Giăng bẫy "câu" học viên
Khu vực đường Trần Quốc Hoàn mấy năm trước đây chỉ có bốn 4 trung tâm tiếng Anh hoạt động, nhưng hiện nay, chỉ trên đoạn đường dài hơn 1km đã có gần 10 trung tâm tiếng Anh liên tục chiêu sinh. Các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm nhưng lại không có sự quản lý rõ ràng từ các cơ quan chức năng và luôn nhập nhèm trong việc chiêu sinh. Không ai khác, chính sinh viên là nạn nhân của nhiều trung tâm tiếng Anh "ma" đang hoạt động dưới danh nghĩa trường đại học Ngoại ngữ.
Theo quan sát của PV, trước cổng trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội có gần 10 chiếc bàn được kê sát. Trên mặt bàn bày la liệt giấy tờ, từ tờ rơi chiêu sinh khai giảng, sổ biên lai cho đến sổ ghi chép thông tin về học viên. Bên mép bàn, một tấm biển được in đậm dòng chữ: "Tuyển sinh ngoại ngữ, tin học, tổ chức thi cấp chứng chỉ, luyện thi đại học". Điều lạ rằng, những "suất" ki ốt di động này không phải người bình thường nào cũng có thể ngồi được vào vị trí đắc địa đó. Họ hầu hết là người dân gần khu vực, những nhân công từng có thời gian lao động hoặc quan hệ thân thiết với người trông giữ xe tại trường. Các chủ ki ốt "chợ đen" là nơi cung cấp "nguồn hàng" cho các Trung tâm Ngoại ngữ Viet - Edu 1, trung tâm Ngoại ngữ - tin học 12A7… nằm gần khu vực trường đại học Ngoại ngữ.
Chứng chỉ được bày bán công khai, nhưng PV đưa máy chụp thì nhân viên che phủ
Trong vai một sinh viên có nhu cầu theo học một lớp tiếng Anh và tin học trình độ B, tôi đến trước cổng trường đại học Ngoại ngữ để tìm nơi đăng ký. Tại đây, tôi được nghe nhiều lời giới thiệu chèo kéo đường mật của những người đang ngồi tại phía bàn ki ốt. Tôi dừng lại tại bàn hiện có 4-5 sinh viên đang nộp học phí để theo học chương trình đăng ký thì được một cô gái đon đả mời chào các khóa học sắp khai giảng. "Cò mồi" này "thao thao bất tuyệt" tư vấn về hiệu quả từ khóa học, đảm bảo hệ thống trang thiết bị với đội ngũ giáo viên uy tín nhiều năm giảng dạy tại trường, ngoài ra trong khóa học, học viên sẽ được giao tiếp với cả giáo viên nước ngoài. Đó đều là những lời "có cánh" khiến nhiều sinh viên dễ dàng chấp thuận đặt bút đăng ký theo học. Kèm theo đó, "cò mồi" còn cung cấp số điện thoại 0977568xxx để liên hệ. Thấy tôi vẫn dè chừng thì cô gái "cò mồi" này thay đổi ngay thái độ bằng sắc mặt bặm trợn. Tôi phải tìm cách ứng biến bằng việc xin tờ rơi để tham khảo thời gian học hợp lý.
Vài ngày sau, tôi liên lạc với số điện thoại 0977568xxx thì thấy một giọng nữ nghe máy. Sau khi nghe tôi trình bày muốn "thửa" và ngỏ ý muốn làm chứng chỉ tiếng Anh và tin học trình độ B để đi xin việc cho dễ, chị này liến thoắng: "Em làm chỗ chị là chuẩn nhất rồi. Em gửi thông tin cá nhân họ tên, ngày sinh, quê quán và scan ảnh 3x4 vào địa chỉ mail cho chị, một tuần sau nhận chứng chỉ".
Để đảm bảo xác thực, chị ta yêu cầu tôi phải đến đặt cọc hoặc thanh toán trước. Chi phí dịch vụ là 200.000 đồng cho cả hai chứng chỉ tiếng Anh B và tin học B loại giỏi, khá. Khi tôi nói hơi đắt thì "cò mồi" này phân bua: "Chỗ chị là rẻ nhất rồi…! Nếu em làm cả hai chứng chỉ thì chị sẽ thu phí 150.000 đồng, ưu ái riêng cho em đó".
Bằng việc áp dụng những chiêu giảm học phí từ 10%-20% so với mặt bằng chung và đánh vào tâm lý dễ tin của các bạn sinh viên, các trung tâm tiếng Anh này đã dễ dàng khiến các bạn trẻ móc hầu bao và đăng ký theo học. Bạn Cao Thị Nhung, từng đăng ký khóa học tiếng Anh trình độ B tại đây chia sẻ: "Đến trung tâm muốn tư vấn khóa học nhưng bị cám dỗ bởi những lời quảng cáo nên mình đăng ký luôn mà không mảy may suy nghĩ. Vào học rồi mình mới thấy tiếc vì không tìm hiểu tới chất lượng đào tạo của trung tâm".
"Treo đầu dê, bán thịt chó"
Sau khi hoàn thành xong việc chèo kéo và thu phí được tiền của học viên, "cò mồi" sẽ dẫn khách đến tận trung tâm tiếng Anh này để sắp xếp lịch học. Nhiều học viên khi đăng ký xong mới tá hỏa bởi phòng học tồi tàn, thiếu hệ thống trang thiết bị, phòng chiếu, giáo viên dạy "chay" bằng giáo trình in sẵn và chiếc đài cát sét cũ. Các tiết dạy trình A, trình B thường là thuê sinh viên, giáo viên bên ngoài nhằm tiết giảm chi phí. Những giờ học tiếng Anh với lượng kiến thức truyền tải y hệt học sinh cấp phổ thông trung học. Khi học viên muốn rút lại khóa học và làm đơn xin lại học phí thì đều bị từ chối vì quy định trong chiêu sinh là không hoàn trả học phí. Những học viên này thường không dám lên tiếng, đành chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Đó là nguyên nhân vì sao đầu vào chiêu sinh nhiều, nhưng đến nửa khóa học, số lượng học viên chỉ còn lác đác.
Ngoài hệ thống chiêu sinh theo kiểu "chợ đen", nơi đây còn có dịch vụ bán chứng chỉ công khai theo nhu cầu. Có cầu thì ắt có cung, các loại chứng chỉ giả thường được sinh viên mua để đối phó với nhà trường để được đủ điều kiện tốt nghiệp. Bên cạnh đó, những người đi làm sử dụng những chứng chỉ này để hợp thức hoá hồ sơ và tăng lương, nâng ngạch. "Bình thường, học một chứng chỉ ngoại ngữ loại A, mất ba tháng học, chưa kể thi; chứng chỉ tin học A mất một tháng học, chưa kể thi. Nếu đến "trung tâm" để "mua" thì chỉ lâu nhất một tuần là có chứng chỉ", bạn Nguyễn Hoa, sinh viên đại học Tài nguyên Môi trường bộc bạch.
Vi Giáng