dụng. Thật rất lãng phí!
Trong báo cáo việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 19,7%). Đi kèm với đó là một thông tin gây sốc: 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền hơn 15.200 tỉ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán.
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Nhưng khi áp dụng xuống các địa phương đã phần nào bị “biến tướng”. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ưu tiên nguồn lực đầu tư hỗ trợ các làng nghề, tạo việc làm, xây dựng đời sống văn hóa…, nhiều địa phương đã “vô tình” chạy theo thành tích thay đổi bộ mặt nông thôn với nhiều công trình, dự án một cách "rỗng tuếch".
Và rõ ràng, căn bệnh thành tích đó đã đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới vào vòng luẩn quẩn “nghèo – xây dựng – nợ nần – nghèo”.
Đâu phải nhà văn hóa to, trụ sở hành chính đẹp mới là “Nông thôn mới”. Đâu phải cứ đường, trường, trạm khang trang là “Nông thôn mới”. Mục đích cốt lõi mà phong trào xây dựng Nông thôn mới hướng đến chính là ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững của người dân.
Có lẽ câu nói của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: “Ở một số địa phương, biển hiệu, khẩu hiệu xây dựng nông thôn mới cứ san sát, đúng là ta nhất thế giới về biển hiệu” khiến chúng ta phải trăn trở rất nhiều về căn bệnh chạy theo thành tích của mình.
Nguyễn Ngọc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả