Bi kịch người phụ nữ 2 lần bị bán ra nước ngoài

Bi kịch người phụ nữ 2 lần bị bán ra nước ngoài

Thứ 6, 28/12/2012 00:03

Đã từng bị lừa bán ra nước ngoài nhưng đúng một năm sau đó, Váng Thị T. vẫn tiếp tục "mắc câu" bọn buôn người. Chuyện không của riêng ai trên dải đất vùng cao Hà Giang đang đặt ra câu hỏi về sự nhận thức, hay vì "cái khó đang bó cái khôn" của người dân trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người hiện nay.

Một năm hai lần bị bán

Trung úy Mạc Đức Duy, Đồn biên phòng Bạch Đích (BĐBP tỉnh Hà Giang) chỉ tay về phía bên kia đồi, nơi có căn nhà đơn độc giữa lán ngô cho biết, nhà cô Váng Thị T. (SN 1987, dân tộc Nùng) với "sự cố" hai lần bị lừa bán sang Trung Quốc.

Pháp luật - Bi kịch người phụ nữ 2 lần bị bán ra nước ngoài

"Đóa hoa rừng" Váng Thị T. mặc áo mầu sẫm bên trái

Váng Thị T. vốn được nhắc đến như đóa hoa rừng tỏa ngát của vùng. Chẳng thế mà, đi đâu T. cũng luôn có vài "cây si". "Nhưng đáng tiếc, đóa hoa đã sớm phải lụi tàn vì bọn buôn người luôn rình rập ở bất cứ nơi đâu", trung úy Duy cho biết.

Ông Váng Quáng S. (bố T.) kể lại: "Lần đầu vào khoảng tháng 5/2009, nó xin phép đi chợ Bản Muồn (họp mỗi tuần một lần vào thứ bảy, dưới thung lũng rộng lớn của vùng núi Na Khê, xã Bạch Đích, Yên Minh, Hà Giang. Chợ bản Muồng từ lâu đã trở thành nơi giao lưu văn hóa của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hán, Cơ Lao và người Mông - PV) mua tư trang. Ra đến chợ, T. gặp một người đàn ông tự giới thiệu là cán bộ trên huyện xuống chơi. Thấy người này ăn nói có vẻ trí thức, thêm hành động lại ga lăng mua quà tặng T. và gia đình, nên T. đã xuôi lòng cùng người bạn mới đi lòng vòng tâm sự.

Hết phiên chợ, người đàn ông này rủ T. lên nhà mình chơi và cũng là để bố mẹ biết mặt. Không do dự, T. đồng ý lên xe cùng người này về huyện Yên Minh. Oái oăm là từ nhỏ đến lớn, T. chưa bao giờ bước khỏi xã Bạch Đích của mình, huống chi là đến tận cái huyện cô còn chưa một lần nghe tên. Thế là, hết đi xe máy lại lên ô tô, T. cứ thấy người đàn ông đưa mình đi tuốt, họ chỉ dừng lại để nghỉ ngơi hay ăn uống qua loa rồi lại lên đường. Qua nhiều ngày ròng rã, T. mới hay mình đã được đưa lên cửa khẩu Lào Cai. Lúc này, xuất hiện thêm một người đàn ông khác, cả hai chia nhau thay phiên gác, liên tục gọi điện thoại bằng tiếng Trung Quốc, nhằm kiếm tìm người để bán T.

Nhân lúc đối tượng không để ý, giữa đêm khuya, T. vùng chạy thoát vào bản Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Đến tờ mờ sáng, cô gặp được 2 người Dao thồ hoa đi qua cứu giúp và đưa về công an xã. Tại đây, Váng Thị T. được công an tỉnh Lào Cai thông báo về cho gia đình lên đón.

