Bất ngờ từ thâm cung Thái Y Viện

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Dưới triều đại nhà Thanh, Thái y viện trong hậu cung là nơi chăm sóc sức khỏe cho những nhân vật hoàng gia như hoàng đế và người nhà như hoàng hậu, phi tần, cung nữ, a ca và cách cách (hoàng tử, công chúa)...

Ngày nay, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều bệnh án của những bậc tôn quý trải qua hàng trăm năm triều đại nhà Thanh. Trong đó có những bệnh án chưa từng được công bố, cũng có những bệnh án với tư liệu phong phú...

Thái giám được “sủng ái” hơn vua

Thái giám Lý Liên Anh (hàng đầu bên phải) và Từ Hy Thái Hậu (người ngồi kiệu)

Trong những tài liệu còn ghi lại, trước đây do quá bận rộn với công việc nên Từ Hy Thái Hậu (người nắm quyền lực lớn nhất của nhà Thanh cuối thế kỷ 19) thường hay mắc chứng đau đầu. Rất nhiều bài thuốc quý của các ngự y có tiếng trong triều vẫn không làm căn bệnh này của bà thuyên giảm. Lúc đó, Lý Liên Anh- một quan thái giám rất được Từ Hy ân sủng đã lặn lội đến các kỹ viện có tiếng tại kinh thành để học một thao tác chải đầu có tên là: Ngọc trâm. Sau khi thành thạo kỹ năng này từ các kỹ nữ, Lý Liên Anh đã về cung và chải đầu cho Từ Hy. Kết quả là căn bệnh đau đầu của Từ Hy đỡ hơn nhiều. Vì thế về sau, Lý Liên Anh càng được Từ Hy tin cẩn.

Độ tin cẩn và sủng ái quá mức của Từ Hy Thái Hậu dành cho thái giám Lý Liên Anh cũng được Thái y viện chép lại. Những tài liệu này ghi rằng, khi mắc bệnh, Lý Liên Anh cũng được vào Thái y viện để thăm khám bệnh - giống như bậc tôn quý của hoàng gia. Không những thế, Từ Hy còn thường xuyên tặng thuốc bổ cho quan thái giám này. Theo thống kê, trong vòng chưa đầy hai năm, Từ Hy đã tặng cho Lý Liên Anh 251 lần thuốc quý, bình quân mỗi tháng tặng 11 lần. Đến ngay cả vua Quang Tự- người đứng đầu đế chế Trung Hoa khi đó cũng không được Từ Hy quan tâm như vậy.

Xuất thân từ kép hát, đẹp trai, hát hay, được Từ Hy sủng ái, nên những phương thuốc mà Từ Hy trao tặng cho Lý Liên Anh cũng toàn là cao lương mỹ vỵ. Những nguyên liệu chủ yếu trong những món quà này thường là nhân sâm, đẳng sâm cùng nhiều phương thuốc quý khác.

Không chỉ được sủng ái bởi những phương thuốc quý, đến cả những món ăn được cho là “dị kỳ bậc nhất” của Từ Hy, Lý Liên Anh cũng cùng được hưởng thụ. Năm 1874, trong bữa tiệc linh đình chiêu đãi đoàn sứ thần các quốc gia phương Tây, Lý Liên Anh cùng Từ Hy đã lên thực đơn cho buổi yến tiệc được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Trong bữa tiệc này, các sứ thần đã có được một bữa tiệc nhớ đời khi được Từ Hy chiêu đãi 7 món ăn thuộc loại "dị kỳ bậc nhất” nhưng rất quý hiếm và tốt cho sức khỏe.

Bệnh gan trong "quả phụ viện"

7 món ăn "dị kỳ bậc nhất” đãi sứ thần phương Tây

Sâm thử là chuột nuôi bằng sâm. Đây là những con chuột bao tử được lấy từ thế hệ thứ 3 chỉ nuôi bằng sâm hảo hạng và uống nước suối. Theo Đông y, món ăn này có thể cải lão hoàn đồng, bổ thận tráng dương cho những người sử dụng. Não hầu là óc khỉ - loại thuốc có thể chữa được bệnh loạn óc, tê liệt và bán thân bất toại. Tượng tinh là tinh khí của voi, đây là phương thuốc quý có thể bồi bổ cho lục phủ ngũ tạng, tỳ vị thêm mạnh mẽ, đồng thời trị dứt các chứng nhức mỏi và làm sáng mắt. Trư vương là một giống lợn quí, lúc đem ra thết đãi thịt lợn rất thơm ngon, xương lại mềm rục. Nhiều thực khách ưa thích món thịt lợn này vô cùng, họ nhắc mãi về sau này trong các hồi ký, ký sự. Sơn dương trùng là loại dê núi nuôi bằng đông trùng hạ thảo, có thể trị các bệnh bán thân bất toại, tê liệt và lao phổi. Phương chi thảo là cỏ phương chi, khi ăn vào làm cơ thể mát mẻ đồng thời trị các bệnh liên quan đến thần kinh. Khi thực khách ăn xong phương chi thảo cảm thấy tinh thần vô cùng sảng khoái, cả tháng sau không khát nước và cũng không mệt. Cuối cùng là trứng công - một món ăn thuộc hàng trân vị cao sang.

