Được sủng ái nhờ mái tóc?
Từ Hy Thái hậu tên thực là Lan Nhi, một cô gái người Mãn. Sử sách Trung Hoa còn ghi lại về “chiến tích” của cô gái 16 tuổi có tên là Lan Nhi được tuyển vào cung khi triều đình Mãn Thanh đã lún sâu vào khủng hoảng, thối nát, vua quan ăn chơi sa đọa, xao lãng việc triều chính. Hoàng đế Hàm Phong lúc đó mới 20 tuổi, đã lập hoàng hậu và có tới ba ngàn cung nữ. Tuy nhiên, với nước da sáng ngời và mái tóc tựa như dòng suối chảy, Lan Nhi đã làm vua Hàm Phong khi đó mê đắm ngay từ lần đầu thấy mặt.
Lần đầu gặp mặt, trong mắt nhà vua trẻ tuổi, Lan Nhi là người tài sắc vẹn toàn. “Ngũ quan của nàng không một chỗ nào chê được. Đặc biệt là làn da của nàng, trong cái trắng có hồng, trong hồng có phấn, nước da như phát sáng. Màu da càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng, khiến nàng đẹp khác thường. Tuy khuôn mặt nàng có nét buồn, nhưng nét buồn đó lại như bù đắp cho nàng cái gì đó chưa đầy đủ. Hai bím tóc đen lánh, vầng trán trắng ngần, mắt như sóng thu, môi hồng như hoa anh đào, hai má như hoa phù dung...”.
Đối với vua Hàm Phong, cô thôn nữ Lan Nhi như một món quà lạ. Đã chán ngấy các cung tần được trang điểm kỹ lưỡng, vàng bạc châu báu khoác đầy người, người con gái khỏe mạnh chốn dân dã, lại có khiếu thi ca đã chiếm lĩnh vị trí tối cao trong trái tim của hoàng thượng trong nhiều năm. Đặc biệt, với mái tóc suôn mềm óng ả như nhung và luôn ngát hương thơm của mùi thảo mộc, Lan Nhi đã làm cho vua Hàm Phong luôn đắm chìm trong mái tóc đó mà không thể dứt ra được. Chính biết được thế mạnh của mình, ngoài việc chăm sóc da, ngay từ khi còn là quý phi, Lan Nhi và sau này trở Từ Hy Thái hậu đã luôn biết cách chăm sóc cho mái tóc dày dặn và óng mượt của mình.
Ơ thời điểm đó, bí phương cung đình mà Từ Hy Thái Hậu thường dùng làm đẹp mái tóc là sự kết hợp của nhiều loại thảo dược, cây cỏ quý hiếm chỉ được trồng ở Trung Quốc như: thi bạch linh, nhân sâm, mộc hương, bá tử nhân, ngũ vị tử... Không những thế, để tạo ra được những loại mỹ phẩm dành cho tóc từ những vật liệu này lại vô cùng công phu và lắm công đoạn. Nhưng nhờ vậy mà từ khi vào cung năm 16 tuổi cho đến khi vua Hàm Phong băng hà, trong mắt vị vua yểu mệnh này, Từ Hy luôn là một mỹ nhân khó ai có thể thay thế.
Giết người vì chứng hói
Mặc dù chăm sóc cầu kỳ là vậy nhưng khi bước vào tuổi 40, do công việc triều đình chồng chất, lại hay mắc chứng đau đầu kinh niên nên ở tuổi này tóc của Từ Hy Thái hậu cứ rụng dần. Mặc dù vào thời điểm đó, Từ Hy đã áp dụng rất nhiều loại thuốc quý từ các ngự y tài giỏi trong kinh thành, tuy nhiên mái tóc của bà vẫn rụng một cách.. không thương tiếc.
Vào thời điểm này, mỗi khi nhặt được 1 sợi tóc rụng là Từ Hy cảm thấy xót xa như mất mát một thứ gì đó rất lớn lao. Tuy nhiên không phải một sợi mà rất nhiều sợi cùng rụng đã khiến phần phía sau bị trơ ra cả mảng đầu... bóng loáng. Không những thế, tóc ở cả hai bên tai cũng thi nhau rụng, vì thế mỗi lần chải đầu Từ Hy đều phải thốt lên xót xa. Những lúc như vậy, chỉ cần thái giám hoặc người hầu sơ xuất trong việc phục vụ là có thể bị Từ Hy quát tháo thậm chí mang đi... xử tử trong sự ngỡ ngàng không hiểu đã mắc tội gì.
Theo một số tài liệu về bệnh lý của các vương tôn công tử còn lưu giữ lại tại Thái y viện thì khi bước qua tuổi 40, tóc trên đầu của Từ Hy Thái Hậu đã rụng từng cụm, tạo thành những mảng hói trông rất nham nhở. Chính điều này đã khiến Từ Hy mất ăn mất ngủ trong suốt một thời gian dài khi các ngự y chưa tìm ra được phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Trong các buổi thiết triều khi đầu đã bị hói, Từ Hy thường phải đội tóc giả mới mong đủ bản lĩnh “buông rèm nhiếp chính” trước mặt bá quan văn võ.
Trong một số tài liệu còn ghi lại, khi Từ Hy bắt đầu rụng tóc, bà đã áp dụng rất nhiều bài thuốc quý của các ngự y có tiếng trong triều nhưng vẫn không làm căn bệnh này thuyên giảm. Lúc đó, Lý Liên Anh- một quan thái giám rất được Từ Hy ân sủng đã lặn lội đến các kỹ viện có tiếng tại kinh thành để học một thao tác chải đầu có tên là: Ngọc trâm. Sau khi thành thạo kỹ năng này từ các kỹ nữ, Lý Liên Anh đã về cung và chải đầu cho Từ Hy. Kết quả là mỗi khi Lý Liên Anh trải đầu, chưa bao giờ làm rụng một sợi tóc của Từ Hy. Hiểu được nỗi khổ tâm của chủ nhân khi bị rụng tóc, với kỹ năng chải đầu thư giãn bậc thầy của mình, Lý Liên Anh đã làm cho Từ Hy cảm thấy mê mẩn.
