“Bến không chồng” bên dòng Sông Lam Quanh năm mưu sinh với nghề hút cát, chèo đò, tưởng chừng cuộc sống ấy cứ yên ả trôi đi như dòng nước Sông Lam với người dân làng Giang Lam, xã Võ Liệt, Huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Cây cầu Rộ.
Thế nhưng cuộc sống thật oái ăm, ngày ngày người dân Giang Lam phải ngặm ngùi với nỗi đau của nhiều cô gái “quá xổi, lỡ thì”. Vất vả mưu sinh cách trung tâm Thị trấn Dùng hơn 8 km. Làng Giang Lam đã trở nên quá quen thuộc với mọi người xứ nghệ, bởi toàn bộ ngôi làng uốn mình trải dọc theo bờ Sông Lam. Với 124 hộ, 572 nhân khẩu, quanh năm người dân chủ yếu mưu sinh với nghề kéo cát, đánh cá chèo đò thuê.
Cuộc sống vất vả nhưng thu nhập chẳng được là bao. Ngày có việc thì cũng được trăm nghìn, còn không thì ngậm ngùi cay đắng. Cuộc sống đã bấp bênh như vậy nay lại càng trở nên khó nhọc hơn bởi trong mấy năm gần đây nghề chèo đò thuê đưa người qua Sông Lam đã không còn nữa bởi đã có cây Cầu Rộ. Việc ra đời cây cầu Rộ làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt của người dân Thanh Chương.
Trước thay đổi đó, buộc người dân Giang Lam chuyển nghề để mưu sinh, có người chuyển sang mở hàng tạp hóa bán, làm nghề bánh đa, bánh đúc, làm thợ xây...
Dù tìm đủ mọi nghề mưu sinh song cuộc sống người dân Giang Lam vẫn không hết gian nan vất vả.
Cuộc sống vất vả bao nhiêu với người dân Giang Lam đều có thể vượt qua song có một nỗi đau khiến họ không bao giờ nguôi ngoai được, nhiều khi trở thành niềm mặc cảm tự ti. Đó chính là nỗi đau của nhiều cô gái không lấy được chồng.
Hiện nay cả làng có 12 cô gái vì những lý do khác nhau mà con đường tình duyên chẳng hề suôn sẻ chút nào. Trong những chị ấy, có người trở về sau chiến tranh nhưng cũng có người ở lại làng cho đến nay.
Dù ở đâu, làm gì song nỗi đau chết già của nhiều cô gái vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Mỗi người một nỗi niềm riêng của phụ nữ, nên đã quyết định "giã từ" gia đình, giã từ những chức vị xã hội đang đảm nhận, rời quê ra đi mong tìm tấm chồng, cùng mái nhà yên ấm.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, chi Nguyễn Thị Hồng một trong những người đó ngậm ngùi, không dấu nổi hai dòng nước mắt chia sẻ: “Buồn lắm chú ạ. Sinh ra ai chẳng muốn có gia đình, hạnh phúc bên chồng con, nhưng số phận vậy thì biết làm sao?. Thôi đành phải chịu theo ý trời. Ở làng mãi cũng khổ nên tôi tìm ra thành phố làm thuê kiếm tiền tích trử, phòng bệnh tuổi già.
Đồng thời ra thành phố lao vào công việc thì sẽ nguôi ngoai đi những nỗi đau về số phận.”
Cũng theo lời chị Hồng giờ với công việc dọn vệ sinh văn phòng cho một công ty ở Hà Nội mỗi tháng trừ các khoản chi phí khác chị còn để dư ra 1.500.000đ làm vốn.
Cuộc sống ở thành phố lấy công việc làm niềm vui để quên đi nỗi buồn số phận nhưng mỗi lần rảnh rỗi lại lan man nghĩ ngợi rồi chị cảm thấy buồn và khao khát hạnh phúc có một mái ấm gia đình đến dường nào.
Không chỉ ra thành phố để nguôi ngoai nỗi đau về số phận mà có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn những cô gái Giang Lam vẫn mong tìm một người bạn đời cùng cảnh ngộ.
Dù vẫn biết muộn màng song để sẻ chia những đắng cay số phận, buồn vui bên cuộc sống đời thường. Không phải riêng gì các chị mà những bậc làm cha làm mẹ ở làng Giang Lam, xã Võ Liệt vẫn ngày ngày cầu mong cho các chị có mái ấm gia đình. Bởi đây không chỉ nỗi đau mà còn là nỗi mặc cảm, lòng tự ti.
Chẳng biết bao giờ nỗi niềm tha thiết trong sáng ấy mới trở thành hiện thực với 12 cô gái không chồng làng Giang Lam. Thời gian rồi sẽ trôi đi, nhiều cuộc đời thầm lặng vẫn bất tử với niềm mặc cảm số phận.
Tuấn Đức