Bi kịch của sự nóng giận
Bị cáo Vương Thế Anh (SN1976) và chị Nguyễn Ngọc Diệp (SN1979) tổ chức đám cưới từ năm 2004 (nhưng không đăng ký kết hôn) và cùng chung sống tại số 17 ngõ 172/46 - Âu Cơ - Tứ Liên - Tây Hồ - Hà Nội).
Tháng 3/2009, ông Nguyễn Bích Sử (SN1954, là bố đẻ chị Diệp) mua một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Zace mang BKS 29V-7253 và giao cho 2 vợ chồng sử dụng để kinh doanh.
Vào ngày 11/08/2009, Vương Thế Anh đã mang chiếc ô tô này đến cầm đồ tại cửa hiệu cầm đồ số 161 - Phùng Hưng - Cửa Đông - Hoàn Kiếm - Hà Nội, chủ hiệu là anh Nguyễn Thanh Tùng.
Vì không thấy chồng trở về, ngày 24/08/2009, chị Nguyễn Ngọc Diệp đã đến công an trình báo sự việc và đề nghị xử lý Vương Thế Anh trước pháp luật.
Sau đó 2 ngày, ngày 26/08/2009, Vương Thế Anh và gia đình đã đi chuộc lại chiếc xe trên và mang về.
Ngày 29/07/2010 Vương Thế Anh đã đến cơ quan công an đầu thú về hành vi phạm tội của mình.
Trước đó, ngày 28/04/2010, tại kết luận định giá tài sản số 40/KL-HĐĐG của hội đồng định giá tài sản tố tụng quận Tây Hồ kết luận: chiếc xe ô tô trên có giá trị 210 triệu đồng.
Vương Thế Anh đã bị truy tố ra trước tòa án nhân dân quận Tây Hồ để xét xử về tội trộm cắp tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS.
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Phiên tòa xét xử Vương Thế Anh đã phải mở ra, hoãn lại tới 5 lần và ngày 19/7, phiên tòa đã lại một lần nữa được đưa ra xét xử.
Điều trớ trêu trong vụ án này chính là việc, người được cho là bị hại (chị Diệp và bố đẻ của chị) một mực xin tha cho Vương Thế Anh.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tại phiên tòa, chị Diệp trình bày, vào thời điểm Thế Anh mang xe đi cầm đồ và không thấy về, chị tức giận và nghi ngờ chồng bán xe để đi chơi ăn xài với bồ bịch. Chị lại bị một số người quen xúi giục rằng "cứ làm đơn lên công an cho nó chết". Và chị đã lên công an trình báo sự việc. Vậy nhưng chị "không ngờ rằng hậu quả sự việc lại ra nông nỗi này".
Tại tòa, chị cũng cho biết, trước đó, chị và Thế Anh cũng có một số lần mang chiếc xe ô tô này đi cầm cố ở cửa hiệu cầm đồ kia để vay tiền làm ăn.
Trong khi đó, ông Sử - bố đẻ chị Diệp - cũng khẩn khoản trước tòa xin tha cho con rể của mình. Ông cũng mong cơ quan pháp luật xem xét, vì kết quả của sự việc, ông không chịu hậu quả tổn thất nào cả, chiếc xe ông đã nhận về và đã đem bán.
Trước đó, ông Sử và chị Diệp đã có đơn xin bãi nại đối với Vương Thế Anh. Vậy nhưng Viện kiểm sát quận Tây Hồ vẫn quyết định truy tố Vương Thế Anh tội "trộm cắp tài sản" và đề nghị đưa ra xét xử.
Cũng trong phiên tòa ngày 19/7, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị chuyển tội danh đối với Vương Thế Anh từ "trộm cắp tài sản" sang "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" và đề nghị tòa tuyên phạt Vương Thế Anh 7-8 năm tù.
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, các cơ quan pháp luật quận Tây Hồ đã hình sự hóa một quan hệ dân sự.
Bởi, theo xác minh, tài sản là chiếc ô tô của bố vợ bị cáo Thế Anh, đã có giấy giao xe cho vợ chồng Thế Anh mượn.
Hơn nữa, bị cáo Thế Anh ngay sau đó đã chuộc chiếc xe về. Đồng thời, gia đình đã có đơn bãi nại.
Thế nhưng, không hiểu sao các cơ quan pháp luật của quận Tây Hồ vẫn cố ý cột tội Vương Thế Anh, đẩy bị cáo vào vòng lao lý, đẩy gia định đến nông nỗi này?
Có luồng dư luận cho rằng, sở dĩ các cơ quan pháp luật quận Tây Hồ chậm xử lý vụ việc (vụ việc xảy ra từ tháng 8/2009) và đến khi xử lý lại thiếu thuyết phục chính là vì đã hình sự hóa quan hệ dân sự?
Đáng lẽ vụ việc này chỉ cần xử lý hành chính, đó cũng là cách để bỏa vệ một gia đình khỏi tan vỡ...
Dự kiến, chiều nay Tòa sẽ tuyên án.
Cảnh Kiên