Trong Đông y, khi con người ta thường xuyên sống trong trạng thái u uất, buồn thảm, thường xuyên mất ngủ sẽ rất dễ sinh ra các căn bệnh liên quan đến gan và dạ dày. Đây chính là nguyên nhân khiến các cung tần mỹ nữ trong hậu cung mắc bệnh gan cao đột biến.

Thường các vị hoàng đế Trung Quốc yểu mệnh do hoang dâm vô độ hoặc sức khỏe vốn yếu ớt lại phải gánh nhiều trọng trách nặng nề của đất nước. Vì thế, khi nhiều vị hoàng đế đã băng hà, cung tần mỹ nữ của họ vẫn còn “tồn kho” rất nhiều, đa phần trong số đó tuổi đời rất trẻ. Có những phi tần, cung nữ khi hoàng đế mất cũng chỉ bước vào lứa tuổi 18, 20. Tuy nhiên theo quy định của hoàng cung, cuộc đời sau này của họ sẽ chỉ sống để thờ chồng mà không được phép lấy chồng khác. Vì thế, sau khi hoàng đế mất, những phi tần, cung nữ thường bị đẩy vào những cung cấm chỉ dành cho gái quả phụ như: Từ Ninh cung, Thọ An cung hoặc Thọ Khang cung.

Đối với những người tuổi xuân còn phơi phới và căng tràn nhựa sống như những cô gái trên lại bị đẩy vào chốn lãnh cung sống để thờ chồng. Nơi lãnh cung họ phải sống lặng lẽ, cô quả như những nữ tu hành nên gọi đó là những “quả phụ viện”. Họ cả ngày chỉ ra ra vào vào, hết đọc sách rồi lại ngâm thơ, hoặc ngắm trăng thưởng nguyệt với những... cô hầu gái và thái giám. Vì thế, tâm trạng của những phi tần, cung nữ này thường u uất, chán nản, tuyệt vọng, mất ngủ triền miên dẫn đến nhiều căn bệnh, kỷ lục là bệnh gan.

Cách cách và "bệnh tương tư"

Từ Hy Thái Hậu

Khi lật giở những bí mật về bệnh án của những cách cách- con gái của hoàng đế, người ta thấy một hiện tượng khá lạ lùng: Rất ít cách cách có con, và đa phần trong số họ đều chết bởi một nguyên nhân: “Mắc bệnh tương tư”.

Một sự thực khá bất ngờ là khi đến tuổi kết hôn, các cách cách đều được hoàng đế nhắm cho một đám thuộc dòng dõi quý tộc nào đó. Tuy nhiên, phò mã chỉ được nằm ở phía ngoài nhà, nếu cách cách không cho vào thì cũng không thể tiến hành động phòng hoa chúc.

Nếu cách cách thực sự muốn có một đêm mặn nồng với phò mã thì chi phí để hối lộ cho vú em và các quan thái giám cũng lên tới con số rất lớn. Còn nếu như cách cách không chịu xòe tiền cho những người có nhiệm vụ “bảo vệ sự an toàn và tư cách” cho nàng thì mặc dù có chỉ thị nhưng những vú em và quan thái giám này sẽ tìm mọi cách ngăn trở cơ hội gặp gỡ giữa cách cách và phò mã.

Hơn nữa, do sống trong cung cấm từ bé, tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” đã ăn sâu vào trí óc của những cách cách này. Vì thế họ hay tỏ ra xấu hổ và e dè khi đề cập đến quan hệ nam nữ, bởi theo họ đó là một việc làm xấu xa. Vì thế, rất nhiều cách cách mặc dù mang tiếng có chồng nhưng cả đời số lần “gần gũi” chồng đếm trên đầu ngón tay. Và như thế, họ ít có cơ hội để có một đứa con cho riêng mình. Đồng thời, do thường xuyên phải sống trong nỗi cô đơn nên những vị cách cách này đa phần mắc phải chứng "tương tư" vì thiếu đàn ông- mặc dù trên danh nghĩa là họ có một người chồng.

Thủy Bình (Theo Hoàn cầu)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.