"Bệnh" chán và nản, tôn thờ giá trị ảo

"Bệnh" chán và nản, tôn thờ giá trị ảo

Thứ 5, 27/12/2012 23:57

Xã hội khó khăn, kinh tế trì trệ nhiều nước tập trung vào làm việc, mong gia tăng giá trị tích lũy để hướng về một tương lai sáng lạn hơn. Nhưng ở ta, trong khó khăn một số người sớm tỏ ra chán nản, người ta không mặn mà với công việc mà chỉ biết than thở rồi thì đóng cửa kinh doanh, ngưng làm việc...

Mổ xẻ tâm lý này, PV báo Nguoiduatin.vn đã cùng mổ sẻ "bệnh ham chơi" của không ít người trong xã hội với TS. Trịnh Hòa Bình -chuyên gia tâm lý xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam).

Pháp luật - 'Bệnh' chán và nản, tôn thờ giá trị ảo

TS. Trịnh Hòa Bình

Càng khó khăn càng “mắc bệnh ham chơi”

Thưa ông, cho đến bây giờ đã giữa tháng Giêng nhiều doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở kinh doanh vẫn rong chơi tập trung đi cầu lễ bái mà lãng quên đi công việc. Có ý kiến cho rằng, không ít người Việt càng khó khăn càng “mắc bệnh ham chơi”, ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

Thực ra đây là vấn đề người ta thấy rằng cuộc sống nó mong manh dựa vào may rủi trông nhiều vào cơ hội chứ không phải bằng cái làm ăn đàng hoàng, bài bản, chỉn chu, chừng mực. Và điều này được kiểm chứng từ trong thực tế đời sống xã hội trong thời gian qua. Ở đây cũng liên quan đến câu chuyện giá trị của chúng ta bây giờ đang rối loạn, giá trị ảo đang lên ngôi. Người ta thấy rằng, có thể bằng mánh mung chụp giật, hay bằng cơ may để cầu may ở các lực lượng siêu nhiên giúp đỡ mình. Cái này phản ánh một tâm trạng xã hội, một giai đoạn mỏng manh dễ vỡ người ta không đón đợi sự làm ăn ngay thẳng. Người ta cứ sống hưởng thụ đã, cứ đánh quả được là đánh, là chén.

Người dân bây giờ cứ vin vào cớ đầu xuân năm mới tha hồ mà cờ bạc, tha hồ chơi, kể cả có cơ quan công quyền, doanh nghiệp đều chơi, nó thể hiện sự tiêu cực?

Đây chính là thái độ quay lưng thờ ơ với nhau. Tinh thần thờ ơ đang lên ngôi ở tất cả mọi lĩnh vực.

Nghĩa là con người không tin vào sự nỗ lực của bản thân của cộng đồng sẽ vượt qua khó khăn?

Họ không nói trắng ra điều đó, nhưng rõ ràng người ta đang trông chờ vào cơ may, chờ đánh quả. Họ chỉ biết “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”. Xét đến cùng thì đó cũng chỉ là một thứ văn hóa lùn, một kiểu văn hóa chụp giật của tranh tối, tranh sáng.

Như thế thì cho thấy rằng văn hóa và lối sống của mình vị kỷ quá. Con người chỉ biết vun vén cho bản thân?

Nó vị kỷ, nó thực dụng, nó cơ hội. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của cơ hội. Cái tiêu ngữ "Một người vì mọi người, mọi người vì một người" đã bị lãng quên, ai đó kêu gọi làm sống lại giá trị này thì bị chê cười, dè bỉu. Trong trường hợp này thì người ta trích dẫn lại lời chúa Giê su rằng, mỗi người hãy tự lo cho bản thân mình. Điều này nó phản ánh một tâm trạng xã hội chúng ta đang trong bước chuyển đổi, cái mới hoàn toàn còn chưa được khẳng định.

Ở một góc độ nào đó thì chính chúng ta đang đánh mất chính mình, không tin vào vào chính mình nữa đồng nghĩa sẽ mất đi cơ hội?

Nói thế này chắc chắn mọi người sẽ nhảy cẫng lên phản đối, bởi vì người Việt Nam bao giờ cũng cho rằng mình hào hoa, tự tin, tự chủ, yêu đời thường thì chúng ta hay gầm gào lên, nhưng cái yếu thì vẫn cứ yếu.

Xã hội cần sự minh bạch

Nhiều người đang thấy khó khăn thì đổ lỗi tại khách quan, chán nản và không muốn gắng sức?

Họ không tin và cũng không cần cố gắng, họ trông vào yếu tố may rủi, cơ may, bằng con đường không lành mạnh. Chứ còn, nếu thi đua lành mạnh thì lại khác. Phong trào thi đua của chúng ta hiện nay cũng thế, cũng chạy danh hiệu, cũng theo tỉ lệ, cho nên có hiện tượng có nhiều cơ quan hơn 1/5 đạt chiến sĩ thi đua, trong khi không có cống hiến gì...

Vậy là trong khó khăn, người ta vẫn kêu gọi đoàn kết, nỗ lực cùng vượt qua khó khăn nhưng cái kêu gọi đó liệu có chỉ là hình thức?

Đúng, chỉ là hình thức, thậm chí kêu là chỉ để lừa người khác thế chỗ cho mình. Các anh cứ nỗ lực đi, chúng tôi sẽ tổ chức cho các anh thành công, khi có chiến quả thì phân chia lợi nhuận theo mức độ người quan trọng thì được hưởng nhiều, được như thế là cũng đã công bằng lắm rồi. Trên thực tế thì chính những ông không làm lại đứng ra chia phần. Chúng ta đang ở trong tình trạng như thế.

Vì có tâm lý nảy sinh trong nhiều người so bì có những người chẳng phải làm gì cả mà vẫn giàu có, khá giả thì tại sao mình lại phải làm lụng vất vả như thế?

Đó là thái độ tiêu cực! Là biểu hiện của thái độ chống đối khi người ta không dám chống lại những kẻ xấu xa, những kẻ đạo đức giả. Điều này tệ hơn vì nó là sự a dua.

Trước đây chúng ta đã từng có tinh thần khắc phục khó khăn để chiến thắng nhưng trong thời bình, khó khăn trong làm ăn kinh tế, khó khăn về bối cảnh xã hội thì dường như chúng ta lại... "đầu hàng"?

Điều này phụ thuộc và chúng ta không có tầng lớp trí thức theo đúng nghĩa. Chúng ta chỉ nói thế thôi, chứ bây giờ nói đấu tranh, “vùi dập” đấu tranh thẳn thắn với nhau thì ít làm được.

Nếu như để tạo ra được một tâm lý ổn định, cần một cú hích nào đấy để xốc lại tinh thần cho người Việt thì theo ông phải bắt đầu từ đâu?

Chúng ta cần hơn lúc nào hết là ở sự minh bạch, cần cái sự rõ ràng, chiến lược phát triển rõ ràng trong cái việc chúng ta xây dựng nền văn hóa đầm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại. Phải làm cho được những cái đó, phải thực hiện cái phổ quát công bằng xã hội trên diện rộng, chứ không phải trên khẩu hiệu.

Xin cảm ơn ông.

Vương Hà


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.