Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó, ngày 23/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Văn Hải (SN 1956, trú ở Tập thể Nhà máy rượu, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu Giám đốc Công ty cồn rượu Hà Nội (Halico) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281-BLHS và đồng phạm đã được mở lại tại TAND TP. Hà Nội.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Kim Hạnh (SN 1973, trú tại Tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, cùng quận Hai Bà Trưng) – cựu Phó đội trưởng một đội nghiệp vụ, thuộc Chi cục Hải quan Hà Nội cũng bị cáo buộc phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, Hoàng Văn Xưởng (SN 1971) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân; Đinh Thị Minh Hoa (SN 1974, vợ Xưởng); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1980) – cựu chuyên viên Phòng phát triển thị trường của Halico và Nguyễn Thị Thủy (SN 1977) – nhân viên Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cùng bị truy tố về tội “Trốn thuế”, theo khoản 3, Điều 161-BLHS.
Theo truy tố, Công ty CP cồn rượu Hà Nội có 54% vốn Nhà nước. Từ cuối năm 2006 đến tháng 3/2014, Hồ Văn Hải được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Halico, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Năm 2008, vợ chồng Hoàng Văn Xưởng thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (gọi tắt là Công ty Hoàng Lân) với ngành nghề kinh doanh chính là rượu, bia và nước giải khát và nảy sinh ý định mua rượu xuất khẩu bán trong nước, trốn thuế kiếm lời và đã liên hệ với Hồ Văn Hải cho Cty Hoàng Lân làm trung gian xuất khẩu rượu sang Lào.
Hồ Văn Hải đã đồng ý và giao Nguyễn Thị Quỳnh Trang – nhân viên Phòng phát triển thị trường của Halico phối hợp Cty Hoàng Lân làm thủ tục ký HĐ và tổ chức thực hiện các đơn hàng mua bán rượu xuất khẩu.
Cụ thể, ngày 28/11/2008, Công ty Hoàng Lân ký hợp đồng rượu xuất khẩu đầu tiên với Halico. Trên cơ sở ấy, từ ngày 17/12 đến 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho đối tác 5.070 thùng rượu Vodka để xuất khẩu sang Lào. Thế nhưng, vợ chồng Xưởng không đưa rượu qua bên kia biên giới mà tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Năm 2009, Halico tiếp tục giao kết hợp đồng với Công ty Hoàng Lân tổng cộng 22.420 thùng rượu Vodka. Cũng như lần trước, toàn bộ số rượu xuất khẩu này chỉ “để dành” để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn giá bình thường.
Sự việc này chỉ dừng lại khi bị một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối. Thế nhưng vì lợi nhuận, ít lâu sau Halico đã móc nối lại công việc làm ăn với công ty Hoàng Lân.
Để việc làm ăn bất chính được thuận lợi, vợ chồng Xưởng bàn bạc và thỏa thuận ăn chia với một số cán bộ của Halico, trong đó có Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Mặt khác, thông qua Nguyễn Thị Thúy, Xưởng kết nối với Nguyễn Thị Kim Hạnh và cựu cán bộ hải quan này nhanh chóng trở thành người chuyên hoàn thiện thủ tục xuất khẩu rượu “ảo” sang Lào.
Ngoài việc gian dối xuất khẩu rượu “ảo” sang Lào, vợ chồng Xưởng còn đưa hơn 22.000 thùng bia lon Hà Nội sang nước láng giềng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên hợp đồng, chứng từ và giấy tờ hải quan. Bởi thực tế, hàng vạn thùng bia lon đã được chủ doanh nghiệp tư nhân giải phóng hết ngay tại thị trường nội địa.
Quá trình điều tra cho thấy, với sự tiếp tay của cựu giám đốc cùng nhân viên Halico và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, thuộc Tổng công ty CP Rượu – Bia – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), vợ chồng Hoàng Văn Xưởng đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 13 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước, trong đó chủ yếu là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sau hơn một ngày làm việc tập trung tại tòa, trong quá trình thẩm vấn xét thấy, ngoài nội dung vụ án như trên thì một số lời khai còn thể hiện việc trước khi quyết định ký kết các hợp đồng xuất khẩu rượu sang Lào với Công ty Hoàng Lân, bị cáo Hải còn nhận được sự tham mưu và đề xuất từ cấp dưới. Trong đó có ông Nguyễn Hồng Tiến – Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường của Công ty Halico. Do đó, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để làm rõ căn cứ nên trên.
Yến Nhi