Bi kịch khi “thần chết” về làng

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Có từng sống ở nông thôn mới thấy được hết khó khăn mà người dân Diễn Trường (Diễn Châu, Nghệ An) phải đối mặt từ khi ma túy tràn về và những hệ lụy do nó mang lại.

Những thay đổi choáng váng

Ở địa bàn huyện Diễn Châu tình trạng buôn bán chích hút ma túy diễn ra từ lâu và khá phổ biến nhưng cũng ít tác động tới. Nhiều người vẫn nghĩ nó sẽ được miễn dịch trước cám dỗ đó, nhưng mấy năm gần đây ma túy bắt đầu về, và về rất ồ ạt như để bù vào khoảng thời gian thiếu hụt trước kia. Cuộc sống nơi đây cũng thay đổi đến chóng mặt. Thay đổi từ thói quen sinh hoạt, nếp sống chung cho đến những suy nghĩ, hành động của giới trẻ.

Giới trẻ không còn thuần khiết như xưa, tóc đã nhuộm đỏ, nhuộm vàng và thường tụ tập tại các quán karaoke để lắc, để thử cảm giác mạnh. Con đường băng qua những cánh đồng mát rượi không còn là nơi hóng mát sinh hoạt lành mạnh của người dân mà trở thành nơi tụ tập hút chích của những con nghiện, kim tiêm nằm ngổn ngang trên cỏ dọc khắp tuyến đường.

Theo anh Tùng - sinh sống tại đây, thì chỗ này chưa nhiều bằng ngoài kia vì gần làng. Nhìn theo hướng tay anh chỉ là cánh đồng bao la với vô vàn bờ ngang lối dọc. Chỉ tính sơ sơ mỗi bờ đó có số kim tiêm bằng nơi này cũng đủ rùng mình.

Trước đây, người ta quen với việc mở rộng cửa đón khách ngay cả khi đi vắng hay việc khách một mình tham quan khắp nhà rồi dùng trà trong lúc chờ chủ nhà về là chuyện bình thường thì nay thói quen ấy hoàn toàn biến mất. Người dân đã quen với việc cửa đóng then cài lúc vắng nhà, hay khóa kín cổng lúc trời vừa chạng vạng.

Những "bóng ma" sau lũy tre làng

Đang cùng bạn gái ngồi hóng mát ngoài đường, Phong đã bị hai kẻ mắt lờ đờ lại "hỏi thăm". Sau cuộc viếng thăm bất đắc dĩ đó, không chỉ điện thoại, ví tiền mà cả bộ quần áo của Phong vừa mới mua cũng bị "mượn" luôn. "Tức lắm, cũng định chống lại nhưng thấy chúng đang khát thuốc sợ chúng làm liều nên đành im lặng" - Phong nói.

Không riêng gì Phong, rất nhiều bạn trẻ bị xin quần áo kiểu đó khi lỡ trò chuyện ở những nơi thanh vắng. Lâu dần những tuyến đường trên trở thành đường cấm và ai muốn vui chơi trong an toàn đều phải về sớm.

Nhà chị Chu Thị Phương thì bị nẫng luôn cả nồi... cám lợn, nồi thì mất còn cám lợn bị bọn nghiện đổ tung tóe ngoài vườn. Những vật nuôi như ngan, gà, chó, vịt mặc dầu đã chuyển vào nuôi nhốt vẫn bị mất như thường. Tuy biết rõ thủ phạm nhưng do không bắt được tận tay hoặc có bắt được người dân cũng không muốn làm to chuyện vì sợ bị hằn thù. Một trong những kiểu trả thù đơn giản nhưng ghê rợn của bọn trộm là "rải miểng chai xuống ruộng" chị Thu rùng mình nói.

Sự cảnh giác của người dân càng cao thì thủ đoạn trộm cắp của các con nghiện cũng tinh vi hơn. Ở những nơi vắng vẻ thì chúng ra tay một mình, còn ở trong dân, chúng có sự kết hợp tìm hiểu theo dõi để hành động, mà theo người dân thì: Một đứa đi theo mình còn đứa khác hành động, nếu mình quay về là chúng alô cho nhau để chuồn ngay.