Theo sử sách còn ghi lại, kỹ năng trải đầu có tên Ngọc trâm hoàn toàn được Lý Liên Anh sáng tạo ra. Sự tỷ mẩn của viên thái giám này còn thể hiện ở chỗ ông ta cẩn thận chải từng sợi tóc còn lại trên đầu của Từ Hy. Mỗi ngày Lý Liên Anh lên lịch chải đầu cho Từ Hy 3 lần với dụng cụ chủ yếu là những chiếc lược được làm từ ngà voi và gỗ hoàng dương- một loại gỗ quý hiếm thời đó. Như Từ Hy miêu tả thì cách trải đầu của thái giam Lý Liên Anh cực kỳ nhẹ nhàng và linh hoạt.
Tuy cách trải đầu của thái giám họ Lý phần nào hạn chế được chứng rụng tóc vô tổ chức của Từ Hy, tuy nhiên gốc gác của căn bệnh này mãi về sau mới được các ngự y tại kinh thành tìm ra. Và cũng phải mất 6 năm sau đó, nhờ kiên trì điều trị mà tóc của Từ Hy mới mọc lại ra, bù đắp cho những năm tháng triền miên đội tóc giả để thiết triều.
"Thần dược" trị hói đầu
Theo các ngự y trong Thái y viện- nơi chăm sóc sức khỏe cho những nhân vật hoàng gia như hoàng đế và người nhà như hoàng hậu, phi tần... khi đó cho biết: Muốn có một mái tóc đẹp trước hết phải có một “tuyệt mật” bảo dưỡng. “Tuyệt mật” này lại trực tiếp liên quan tới thận và máu.
Trong y học cổ Trung Hoa thì giữa mái tóc, thận và máu có một mối quan hệ vô cùng khăng khít. Khi thận tốt, máu tốt thì mới có được một mái tóc khỏe mạnh và tươi nhuận, còn nếu không thì sẽ ngược lại. Một khi thận hư, máu huyết kém thì mái tóc sẽ trở nên xơ xác, khô cằn và rất dễ gãy rụng. “Trong Đông y gọi tóc là huyết dư, có thể hiểu là phần dư ra của chân huyết trong cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh, khí huyết đầy đủ thường sẽ có một mái tóc dày và đen bóng. Ngược lại, những người cơ thể hư nhược, khí huyết suy tổn thường sẽ có mái tóc không được như ý. Chứng rụng tóc của Từ Hy khi bước vào tuổi 40 không chỉ đơn giản là một hiện tượng liên quan tới thẩm mỹ mà nó còn là một chứng bệnh khó chữa.”- tài liệu trong Thái y viện còn ghi lại.
Theo như những gì các thái y chẩn đoán thì do suy nghĩ nhiều, căng thẳng quá mức nên Từ Hy đã mắc một chứng bệnh liên quan tới tim, chính điều này đã khiến cho căn bệnh hen suyễn của bà trở nên nặng nề gấp bội. Hơn nữa tóc của Từ Hy là loại tóc nhiều dầu, chủ nhân lại là người thích ăn những đồ béo nhiều dầu mỡ. Khi Từ Hy ăn những thức ăn có hàm lượng chất béo cao, tuyến bã nhờn tiết ra chất nhờn càng nhiều. Nếu như cơ thể dư thừa chất béo sẽ kích thích sự tăng tiết tuyến bã nhờn trên da đầu, làm bít các lỗ chân lông, từ đó làm tóc rụng nhiều hơn. Hơn nữa tinh thần luôn ở trạng thái căng thẳng cũng “góp phần” làm cho mái tóc dày óng ả trước đây của Từ Hy rụng một cách vô tổ chức.
Hiện tượng tóc rụng từng cụm dẫn tới hói tóc khi mới bước vào tuổi 40 đã khiến Từ Hy vô cùng lo lắng. Ngay ở thời điểm đó, vị thái hậu này đã ban hành một sắc lệnh khắp quốc gia nhằm tìm ngự y tài giỏi chữa bệnh rụng tóc cho bà. Khi triệu tập được một đội ngũ hùng hậu những ngự y tài giỏi khắp đất nước vào trong cung, người ta mới phát hiện ra nguồn gốc chính của việc thái hậu bị hói đầu liên quan tới thận và máu. Lập tức một loạt những đơn thuốc nhằm bổ thận, máu và lưu thông khí huyết đã được đưa đến hậu cung để Từ hy thái hậu xem xét.
Là một người rất am hiểu về đông y nên sau khi có đơn thuốc của các ngự y, Từ Hy đều xem qua. Nhận thấy những chẩn đoán của ngự y về chứng rụng tóc của mình là chính xác nên Từ Hy đã quyết tâm thực hiện theo với mong muốn khôi phục được lại mái tóc óng ả, suôn mượt như ngày nào. Được biết, những phương pháp mà các ngự y đưa ra đa phần đều sử dụng những loại thuốc quý như: Sâm nhung bổ thận hoàn; Tam nhất thận khí hoàn; Quy thược địa hoàng hoàn... nhằm tư âm dưỡng huyết, bổ thận để khắc phục tình trạng không mong muốn của mái tóc. Tuy nhiên, cũng phải mất 6 năm kiên trì điều trị, mái tóc của Từ Hy Thái Hậu mới khôi phục lại được sự dày dặn và óng ả như thưở ban đầu mới nhập cung.
Hải Hiền (Theo Gushi)