Thế nhưng, số phận lại thêm một lần nữa thách thức T. Sau khi, thoát khỏi "bàn tay quỷ", T. lấy chồng và có một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng lấy nhau chưa lâu, vì khốn khó, chồng T bỏ lại vợ con để sang Trung Quốc làm thuê. Đau khổ khi hạnh phúc đổ vỡ, nghe lời ngon ngọt từ một người đàn bà lạ, tay ôm đứa con 3 tháng tuổi, T. đi theo như phó thác số phận cho ông trời. Sang đến Lù Hồ (Trung Quốc), T. mới bừng tỉnh, ôm con chạy thục mạng rồi tìm nhà dân trốn nhờ. Một lần nữa "thần may mắn" lại mỉm cười với "đóa hoa rừng", người chủ nhà tốt bụng đã cho T. trốn nhờ và tạo mọi điều kiện để đưa cô về nhà. Hiện T. đang sống với bà nội cách nhà một quả đồi.

Lo lắng tội phạm "ngoại biên"

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Phòng Chống tội phạm ma túy BĐBP tỉnh Hà Giang, cho biết: "Điều lo lắng hiện nay là đối tượng ngoại biên xâm nhập vào Việt Nam, tìm cách tiếp cận, làm quen với những học sinh mới lớn và phụ nữ nhẹ dạ cả tin để tán tỉnh, rủ đi chơi, đi làm thuê với mức lương cao hoặc phục ở trên biên giới để bắt cóc phụ nữ trẻ em qua lại biên giới, chăn thả gia súc, canh tác biên giới, sau đó đưa sang Trung Quốc bán".

Đáng nói, theo đại tá Châu: Trường hợp mà Váng Thị T. vướng phải không phải thủ đoạn mới của bọn buôn người, nhưng có rất nhiều nạn nhân như T., vì không cảnh giác đề phòng nên vẫn bị sập bẫy. Bọn buôn người thường tiếp cận với các cô gái trẻ một cách từ từ, tạo lòng tin ở họ và chỉ cần có cơ hội là đưa sang biên giới ngay. Thường bọn này làm việc theo đường dây trong một tổ chức với những mánh khóe khôn khéo. Các nạn nhân sau khi bị đưa bán thường rất khó thoát thân để trở về đoàn tụ với gia đình.

Trong thực tế, có rất nhiều người luôn nghĩ rằng việc bị bắt, bị lừa bán xảy ra ở đâu đó xa xôi lắm và nạn nhân chỉ là những người thiếu hiểu biết nên mới dễ bị lừa gạt. Vì thế họ có tâm lý chuyện đó không bao giờ rơi vào mình nên không hề cảnh giác. Tuy vậy, càng ngày bọn buôn người càng có nhiều mánh khóe tinh vi và xảo quyệt hơn, nhằm vào những đối tượng và sử dụng những chiêu thức mà họ không lường trước được.

"Điều cần cảnh báo là mọi người nên cảnh giác với những mối quan hệ không rõ ràng, thận trọng khi được đối tượng mới quen rủ rê đi buôn, đi du lịch đến các địa phương ở sát biên giới. Một khi đã bị đưa qua biên giới, cơ hội trở về là rất ít và nếu có trở về được, các nạn nhân cũng phải chịu những tổn thương lớn về thể xác và tinh thần", đại tá Châu khẳng định.

Pháp luật - Bi kịch người phụ nữ 2 lần bị bán ra nước ngoài (Hình 2).

Bà Mạc Thị Liên

Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang cho biết: "Thời gian gần đây Hà Giang đã trở thành một điểm nóng về tình trạng mua bán người. Trước đó, trong năm 2008, 2009, ngành lao động thương binh và xã hội tỉnh chỉ đón tiếp khoảng 10 - 15 người trở về thôi. Nhưng trong năm 2010, con số tăng đột biến đến 104 người. Năm 2011, đến nay đã tiếp nhận 126 người được biên phòng, công an cùng phối hợp với các cơ quan nước bạn đưa về. Đấy là không tính đến những người tự giải thoát được, tự về nhà. Đặc thù ở Hà Giang là rất nhiều cửa khẩu, trong khi người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số với trình độ dân trí hạn chế, kinh tế khó khăn nên các đối tượng lừa đảo buôn bán người càng có điều kiện hoạt động mạnh hơn".

Trần Quyết

Kỳ cuối: Giả anh hùng 2 lần bán... người yêu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.