Ngay với người thân ruột thịt của mình, bọn chúng cũng không bỏ qua. Nhiều con nghiện khi đã bán hết đồ đạc trong nhà, lại nhìn đến tài sản dành dụm của người già. Đó là trường hợp con nghiện Hà cho bà nội uống thuốc ngủ để lột đôi hoa tai vàng bà vẫn thường đeo bán lấy tiền mua thuốc...

Anh cán bộ hộ tịch xã cho biết: Mấy năm gần đây, hầu hết thanh niên trong xã đều đổ xô vào Nam tìm việc, một số thì tìm được công việc ổn định nhưng một số khác lại lao vào con đường ăn chơi hút chích. Khi hết tiền chúng quay trở lại quê nhà, lợi dụng sự dễ dãi, sơ hở của người dân để trộm cắp, sự tò mò, hiếu kỳ, hiếu thắng của giới trẻ để rủ rê, khích bác, mời chào thuốc.

Chính vì vậy con số người nghiện không ngừng tăng cao, đặc biệt là lớp thanh niên mới lớn. Địa bàn chích hút thường là những tụ điểm karaoke, quán cà phê, ven sông và cả những con đường dẫn ra cánh đồng lúa. Những "bóng ma" đó không chỉ là nỗi ám ảnh mọi người mà còn gây hoang mang bất ổn cho các bậc làm cha mẹ.

Nỗi đau còn đó

Nghiện thì dễ nhưng thoát nghiện thì trăm ngàn lần khó. Điển hình như các con nghiện quê tôi, mặc dù vẫn đầy chí cai nghiện khi tỉnh táo, sự giúp đỡ, cùng các biện pháp cưỡng chế của người thân nhưng vẫn không thoát ma lực của "nàng tiên nâu".

Nhìn căn nhà trống hoác của bà Oanh sau một thời gian đứa cháu ngoại nghiện ngập không khỏi đau lòng. Cạnh giường là cánh cửa sổ bị cào xước nham nhở, dưới chân dường vẫn còn sợi xích to như là vật chứng để lại cho nỗ lực cai nghiện bất thành.

Bà nói, khi phát hiện cháu bị nghiện, bà và vợ cháu khuyên can không được, đồ đạc trong nhà cứ đội nón ra đi, nên cô vợ đã làm đơn li dị và đưa các cháu về bên ngoại. Theo một số thông tin thì T. đã bị bắt khi đang trộm đồ ở xã bên và được đưa vào trại cai nghiện.

Cũng giống như T, nhà Kiên cũng trống hoác như không người ở. Ít ai biết trước đây nó từng là căn nhà hạnh phúc và giàu có của xóm. Từ khi ma túy về làng tất cả đã thay đổi. Những vật dụng gia đình đã bị Kiên đi cầm cố để thỏa mãn cơn nghiện. Vợ Kiên phải đưa ba con nhỏ về nhà cha mẹ đẻ để nương nhờ. Sau khi bán hết đồ đạc, trộm cắp khắp xóm, Kiên bỏ vào Nam và cũng không ai biết hiện giờ Kiên ra sao.

Thái thì khác, hiện vẫn sống vất vơ vất vưởng ở quê, dựa vào ba bữa cơm của cha mẹ. Do thương con nên cha mẹ Thái không đưa đi cai mà trực tiếp cai cho cậu ở nhà. Nhưng mọi nỗ lực đều chưa thành, Thái sống như bóng ma trước nỗi đau của cha mẹ, sự e ngại, xa lánh của xóm làng...

Hậu quả thì họ đã phải gánh, phải đánh đổi cả tương lai, hạnh phúc, ước mơ và cả mạng sống của mình. Nhưng còn người thân của họ, tại sao lại phải chịu sự trừng phạt khi không có lỗi? Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng những tỳ vết về tuổi thơ không trọn vẹn, nỗi đau người mẹ và sự tủi nhục của người vợ... hẳn vẫn còn đó, mãi với thời gian.

Bảo Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.