Chiều 26/9, ông Hà Văn Chút, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh đã xác nhận trên địa bàn xã có xảy ra vụ bố bạo hành dã man con đẻ của mình. Nạn nhân là cháu Hà Dương Thuỳ T. (học lớp 3, Trường tiểu học Vĩnh Ninh, Quảng Bình).
Theo phản ánh của người nhà cháu T., nguyên nhân là do sau khi đi học về cháu ghé thăm mẹ do bị mổ ruột thừa, về nhà bố hỏi, do sợ quá nên cháu sợ nên nói đi chơi với bạn. Do đó, T. đã bị cha mình là Hà Tiến Dũng (35 tuổi) dùng roi đánh liên tiếp lên cơ thể, đặc biệt là vùng chân.
Hậu quả khiến cháu phải vào cấp cứu, điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh với chi chít các vết thương bầm tím ở hai chân. Được biết, bố mẹ cháu T. đã ly hôn, cháu T. sống cùng với bố và thường xuyên bị đánh đập.
Trao đổi với Luật sư Cao Văn Tỉnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật sư cho biết: “Liên quan đến sự việc, câu chuyện không còn nằm trong phạm vi gia đình mà hành vi bạo hành con đẻ của mình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Theo đó, trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật (theo Điều 14 và khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em).
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6, Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định), bao gồm: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em....
Theo quy định tại Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi được quy định trong Mục 4 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật sư cho biết thêm: “Ngoài ra, tùy theo mức độ tổn thương trên cơ thể trẻ em bị bạo hành mà người bạo hành có thể bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS”.
Như vậy, với trường hợp của ông bố khi hành hạ chính con đẻ của mình sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Do đó, khi dạy dỗ con cái của mình, các bậc phụ huynh cần phải kiềm chế sự nóng giận, dạy bảo đúng đắn để tránh các trường hợp trở thành hành vi vi phạm pháp luật.
Dương Nhung